Ủng hộ tăng lương lên tới 40%
Theo hãng tin Reuters, ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham gia cuộc đình công của công nhân ngành ô tô tại bang Michigan và ủng hộ đề nghị của công đoàn lao động về việc tăng lương 40%.
Theo Reuters, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một Tổng thống Mỹ đương nhiệm tham dự cuộc đình công của công nhân.
Ông Biden đã tham gia cuộc đình công của hàng chục công nhân bên ngoài trung tâm phân phối bộ phận ô tô thuộc sở hữu của General Motors ở Belleville, bang Michigan.
Tại đây, Tổng thống Mỹ đưa ra quan điểm công nhân ngành ô tô xứng đáng được hưởng mức lương cao hơn nhiều so với hiện tại.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Mỹ có ủng hộ đề nghị tăng lương 40% do công đoàn đại diện cho công nhân đưa ra hay không, ông Biden trả lời: "Có. Tôi cho rằng công đoàn có thể đàm phán được mức tăng này”.
Theo hãng tin Reuters, mức tăng lương 40% tương đương mức tăng lương của cấp giám đốc điều hành tại các hãng ô tô sau bốn năm.
Trao đổi với Reuters, một số nguồn tin thuộc các công ty ô tô cho rằng việc Tổng thống Biden ủng hộ mức tăng lương 40% có thể khiến các hãng ô tô gặp khó khăn trong việc đạt thỏa thuận với United Auto Workers (UAW) - công đoàn tổ chức cuộc đình công.
Theo các nguồn tin, các cuộc đàm phán giữa các hãng ô tô và UAW không đạt tiến triển trong tuần này khi sự chú ý đổ dồn vào việc ông Biden và ông Donald Trump đều đến bang Michigan trong tuần và tham gia các sự kiện có mặt công nhân ngành ô tô.
Trên mạng xã hội X (Twitter), Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla Elon Musk cho rằng đề nghị tăng lương 40% và giảm giờ làm việc đồng nghĩa đẩy các công ty vào cảnh phá sản. Các nhà máy của Tesla không thành lập công đoàn công nhân.
Chủ tịch UAW Shawn Fain đã đón ông Biden tại sân bay, trao đổi với tổng thống về những lo ngại của công đoàn khi các hãng ô tô chuyển sang sản xuất xe điện.
Ông Fain cũng ca ngợi chuyến thăm của ông Biden là "thời khắc lịch sử”. "Cảm ơn ngài Tổng thống đã đến Michigan và thể hiện sự ủng hộ với công nhân ngành ô tô. Chúng tôi luôn tin tưởng tổng thống sẽ hỗ trợ tầng lớp lao động”, ông Fain nói.
Đồng thời, ông Fain cũng cáo buộc Giám đốc điều hành các hãng ô tô chiếm phần lớn lợi nhuận trong khi chỉ để cho công nhân "phần dư thừa".
Mối liên quan giữa công đoàn và bầu cử Tổng thống
Theo Reuters, trong tháng này, công đoàn UAW đã tổ chức đình công phản đối ba hãng ô tô lớn của Mỹ là GM, Ford và Stellantis, đề nghị tăng lương, giảm thời gian làm việc và đảm bảo việc làm cho người lao động trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang chuyển sang sản xuất xe điện.
Công đoàn quan ngại xu hướng chuyển sang sản xuất xe điện sẽ khiến nhiều công nhân mất việc làm do quá trình sản xuất loại phương tiện này cần ít lao động hơn.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 27/9, ông Donald Trump - ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, cũng sẽ thăm một nhà máy sản xuất bộ phận ô tô tại bang Michigan và trao đổi với công nhân.
Theo Reuters, hai chuyến thăm liên tiếp của ông Biden và ông Trump cho thấy sự ủng hộ của công đoàn lao động đối với ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024 là rất quan trọng dù các công đoàn chỉ đại diện cho số ít công nhân tại Mỹ.
Tính đến năm 2022, chỉ 10,1% công nhân Mỹ tham gia các công đoàn lao động.
Tuy nhiên, các công đoàn này có ảnh hưởng chính trị rất lớn bởi cử tri tại các bang nơi công đoàn hoạt động mạnh thường dao động giữa việc bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa.
Ngoài ra, tiếng nói của các công đoàn cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới quyết định bỏ phiếu của tầng lớp lao động.
(Theo Giao thông)