Đây là cuộc tấn công trên không thứ ba của Nga chỉ sau sáu ngày, tiếp tục phản ánh mối lo ngại của Ukraine và phương Tây về việc Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng ở Ukraine để đẩy nước này vào mùa đông khó khăn phía trước.
Ukraine chạy đua khôi phục điện nước
Theo phía Ukraine, kể từ tháng 10 năm nay, Nga đã tổ chức hàng loạt cuộc tấn công nhắm vào hệ thống lưới điện và cơ sở hạ tầng khác của Ukraine, tạo ra tình trạng mất điện giữa lúc người Ukraine đối diện với nhiệt độ thấp trong mùa đông.
"Sau vụ tấn công ở thủ đô, kết quả là các cơ sở hạ tầng đã gặp thiệt hại. Các kỹ sư năng lượng và hệ thống sưởi đang làm việc nhanh chóng để ổn định tình hình về cung ứng năng lượng và nhiệt", thị trưởng Kiev Vitali Klitschko thông tin.
Việc khôi phục mạng lưới điện và nguồn nước trở thành một trong hai nhiệm vụ chính của Ukraine vào lúc này. Trước đó trong tháng này, các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đặt vấn đề hỗ trợ cơ sở hạ tầng và tái thiết Ukraine thành một trong những trọng tâm cho mùa đông.
Tuyên bố vào tối 18-12 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định đã khôi phục được hệ thống điện phục vụ cho 9 triệu dân. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh "còn rất nhiều việc phải làm" vì Ukraine vẫn gặp nhiều vấn đề với nguồn cung điện và nước.
Trước tình thế này, Ukraine cũng phải tăng cường tấn công. Giới phân tích quân sự cho rằng giao tranh nhiều khả năng sẽ sớm gia tăng trở lại, với việc các khu vực do Nga kiểm soát ở phía nam rất có thể trở thành địa điểm tấn công của Ukraine.
"Tất cả nhằm mục đích câu giờ, kéo dài đường đua, bào mòn người Ukraine. Họ (Nga) muốn làm tiêu hao năng lực của quân đội Ukraine... bằng cách tiêu diệt lính Ukraine và phá hủy thiết bị của Ukraine nhanh hơn việc Ukraine có thể có", ông Justin Crump, cựu chỉ huy xe tăng của Anh và đang đứng đầu Hãng tư vấn an ninh Sibylline, nói với Hãng tin AP.
Tại Kiev, Ukraine cũng tuyên bố đã bắn hạ 18 trên tổng số 23 chiếc drone mà phía Ukraine khẳng định là loại Shahed do Iran chế tạo. Đồng thời, người Ukraine cũng kỳ vọng việc Thủ tướng Anh Rishi Sunak công bố gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 304 triệu USD nhằm giúp Ukraine tăng cường phản công.
Tâm lý chiến
Các diễn biến mới nhất chỉ cho thấy chiến sự Ukraine sẽ tiếp tục kéo dài và hai bên khó tạo ra bước ngoặt mới trong tình hình bế tắc hiện nay.
Cố vấn cấp cao của Tổng thống Zelensky, ông Mykhailo Podolyak, cho hay Ukraine đang chuẩn bị cho kịch bản Nga leo thang chiến sự mạnh mẽ trong mùa đông. Ông lo ngại Matxcơva cố gắng xoay chuyển tình thế trên chiến trường và "hạn chế sự phản đối chính trị trong nước".
"Người Nga đang chuẩn bị bổ sung khoảng 200.000 lính mới. Tôi không lạ gì nếu họ lại nhắm tới Kiev", ông Podolyak nói.
Thực tế, Tổng thống Zelensky cũng rơi vào cảnh khó xử trong tình hình hiện nay. Một mặt ông vẫn phải đưa ra những phát biểu lạc quan trước nhằm khích lệ tinh thần chiến đấu, sau nhằm chứng minh rằng quân đội Ukraine đủ khả năng bảo vệ đất nước và chiến thắng - một trong những điều phương Tây muốn thấy nhằm đo đạc hiệu quả của các gói hỗ trợ.
Mặt khác, theo New York Times, các phát biểu của giới chức Ukraine gần đây có vẻ là một phần trong kế hoạch kêu gọi các đồng minh Ukraine cảnh giác, không tự mãn dù quân đội Nga đang "vật lộn trên chiến trường".
Tờ báo Mỹ cho rằng cảnh báo từ Ukraine có vẻ cũng là nỗ lực nhằm ngăn không để Nga thuyết phục các đồng minh phương Tây của Ukraine gây áp lực buộc Kiev ngồi vào bàn đàm phán.
Trong thời gian gần đây, bắt đầu xuất hiện một số thông tin liên quan tới sự mệt mỏi và thiếu kiên nhẫn từ châu Âu - những người muốn nhìn thấy sự chấm dứt giao tranh để giảm gánh nặng kinh tế lẫn áp lực chính trị trong nước.
Đây cũng là lý do giới chóp bu của Ukraine đã phản ứng mạnh mẽ khi nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ, cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, kêu gọi đàm phán hòa bình Ukraine.
Trong bài viết cho tạp chí Spectator, ông Kissinger khẳng định Nga cũng đã có những đóng góp quyết định cho trạng thái cân bằng toàn cầu và cân bằng quyền lực trong hơn nửa thiên niên kỷ nay, và rằng "vai trò lịch sử của Nga không nên suy giảm".
Ukraine nhiều lần khẳng định chỉ chấp nhận đàm phán nếu Nga rút quân và trả lại lãnh thổ, bao gồm bán đảo Crimea.
Theo ông Crump, quân đội Ukraine sắp tới rất có thể cố gắng tái chiếm vùng Zaporizhzhia, tập trung vào khu vực cảng chiến lược Mariupol ở Biển Azov nhằm cắt đứt hành lang đất liền của Nga tới Crimea.
Ông Putin tới Belarus
Hôm 19-12, Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi các lãnh đạo châu Âu cung cấp thêm nhiều hệ thống vũ khí cho Ukraine bao gồm hệ thống phòng không.
Lời kêu gọi của ông Zelensky được đưa ra khi Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp có cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Theo Reuters, diễn biến này khiến phương Tây lo ngại ông Putin sẽ thúc giục ông Lukashenko tham gia đợt tấn công mới vào Ukraine.
Mặc dù lãnh đạo Belarus nhiều lần nhấn mạnh không có ý định đưa lính tới Ukraine, phía Ukraine vẫn nhìn nhận áp lực biên giới sẽ gia tăng.
Tuy nhiên, cũng trong ngày 19-12, Điện Kremlin lên tiếng khẳng định thông tin nói ông Putin đến Minsk để thuyết phục Belarus tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine là vô căn cứ.
(Theo TTO)