Sáng kiến của thế kỷ
Tháng 9/2013, trong chuyến thăm Kazakhstan sau khi được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã thông báo về một đại kế hoạch có tên ban đầu là "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa”. Một tháng sau, trong chuyến thăm Indonesia và tham dự Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 tại Bali, Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục công bố "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, chính thức công bố với thế giới về đại kế hoạch Một vành đai – Một con đường (OBOR).
Về cơ bản, OBOR là tổ hợp siêu dự án bao gồm mạng lưới các tuyến đường bộ, đường sắt, đường ống dẫn dầu, khí đốt, hệ thống cảng biển, cáp quang, mạng lưới viễn thông… kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua hơn 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. OBOR bao gồm hai tuyến chính là "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” trên đất liền và "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”.
"Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” trên đất liền được bắt đầu từ thành phố Tây An, đi qua 10 thành phố khác của Trung Quốc rồi kết nối với các trung tâm kinh tế, thương mại tại các châu lục Âu-Á như: Almaty (Kazakhstan), Bishkek (Kyrgyzstan), Samarcanda (Uzbekistan), Dushanbe (Tajikistan), Teheran (Iran), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Moscow (Nga), Duisburg (Đức), Rotterdam (Hà Lan) rồi kết nối với điểm cuối của "Con đường tơ lụa trên biển” tại Venice (Italy).
"Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” là tuyến hàng hải kết nối các cảng biển của các quốc gia trải dài từ châu Á sang châu Âu. Bắt đầu từ thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” chạy xuống phía Đông qua các nước ASEAN, vượt qua eo biển Malacca, trở về hướng Tây rồi chạy dọc các quốc gia thuộc Ấn Độ Dương và tiếp tục chạy qua khu vực Biển Đỏ và Địa Trung Hải để kết nối với "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” trên đất liền tại Venice (Italy).
Sự hưởng ứng rộng rãi
Chính phủ Trung Quốc nhiều lần khẳng định, OBOR là một sáng kiến thương mại, nhằm kết nối kinh tế, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước, các khu vực, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả văn hóa, xã hội, mang lại lợi ích cho tất cả.
Tuy nhiên, sáng kiến này cũng dấy lên lo ngại ở một số quốc gia bởi hai "con đường tơ lụa” đi qua một số quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ trên biển, đất liền hoặc có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc hoặc đồng minh của Bắc Kinh. Mặt khác, phần lớn các quốc gia mà hai con đường đi qua đều nằm ở khu vực giàu tài nguyên nhưng nghèo đói và bất ổn về chính trị, cạnh tranh địa chính trị đang gay gắt. Ngoài ra, sự gia tăng về các hoạt động khủng bố, xung đột sắc tộc… cũng là những trở ngại cho chính Trung Quốc và các quốc gia OBOR đi qua.
Trước những lo ngại như vậy, tháng 3/2015, Ngoại trưởng Trung Quốc khi đó là ông Vương Nghị nhấn mạnh sáng kiến này là sản phẩm của hợp tác, chứ không phải là công cụ địa chính trị.
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường” tại Bắc Kinh tháng 5/2017 trước sự tham dự của khoảng 30 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ và phái đoàn của hơn 100 nước, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định mục tiêu của OBOR là xây dựng quan hệ đối tác chứ không phải là liên minh.
Đến tháng 10/2017, để tránh sự nghi ngại của nhiều nước cho rằng OBOR chỉ hướng đến các lợi ích của Bắc Kinh, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đã đổi tên OBRO thành Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI). Cũng tại Đại hội này, BRI được đưa vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc như một sáng kiến đối ngoại đặc trưng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào tháng 10/2022, người phát ngôn Uông Văn Bân nêu rõ: Việc xây dựng BRI đã tuân thủ nguyên tắc tham vấn sâu rộng, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tuân thủ khái niệm cởi mở, xanh và liêm chính, đồng thời phấn đấu thực hiện các mục tiêu về tiêu chuẩn cao, bền vững và đem lại lợi ích cho người dân, đạt được những kết quả quan trọng.
