Trung Quốc khai thác tiềm năng thuỷ điện, xây siêu đập lớn gấp 3 Tam Hiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/7/2023 | 2:19:48 PM

Trung Quốc đang đứng đầu về thủy điện, với số lượng đập thuỷ điện lớn đang hoạt động nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại.

Trung Quốc triển khai nhiều dự án đập dọc theo sông Brahmaputra.
Trung Quốc triển khai nhiều dự án đập dọc theo sông Brahmaputra.

Củng cố an ninh nguồn nước

Hạn hán ở Trung Quốc làm khô cạn một phần sông Dương Tử vào năm ngoái nhưng dự án vận chuyển nước lớn nhất vẫn lấy nước từ dòng sông này để cung cấp cho Bắc Kinh.

Năm 2022, hơn 1 tỉ mét khối nước đi từ một hồ chứa ở miền trung Trung Quốc theo Dự án Nam Thủy Bắc Điều đã được chuyển tới hàng triệu hộ gia đình ở thủ đô Bắc Kinh cách đó 1.200 km. Nước được đưa qua các đường hầm và kênh đào ngầm nối với sông Hoàng Hà.

Dự án này có chiều dài gần bằng khoảng cách từ Amsterdam, Hà Lan tới Rome, Italy.

Theo Nikkei, dự án dẫn nước khổng lồ nêu bật quy mô các biện pháp của Trung Quốc nhằm củng cố an ninh nguồn nước và những tác động tiềm tàng mà những biện pháp này gây ra với khu vực.

Nhiều con sông xuyên biên giới của châu Á bắt nguồn từ cao nguyên Ấn - Tây Tạng ở Trung Quốc. Những con sông này chảy vào 18 quốc gia ở hạ nguồn như Ấn Độ, Kazakhstan, Bangladesh và Việt Nam, cung cấp nước cho 1/4 dân số thế giới.

Nikkei chỉ ra, riêng điều này đã khiến cho quốc gia đông dân thứ hai thế giới trở thành siêu cường ở thượng nguồn bởi sức ảnh hưởng khổng lồ với tưới tiêu của phần lớn lục địa.

Thêm vào đó, những dự án như xây dựng đập và nhà máy thủy điện trên những con sông này dự kiến tạo ra cục diện mới.

Ông Brahma Chellaney - giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, cựu cố vấn của Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ - chỉ ra, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về  thủy điện, với số lượng đập lớn đang hoạt động nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại.

Trung Quốc đã xây dựng 11 con đập lớn ở thượng nguồn sông Mekong và hiện tại chuyển sự chú ý sang khai thác các nguồn nước dồi dào ở lưu vực sông Brahmaputra.

Sông Brahmaputra là một trong những con sông không có đập cuối cùng trên thế giới cho đến khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng loạt đập cỡ trung ở các đoạn thượng nguồn của hẻm núi nổi tiếng. Việc xây dựng đập đang tiến gần hơn nữa tới khu vực biên giới với Ấn Độ.

Siêu dự án tạo ra điện gấp 3 lần đập Tam Hiệp

Hiện tại, Trung Quốc đang xây dựng siêu đập đầu tiên trên thế giới gần biên giới với Ấn Độ. Siêu dự án này, có công suất dự kiến là 60 gigawatt, sẽ tạo ra lượng điện gấp 3 lần so với đập Tam Hiệp. Tam Hiệp hiện là nhà máy thuỷ điện lớn nhất thế giới.


Đập Tam Hiệp ở Trung Quốc. 

Siêu đập mới của Trung Quốc đặt tại nơi có địa hình nguy hiểm nhất thế giới. Tại đây, sông Brahmaputra từ dãy Himalaya chảy xuống gần 3.000 m khi rẽ ngoặt hướng nam để vào Ấn Độ. Cũng tại đây, con sông lớn ở độ cao cao nhất thế giới chảy qua hẻm núi dài nhất và dốc nhất thế giới.

Sâu gấp đôi hẻm núi Grand Canyon của Mỹ, hẻm núi Brahmaputra có trữ lượng nước chưa khai thác lớn nhất châu Á. Dòng chảy mạnh của dòng sông được người Tây Tạng gọi là Yarlung Tsangpo tạo ra một trong những nơi tập trung năng lượng sông lớn nhất trên Trái đất.

Những yếu tố này đã tạo thành thỏi nam châm cực mạnh với các nhà xây dựng đập của Trung Quốc.

Tuy nhiên, những con đập khổng lồ được xem là đặt ra mối đe doạ vì ở trong khu vực có hoạt động địa chấn. Điều này khiến con đập có khả năng trở thành bom nước hẹn giờ với các cộng đồng dân cư ở hạ lưu tại Ấn Độ và Bangladesh.

Phần đông nam của cao nguyên Tây Tạng dễ xảy ra động đất do nằm trên đường đứt gãy địa chất mà các mảng kiến tạo Ấn Độ và Á - Ấn va vào nhau.

Trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, dọc theo vành đai phía đông của cao nguyên Tây Tạng, đã cướp đi sinh mạng của 87.000 người và thu hút sự chú ý của quốc tế về hiện tượng địa chấn do hồ chứa (RTS).

Một số nhà khoa học ở Mỹ và Trung Quốc đã tìm thấy mối liên hệ giữa trận động đất Tứ Xuyên và đập Zipingpu. Con đập này được đưa vào sử dụng 2 năm trước ở vị trí gần một đứt gãy địa chấn.

Các chuyên gia cho rằng, trọng lượng của hàng trăm triệu mét khối nước trong hồ chứa của đập Zipingpu có thể gây ra RTS.

Nhưng ngay cả khi không có động đất, siêu đập mới có thể là mối đe dọa với cộng đồng dân cư ở hạ lưu nếu mưa lớn trong mùa mưa dẫn tới lũ quét ở khu vực Great Bend của sông Brahmaputra. Chỉ 2 năm trước, khoảng 400 triệu người Trung Quốc chịu nguy cơ lớn khi lũ lụt kỷ lục đe doạ đập Tam Hiệp.

Nikkei lưu ý, Bangladesh dự kiến chịu gánh nặng môi trường bị tàn phá mà siêu dự án gây ra trên sông Brahmaputra. Tuy nhiên, thiệt hại về môi trường có thể sẽ rộng ra khắp Tây Tạng - một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới.

(Theo LĐO)

Các tin khác
Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi có sự tham dự của 17 nguyên thủ quốc gia các nước châu Phi.

Phái đoàn từ 49 quốc gia châu Phi, trong đó có 17 nguyên thủ quốc gia sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi trong tuần này.

Ông Tần Cương không còn là ngoại trưởng Trung Quốc.

Ngày 25/7, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) Trung Quốc nhất trí bổ nhiệm ông Vương Nghị làm Bộ trưởng Ngoại giao và ông Phan Công Thắng (Pan Gongsheng) làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Xinhua đưa tin.

Tổng thống Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/7 đã ký luật cấm phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Luật này cấm người dân thay đổi giới tính cả về mặt pháp lý lẫn y tế, trừ những lý do y tế nghiêm trọng.

Ngũ cốc được trữ tại kho trong nông trại ở Izmail, Ukraine. Ảnh (tư liệu)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) đảm bảo rằng lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine vào 5 nước Trung Âu được dỡ bỏ ngay khi lệnh cấm này hết hiệu lực dự kiến vào ngày 15/9 tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục