Trong vài ngày qua, Triều Tiên đã liên tiếp tiến hành hai vụ phóng vệ tinh do thám quân sự và tên lửa đạn đạo. Điều này khiến phía Hàn Quốc đã tạm đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều, nối lại các hoạt động do thám và giám sát quanh khu vực biên giới. Trong khi đó, Mỹ đưa tàu sân bay đến Busan, chuẩn bị tập trận với Hàn Quốc và Nhật Bản. Khu vực lại đối đầu với nguy cơ bất ổn.
Nguy cơ đối đầu
Phản ứng của các bên liên quan trực tiếp là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cho thấy rằng những nỗ lực vì một bán đảo Triều Tiên hòa bình và ổn định trong suốt những năm qua "trôi sạch” mặc dù đó chỉ là những góc độ chưa mang tính quyết định.
Các nước liên quan trực tiếp nhất là Hàn-Nhật-Mỹ cho rằng vụ phóng lần này sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, dù thành công hay không thì đều vi phạm rõ ràng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đe dọa trực tiếp tới an ninh của 3 nước trên và hòa bình thế giới.
Tiếp đó, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc chỉ trích Triều Tiên đã đơn phương vi phạm cam kết được ký kết giữa hai bên, liệt kê từng động thái khiêu khích của nước này trong thời gian qua, chỉ ra rằng trước tình hình trên, Thỏa thuận quân sự liên Triều ngày 19/9/2018 làm cho tình hình an ninh khu vực biên giới Hàn Quốc bị suy yếu hơn.
Ngoài ra, Hàn Quốc bãi bỏ việc thiết lập Khu vực cấm bay tính từ ranh giới quân sự liên Triều và "vùng đệm" trên không. Nghĩa là việc thiết lập lại hoạt động quân sự có thể diễn ra bất cứ lúc nào, và ngay lập tức Hàn Quốc đã khôi phục hoạt động trinh sát, giám sát Triều Tiên tại khu vực ranh giới quân sự. Trong khi đó, Nhật Bản và Mỹ đã thực hiện cảnh báo cao nhất, bố trí tên lửa và tàu thuyền tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ.
Tuy chưa phải là nguy cơ chiến tranh cận kề, nhưng cảnh báo căng thẳng mới có khả năng sẽ leo thang trong thời gian tới.
Nguyên nhân
Tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 cách đây hai năm, Triều Tiên đã đề ra nhiệm vụ quan trọng là phóng vệ tinh trinh sát quân sự. Vệ tinh trinh sát quân sự sẽ giúp ích rất lớn cho việc giám sát mục tiêu quân sự hay lập bản đồ tác chiến. Đặc biệt, vệ tinh trinh sát quân sự đóng vai trò như "con mắt" đối với nước này, nước theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18…nhằm vươn tới Mỹ và dễ dàng tới Nhật Bản.
Chỉ trong năm nay, Triều Tiên đã tổng cộng ba lần phóng thử vệ tinh trinh sát quân sự. Tuy nhiên, cả hai lần phóng trước vào tháng 5 và tháng 8 đều thất bại. Cửa ải tiếp theo đặt ra đối với Triều Tiên là liệu vệ tinh trinh sát mà nước này phóng lên có đủ năng lực trinh sát hay không. Và vì thế Triều Tiên vẫn tiếp tục kế hoạch của mình cho đến khi cảm thấy an tâm về năng lực của vệ tinh trinh sát. Nhưng các bên liên quan lại cho rằng đây là mối nguy hại cho khu vực. Nói cách khác, sự bất an về an toàn của người dân Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng, trở thành vấn đề lớn.
Một khía cạnh khác, Hàn-Nhật-Mỹ là 3 nước đã đưa vấn đề Triều Tiên thành vấn đề quan trọng và thường xuyên cần được đề cập không chỉ trong nội bộ quốc gia mà còn tại các diễn đàn quốc tế bất cứ thời gian nào. Do đó, động thái của Triều Tiên đều bị "tứ phía” theo dõi và bị phản kháng bất cứ lúc nào. Chính tình trạng này đã tạo ra một "không khí căng thẳng” bao trùm không gian và thời gian.
Lợi ích đan xen, mục đích lồng ghép
"Lằn ranh đỏ” là cụm từ được nhắc tới trong nhiều năm nay, khiến người ta cảm thấy khá mệt mỏi khi nhắc tới khu vực này.
Đáp trả phản kháng của Hàn Quốc, Bình Nhưỡng khôi phục lại ngay lập tức các biện pháp quân sự từng tạm dừng căn cứ theo Thỏa thuận ngày 19/9, bố trí các trang thiết bị kiểu mới và nguồn lực chiến đấu tới khu vực ranh giới quân sự liên Triều, đồng thời đã phóng tên lửa đạn đạo từ khu vực Sunan, tỉnh Nam Pyongan về vùng biển phía Đông của Hàn Quốc. Cơ quan tình báo của Hàn Quốc và Mỹ vẫn đang tiếp tục phân tích thêm về tên lửa được phóng.
Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn-Nhật-Mỹ đã họp khẩn cấp trong ngày 22, mạnh mẽ tuyên bố sẽ không chấp nhận bất cứ động thái uy hiếp, khiêu khích nào của Bình Nhưỡng; nhấn mạnh Triều Tiên càng uy hiếp thì ba nước Hàn-Mỹ-Nhật và cộng đồng quốc tế sẽ càng đẩy cao phối hợp, khi đó, kinh tế và an ninh của Triều Tiên sẽ càng bị suy yếu hơn.
Vì vậy, "ăn miếng trả miếng” đã không còn thích hợp với tình hình phức tạp như hiện nay. Các bên đan xen lợi ích và mục đích xuyên chéo, lồng vào nhau trong khẩu hiệu mang tính ngoại giao.
(Theo VOV)