Phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 5/10 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận về các bước tiếp theo đối với vấn đề thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên. Phiên họp chỉ kết thúc với lời kêu gọi thảo luận thêm về vấn đề này.
Mỹ và các đồng minh cho rằng việc cơ quan quyền lực của Liên hợp quốc không thể đạt được đồng thuận về việc Triều Tiên phóng tên lửa với số lần kỷ lục trong năm nay đang làm giảm uy tín của cơ quan này.
”Uy tín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang bị đe dọa", Hiroshi Minami, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Liên hợp quốc nói.
Hôm 4/10, Triều Tiên bắn một tên lửa tầm trung ngang qua lãnh thổ Nhật Bản lần đầu tiên sau 5 năm. Chính phủ Nhật Bản phải cảnh báo người dân nên tìm nơi trú ẩn sau khi Lực lượng Phòng vệ Bờ biển ghi nhận vụ phóng tên lửa.
Liên hợp quốc cho biết đây là một trong 39 vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong năm nay, bao gồm 8 vụ phóng gần đây nhất trong thời gian 10 ngày. Theo cơ quan này, Triều Tiên dường như cũng đang chuẩn bị cho vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ bảy.
Vài giờ sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Triều Tiên đã công bố một vụ phóng tên lửa mới, nâng tổng số vụ thử nghiệm tên lửa của nước này từ đầu năm đến nay lên con số 40.
Hôm 5/10, quân đội Hàn Quốc và Mỹ bắn một loạt tên lửa xuống biển để đáp trả việc Triều Tiên phóng tên lửa trước đó một ngày.
Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Anna Evstigneeva nói rằng, chính sự "vô trách nhiệm” của cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu cùng với các liên minh ngày càng tăng của Mỹ với các đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thúc đẩy Triều Tiên cần phải hành động.
Trong khi đó, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Geng Shuang mô tả vấn đề này là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Washington thực thi cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn.
Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, nói rằng các vụ phóng tên lửa trong năm nay của Triều Tiên rõ ràng động thái "leo thang căng thẳng". Bà tuyên bố Mỹ "sẽ không đứng nhìn Triều Tiên đe dọa trực tiếp" nước này hoặc các đồng minh của Washington.
Hội đồng Bảo an đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sau vụ nổ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006, đồng thời thắt chặt các biện pháp này trong nhiều năm nhằm tìm cách kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo cũng như cắt nguồn tài trợ cho nước này.
Tuy nhiên, hồi tháng 5, Trung Quốc và Nga đã chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an về việc áp đặt biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.
(Theo VTC)