Trong bài viết đăng trên East Asia Forum, TS. Huiyao Wang (Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam) cho biết, tính đến cuối năm 2022, 150 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế đã ký kết hơn 200 văn bản hợp tác liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng chung với Trung Quốc trong khuôn khổ BRI. Italy là nước G7 đầu tiên tham gia BRI (tháng 3/2019) còn Argentina là quốc gia mới nhất ký kết kế hoạch hợp tác để cùng thúc đẩy việc xây dựng BRI (tháng 2/2022).
Theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR, Mỹ), hiện Trung Quốc đã chi khoảng 1 nghìn tỷ USD cho BRI và nếu duy trì cho đến khi các kế hoạch của BRI hoàn thành, tổng chi phí cho sáng kiến này có thể lên tới 8 nghìn tỷ USD. Trong khuôn khổ BRI, cho đến nay, khoản đầu tư lớn nhất từ Trung Quốc là vào Pakistan, với 62 tỷ USD cho các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC). Đây là tập hợp các dự án kết nối quan trọng bậc nhất BRI ở Nam Á, nối Trung Quốc với cảng nước sâu Gwadar của Pakistan trên Biển Arab ở phía Tây Nam và các nước Trung Á ở phía Tây Bắc.
Chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, ông David Sacks của CFR cho biết: "BRI là một trong những chiến lược phát triển quyết đoán và táo bạo nhất của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Bắc Kinh đã thành công trong việc vẽ lại bản đồ thương mại toàn cầu theo cách lấy Trung Quốc làm trung tâm chứ không phải Mỹ hay châu Âu”.
Những thách thức tiềm ẩn
Thông qua BRI, Trung Quốc nỗ lực kết nối với các châu lục, các quốc gia dọc tuyến đường trên tất cả các phương diện như xây dựng hạ tầng, đầu tư thương mại, văn hóa du lịch, an ninh chính trị, quân sự, ngoại giao... nhằm tạo dựng những hành lang hợp tác kinh tế lớn quan trọng, kết nối Á - Âu, một đầu là vành đai kinh tế Đông Á đầy năng động, một đầu là vành đai kinh tế châu Âu phát triển và ở giữa là các nước có tiềm năng kinh tế lớn.
Một thập niên triển khai sáng kiến mang tầm vóc thời đại của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng gặp phải những thách thức lớn, đặc biệt về khía cạnh an ninh, kinh tế và cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn.
Bên cạnh đó, BRI được cho là có liên quan tới biến đổi khí hậu. Mặc dù Trung Quốc cam kết ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài vào năm 2021, nhưng đầu tư vào năng lượng không tái tạo đã chiếm gần một nửa tổng chi tiêu của BRI.
Trong khi nhiều nước e ngại BRI, Nga nổi lên là một trong những đối tác nhiệt tình nhất của BRI cho dù ban đầu Moscow dè dặt với sáng kiến này. Nga lo ngại rằng các kế hoạch của Bắc Kinh sẽ vượt xa tầm nhìn của Moscow về một "Liên minh kinh tế Á - Âu” và ảnh hưởng đến phạm vi ảnh hưởng truyền thống của nước này.
Ở Đông Nam Á, theo phân tích của CFR, các nước khu vực có thể sẽ được hưởng lợi từ BRI thông qua các dòng vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển kết nối khu vực với thế giới. Giao thương giữa các nước cũng sẽ thuận tiện hơn, tạo động lực để thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, tăng sức cạnh tranh của từng nước với các nước trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, những cân nhắc về an ninh quốc gia và việc duy trì cân bằng địa chiến lược giữa các cường quốc sẽ gây ra những mối quan ngại tại nhiều nước trong khu vực này.
(Theo Báo Quốc tế)