Hãng Bloomberg ngày 26/9 đưa tin các quốc gia EU đang gặp khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận về áp trần giá dầu của Nga, thậm chí đề xuất trên có thể bị lùi lại cho đến khi một gói trừng phạt lớn hơn được thống nhất.
Bloomberg trích dẫn một số nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán đang diễn ra cho biết Cộng hòa Síp và Hungary là một trong những quốc gia phản đối đề xuất áp đặt mức trần giá dầu. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của EU đòi hỏi sự nhất trí của cả khối. Do vậy, mỗi quốc gia đều có quyền phủ quyết lệnh cấm dầu mỏ của Nga.
Các nguồn tin nói với Bloomberg rằng Ủy ban châu Âu (EC) đã nhóm họp với các quốc gia thành viên vào cuối tuần qua để cố gắng tìm ra một thỏa hiệp đối với gói trừng phạt mới. Nhiều chi tiết trong gói trừng phạt này được cho là vẫn cần cập nhật thêm, trong đó có mức giá trần mà các đồng minh sẽ áp dụng.
Theo các nhân vật thạo tin, lệnh cấm vận dầu mỏ Nga sẽ cần có hiệu lực trước ngày 5/12 – thời điểm mà lệnh cấm vận nhập khẩu dầu đường biển cùng các dịch vụ cần thiết được EU thông qua trước đó có hiệu lực.
Bloomberg viết: "Việc EU thúc đẩy đặt giá trần đối với dầu mỏ của Nga sẽ giúp EU đồng hành với Mỹ trong nỗ lực nhằm giữ cho giá dầu thô không tăng cao và cắt giảm doanh thu của Moskva từ việc bán năng lượng”.
Đầu tháng này, Nhóm Các nền công nghiệp phát triển (G7) đã đạt được thỏa thuận ngăn chặn hoạt động vận chuyển dầu thô của Nga cao hơn giá quy định.
Phía Moskva tuyên bố sẽ không chấp nhận quy định về giá dầu, thay vào đó, họ sẽ vận chuyển sản phẩm đến các quốc gia không bị ràng buộc lệnh áp đặt giá trần. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo các quốc gia ủng hộ việc áp đặt giá trần sẽ không mua được dầu thô của Nga.
Trong bản báo cáo hôm 17/9, Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), có trụ sở ở Phần Lan, cho biết doanh thu từ việc xuất khẩu năng lượng của Nga trong 6 tháng qua đạt mức rất cao, lên tới 158 tỷ USD, trong đó 50% số tiền này đến từ các nước EU.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAE), trước khi xung đột Ukraine bùng phát, châu Âu là điểm đến của gần một nửa lượng dầu thô và các sản phẩm xăng dầu xuất khẩu của Nga. Trong năm 2021, các nước EU mỗi ngày nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô, 1,2 triệu thùng sản phẩm hóa dầu và 0,5 triệu thùng dầu diesel, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất.
Theo CREA, giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao đồng nghĩa với doanh thu hiện tại của Nga cao hơn nhiều so với các năm trước, cho dù lượng xuất khẩu giảm. CREA cho biết xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đã đóng góp khoảng 43 tỷ USD cho ngân sách liên bang của Nga kể từ khi nổ ra cuộc xung đột với Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đã khiến hàng hóa nhập khẩu của Nga sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất trong nước của nước này. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga đã được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng 60%, giúp bù đắp cho sự sụt giảm lượng xuất khẩu.
(Theo Tin tức)