Các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện các hành động cụ thể, chính xác, nhanh chóng và cần thiết, sử dụng tất cả các công cụ chính sách hiện có để giải quyết các thách thức chung. G20 cam kết tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển - nhất là các quốc đảo nhỏ và kém phát triển - ứng phó với các thách thức toàn cầu và đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Trên tinh thần "Cùng nhau phục hồi, Phục hồi mạnh mẽ hơn” của Chủ tịch G20 Indonesia năm 2022, các nhà lãnh đạo G20 khẳng định quyết tâm phối hợp hành động nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự hướng tới phục hồi toàn cầu mạnh mẽ, bao trùm, kiên cường và phát triển bền vững. Theo đó, G20 sẽ tăng đầu tư công và tiến hành cải cách cơ cấu, thúc đẩy đầu tư tư nhân, thương mại đa phương và tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm hỗ trợ tăng trưởng dài hạn, chuyển đổi bền vững và bao trùm, xanh và công bằng.
Tuyên bố nhấn mạnh G20 cũng sẽ duy trì ổn định tài chính và vĩ mô; thúc đẩy an ninh lương thực và năng lượng; hỗ trợ ổn định thị trường, cung cấp hỗ trợ tạm thời và có mục tiêu nhằm giảm tác động của việc tăng giá; tăng cường thương mại và đầu tư để đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực dài hạn, cũng như các hệ thống năng lượng, phân bón và lương thực có khả năng ứng phó và bền vững.
G20 cũng sẽ mở rộng hơn nữa đầu tư cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, cũng như các nước đang phát triển khác thông qua nhiều nguồn và công cụ tài chính sáng tạo hơn nhằm hỗ trợ đạt được các SDG; đồng thời yêu cầu các ngân hàng phát triển đa phương huy động và cung cấp bổ sung tài chính để hỗ trợ đạt được các SDG và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Bày tỏ lo ngại sâu sắc trước các thách thức an ninh lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng hơn do các xung đột và căng thẳng hiện nay, G20 cam kết thực hiện các hành động khẩn cấp để cứu sống, ngăn chặn nạn đói và suy dinh dưỡng, đồng thời kêu gọi nhanh chóng chuyển đổi hướng tới các hệ thống và chuỗi cung ứng nông nghiệp và thực phẩm bền vững và có khả năng ứng phó.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng hiện nay, các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh sự cấp thiết nhanh chóng chuyển đổi và đa dạng hóa các hệ thống năng lượng, tăng cường an ninh năng lượng, khả năng ứng phó và ổn định thị trường, bằng cách đẩy nhanh và đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bền vững, công bằng, với giá cả phải chăng và bao trùm, cũng như dòng đầu tư bền vững.
Về chuyển đổi năng lượng, G20 nhắc lại cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon trên toàn cầu vào giữa thế kỷ này hoặc sớm hơn, đồng thời kêu gọi các nước phát triển thực hiện các cam kết nhằm huy động khẩn cấp 100 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, giúp hoàn thành mục tiêu của Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) và thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Liên quan đến xung đột Nga - Ukraine hiện nay, tuyên bố của các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh sự cần thiết duy trì luật pháp quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và duy trì ổn định, nhấn mạnh giải pháp hòa bình cho các xung đột, các nỗ lực giải quyết khủng hoảng, cũng như ngoại giao và đối thoại là rất quan trọng.
* Bế mạc hội nghị và chuyển giao cương vị Chủ tịch G20
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Bali (Indonesia), Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chính thức tuyên bố bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2022.
Chiều 16/11, Tổng thống Widodo cảm ơn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cùng các nhà lãnh đạo đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Ông đánh giá cao sự hỗ trợ và ủng hộ của các nước thành viên G20 trong bối cảnh thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức xảy ra đồng thời.
Tổng thống nước Chủ tịch G20 năm 2022 đã trao búa cho nhà lãnh đạo Ấn Độ và chúc Ấn Độ sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch G20 năm 2023 thành công với nhiệm vụ duy trì và hiện thực hóa mục tiêu phục hồi toàn cầu và tăng trưởng toàn diện hơn. Tổng thống Widodo bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, G20 sẽ tiếp tục chuyển động mạnh mẽ. Indonesia cam kết sẵn sàng ủng hộ vai trò Chủ tịch của Ấn Độ trong năm tới.
Trong lời đáp từ, Thủ tướng Modi khẳng định đảm nhiệm cương vị Chủ tịch của G20 là niềm tự hào của người dân Ấn Độ. Ông cam kết đưa G20 trở thành "chất xúc tác" cho sự thay đổi toàn cầu. Thủ tướng Modi cho biết trong năm Chủ tịch G20, từ ngày 1/12/2023, Ấn Độ sẽ tổ chức các hội nghị liên quan tại nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước. Một trong những nội dung trọng tâm của Ấn Độ là chuyển đổi số.
(Theo Tin tức)