Theo tài liệu được công bố, "việc cung cấp dầu và các sản phẩm dầu của Nga cho các pháp nhân và cá nhân nước ngoài bị cấm, với điều kiện là các hợp đồng cung cấp này trực tiếp hoặc gián tiếp quy định cơ chế ấn định giá tối đa. Điều này áp dụng cho tất cả các giai đoạn cung cấp đến người mua cuối cùng”. Tuy nhiên, việc giao hàng, bị cấm theo sắc lệnh này, có thể diễn ra trên cơ sở quyết định đặc biệt của Tổng thống Liên bang Nga, được quy định trong văn bản.
Sắc lệnh chỉ rõ rằng, quyết định được đưa ra liên quan đến các hành động không thân thiện của Mỹ và các quốc gia đã tham gia cùng Washington. Chính phủ Liên bang Nga được giao xác định thủ tục giám sát việc thực hiện sắc lệnh. Việc giám sát sẽ do Bộ Năng lượng thực hiện. Sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 và có giá trị đến ngày 1/7/2023. Đồng thời, lệnh cấm cung cấp dầu sẽ có hiệu lực ngay lập tức và Nội các sẽ xác định ngày đối với các sản phẩm dầu (nhưng ngày này không thể sớm hơn 1/2/2023).
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, trong những điều kiện này, Nga sẵn sàng giảm sản lượng khai thác, có thể là 5-7% vào đầu năm 2023, tức khoảng 500.000-700.000 thùng/ngày.
Nga là quốc gia lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng, xuất khẩu 20% khí đốt tự nhiên và 20% dầu mỏ trên thị trường thế giới. Châu Âu là thị trường chính của các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt và bị phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt, các công ty dầu mỏ của Nga đã chuyển hướng cung cấp dầu từ châu Âu sang Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như châu Phi và châu Mỹ Latinh và bán nhiên liệu với chiết khấu. Hiện nay, một thùng dầu Urals của Nga được bán ở mức trung bình là 57,5 USD, trong khi dầu Brent tham chiếu được giao dịch ở mức 85 USD một thùng trên thị trường thế giới.
Theo nhà phân tích hàng đầu tại Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia của Nga Igor Yushkov, việc giảm sản xuất và xuất khẩu dầu sẽ không dẫn đến thiệt hại đáng kể cho Nga. Vì tất cả khối lượng dầu giảm có thể cung cấp cho Trung Quốc. Đồng thời, việc sụt giảm xuất khẩu dầu từ Nga trong thời gian tới có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt dầu toàn cầu trầm trọng hơn. Do đó, giá năng lượng, bao gồm cả giá năng lượng của Nga, có thể tăng đáng kể.
Nhà kinh tế học và giám đốc truyền thông tại BitRiver Andrey Loboda cũng cho rằng, Liên minh châu Âu không có thời gian để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng, và việc áp trần giá dầu cũng như phản ứng của Nga có thể đẩy EU vào suy thoái. Theo chuyên gia, trong điều kiện bình thường, châu Âu hoàn toàn được cung cấp năng lượng giá rẻ của Nga. Bây giờ nó sẽ đắt. Phi công nghiệp hóa và giảm tỷ trọng các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng là tương lai của EU. Tất nhiên, doanh thu của Nga từ thương mại dầu mỏ có thể giảm, nhưng điều này sẽ không nghiêm trọng khi đa dạng hóa nguồn cung và giá nguyên liệu dễ chịu.
Trước đó, ngày 5/12, lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga cung cấp bằng đường biển tới Liên minh châu Âu đã có hiệu lực. Các quốc gia EU cũng đồng ý về trần giá có thể điều chỉnh đối với các nguồn năng lượng từ Nga được vận chuyển bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng.
(Theo VOV)