Ngày 13/7, hãng tin Tass đưa tin Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang theo đuổi "kế hoạch Chiến tranh Lạnh”, tăng cường sự hiện diện quân đội gần biên giới Nga và tìm cách chia rẽ thế giới dựa trên sự khác biệt về ý thức hệ.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết những cam kết tăng cường năng lực quân sự cho Ukraine của NATO cho thấy một "lộ trình leo thang xung đột có chủ đích”.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, Hội nghị thượng đỉnh NATO đã chứng tỏ "tổ chức này đã hoàn toàn quay trở lại với các kế hoạch thời Chiến tranh Lạnh” và các cường quốc phương Tây đã quyết tâm chia rẽ thế giới và mục tiêu của chính sách này là nhằm vào Nga.
Cáo buộc gay gắt này của Moscow được đưa chỉ vài giờ sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/7 ở Litva bàn nhiều nội dung liên quan an ninh và tương lai của Ukraine trong khối. Tại hội nghị, Ukraine đã được các quốc gia thành viên hứa hẹn về an ninh lâu dài và đảm bảo rằng Ukraine cuối cùng sẽ được mời gia nhập NATO nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Trước đó, ngày 12/7, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết các tuyên bố được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius cho thấy thái độ chống Nga và sự sẵn sàng triển khai thêm quân gần biên giới Nga của khối.
Đại sứ Antonov cáo buộc Mỹ gây ra cuộc chiến hỗn hợp khiến người dân phương Tây phải trả giá và nói rằng rất ít người trong hội nghị NATO quan tâm đến số phận của người dân Ukraine.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius đã thể hiện ý định của liên minh là tập hợp ngày càng nhiều quân đội vào biên giới Nga. Tuy nhiên, các quyết định hung hăng của Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ không làm lung lay niềm tin của Nga vào những hành động đúng đắn của mình. Chúng tôi chắc chắn rằng sẽ đạt được tất cả mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine”.
Trong một tuyên bố trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng cảnh báo Chiến tranh Thế giới thứ 3 đang đến gần hơn khi NATO tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Trong khi đó, ngày 11/7, Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc của NATO rằng Trung Quốc thách thức lợi ích và an ninh của khối, đồng thời phản đối bất kỳ nỗ lực nào của NATO trong việc mở rộng hiện diện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo hãng tin Reuters.
Trong tuyên bố chung của lãnh đạo các nước NATO, khối này cáo buộc Trung Quốc "sử dụng nhiều công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng hiện diện trên toàn cầu và phô diễn sức mạnh, trong khi không làm rõ về chiến lược, ý định và việc xây dựng quân đội của mình”.
NATO cũng cáo buộc các hoạt động độc hại trên không gian mạng, những luận điệu đối đầu và thông tin sai lệch của Bắc Kinh nhắm vào liên minh gây ảnh hưởng xấu tới khối này.
Đáp lại, Phái bộ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) cho biết các nội dung liên quan đến Trung Quốc trong thông cáo của NATO "đã coi thường các sự kiện cơ bản, bóp méo quan điểm và chính sách của Trung Quốc, đồng thời cố tình làm mất uy tín của Trung Quốc".
"Chúng tôi kiên quyết phản đối và bác bỏ điều này" - phái bộ Trung Quốc nhấn mạnh.
Phái bộ Trung Quốc tại EU cũng kiên quyết phản đối "sự dịch chuyển về phía đông của NATO vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và cảnh báo bất kỳ hành động nào đe dọa các quyền, lợi ích của Bắc Kinh sẽ bị đáp trả tương xứng.
Vào tháng 5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida Kishida cho biết nước này không có kế hoạch trở thành thành viên NATO, mặc dù NATO dự kiến thành lập văn phòng ở Tokyo, văn phòng đầu tiên của liên minh do Mỹ dẫn đầu ở châu Á, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tham vấn trong khu vực.
(Theo Kinhtedothi)