Hưởng lợi từ sự cân bằng các "điểm” đối đầu
"Ở một mức độ nào đó, phương Tây đáng tin cậy và Nga cũng vậy", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhận định với kênh PBS của Mỹ hôm 18/9. "Trong 50 năm qua, chúng tôi đã chờ đợi ở ngưỡng cửa EU và giờ đây, tôi tin tưởng Nga cũng nhiều như tin tưởng phương Tây".
Sau chuyến thăm Nga ngày 4/9 để gặp Tổng thống Vladimir Putin, Tổng thống Erdogan cho rằng nhà lãnh đạo Nga muốn nhanh chóng kết thúc xung đột ở Ukraine.
"Tổng thống Putin đứng về phía muốn chấm dứt xung đột nhanh nhất có thể. Đó là những gì ông ấy nói. Và tôi tin ông ấy", ông Erdogan cho hay.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng duy trì sự cân bằng thận trọng trong quan hệ giữa các bên tham chiến ở Ukraine cũng như trong quan hệ với phương Tây, Trung Quốc và dư luận trong nước.
Lập trường cân bằng của ông Erdogan đã thu về những lợi ích kinh tế và chính trị to lớn đối với cả ông và Thổ Nhĩ Kỳ khi nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn bởi cuộc suy thoái kéo dài suốt 5 năm.
"Tư duy địa chính trị của ông Erdogan dựa trên việc cân bằng 3 điểm của đối đầu, đó là phương Tây, Nga và Trung Quốc", nhà phân tích Aleksey Kushch nhận định với Al Jazeera.
"Từ mọi hướng, ông Erdogan đều nhận được lợi ích tối đa - thị trường, công nghệ và hiện đại hóa nền kinh tế từ phương Tây; nguyên liệu thô giá rẻ, nhiên liệu và một trung tâm khí tự nhiên từ Nga; quá cảnh hàng hóa và đầu tư từ Trung Quốc", chuyên gia này bình luận.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erodogan.
Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ cũng duy trì sự ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay. Ông gọi Tổng thống Volodymyr Zelensky là "người bạn thân của tôi" và gần đây đón tiếp nhà lãnh đạo Ukraine ở Istanbul, hỗ trợ đàm phán để thả các tù nhân chiến tranh cũng như mở rộng "thỏa thuận ngũ cốc" để vận chuyển lúa mì Ukraine qua Biển Đen. Các UAV tấn công Bayraktar được sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng khá hiệu quả trong việc hỗ trợ quân đội Ukraine đối phó với các lực lượng của Nga.
Thuyết phục cử tri trong nước
Việc không chọn bên của ông Erdogan cũng giúp ích cho nhà lãnh đạo này tại quê nhà, đặc biệt từ khi các cử tri ủng hộ ông nhận ra hầu hết các thành viên EU đều bày tỏ thái độ do dự về việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ và "tiêu chuẩn kép" của phương Tây đối với vấn đề di cư. Điều này đã làm gia tăng tâm lý chống phương Tây ở những cử tri này, chuyên gia Seda Demiralp thuộc Đại học Isik ở Istanbul đánh giá.
"Các cử tri của ông ấy đều cảm thấy bị thuyết phục trước thực tế rằng, một vị trí độc lập sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ nhất. Các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao mối quan hệ gần gũi hơn với phương Tây trong khi cũng nhận ra rằng Ankara không bao giờ được phương Tây đối xử như một đối tác bình đẳng", chuyên gia này nhận định.
Theo nhà phân tích Gonul Tol thuộc Viện Nghiên cứu Trung Đông có trụ sở tại Washington: "Từ quan điểm của ông Erdogan, việc theo đuổi chính sách không ủng hộ riêng bên nào là một điều rất hợp lý. Ông ấy không thể xa cách phương Tây hay Nga".
Mặt khác, Brussels, Washington và Moscow không có lựa chọn nào ngoại trừ tiếp tục duy trì quan hệ với ông Erdogan hết lần này đến lần khác. Theo chuyên gia Tol: "Từ quan điểm của phương Tây và Nga, họ đều muốn hòa hợp với ông Erdogan và nghĩ rằng cần phải hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ".
Mối quan hệ đặc biệt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga
Ngoài ra, không thể không nhắc đến mối quan hệ cá nhân giữa ông Erdogan và Tổng thống Putin.
"Thời gian đã cho thấy cả hai nhà lãnh đạo đều làm theo các lợi ích quốc gia của mình song cùng lúc đó vẫn có thể nhất trí và nhượng bộ", Emil Mustafayev, nhà phân tích tại thủ đô Baku, Azerbaijan, cho hay.
Ông đánh giá: "Bất chấp một số bất đồng, điều đó vẫn khiến mối quan hệ của họ có phần đặc biệt trong thế giới hiện nay".
Năm 2015, trong khi Nga can thiệp quân sự vào Syria để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad thì không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một tiêm kích của Moscow mà Ankara cho là vi phạm không phận. Sự việc này đã làm dấy lên căng thẳng giữa hai nước khi Moscow áp trừng phạt, cấm các chuyến bay thuê bao tới Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu các công ty du lịch "sơ tán" hàng chục nghìn du khách. Gazprom, nhà xuất khẩu khí tự nhiên của Nga cũng dừng công trình xây dựng đường ống dài 1.100 km tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, căng thẳng đã sớm chấm dứt. Khí đốt Nga lại được bơm tới Thổ Nhĩ Kỳ và xa hơn là tới Đông Âu. Moscow thậm chí cho phép Ankara hoãn thanh toán hóa đơn khí đốt trị giá 600 triệu USD.
Sau sự gián đoạn của đường ống Dòng chảy phương Bắc dẫn khí tự nhiên từ Nga sang Đức, Điện Kremlin đã quyết định tạo ra một "trung tâm khí đốt" ở Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, theo Reuters đưa tin hồi giữa tháng 9, kế hoạch này đã chững lại bởi một số vấn đề trong quan hệ giữa ông Erdogan và ông Putin do hai bên không thể nhất trí ai sẽ có quyền kiểm soát trung tâm này nhiều hơn.
(Theo VOV)