Chính quyền quân sự Myanmar lần thứ 5 gia hạn tình trạng khẩn cấp

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/2/2024 | 9:37:21 AM

Chính quyền quân sự Myanmar gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng, trong bối cảnh quân nổi dậy liên tiếp giành thắng lợi.

Tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing (đứng bên trái) phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Myanmar (NDSC) ở Naypyidaw, ngày 31-1
Tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing (đứng bên trái) phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Myanmar (NDSC) ở Naypyidaw, ngày 31-1

Tình trạng khẩn cấp được áp đặt từ ba năm trước, sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử. Theo tờ Nikkei Asia, đây là lần gia hạn thứ 5 kể từ khi quân đội nắm quyền Myanmar vào ngày 1-2-2021.

Quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp trao cho tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, cơ sở pháp lý để thực thi đầy đủ quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp thêm 6 tháng nữa, qua đó mở rộng quyền kiểm soát của Hội đồng Hành chính nhà nước (SAC) - tên gọi của chế độ hiện nay ở Myanmar.

Tướng Min Aung Hlaing ban đầu hứa sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 8-2023, nhưng sau đó viện dẫn tình trạng bất ổn ở các khu vực xung đột, cũng như cho rằng cần thiết phải tiến hành điều tra dân số trước khi tổ chức bầu cử.

Trong cuộc họp ngày 6-1 tại thủ đô Naypyitaw, tướng Min Aung Hlaing đã nhắc lại cam kết tổ chức bầu cử. 

Truyền thông nhà nước đưa tin ông Min Aung Hlaing cho biết SAC sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng, đồng thời giao trách nhiệm điều hành đất nước cho đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Thế nhưng tình hình an ninh ở Myanmar đang xấu đi, khi xung đột đang diễn ra ở 2/3 đất nước, theo các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.

Kể từ khi các nhóm vũ trang sắc tộc lớn phát động cuộc tấn công mang tên Chiến dịch 1027 vào cuối tháng 10-2023, ít nhất 34 thị trấn đã chìm trong xung đột. Diễn biến khiến Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Myanmar (NDSC) phải tổ chức cuộc họp đặc biệt vào tháng 11 năm ngoái và tuyên bố áp đặt thiết quân luật ở các vùng phía đông bắc bang Shan.

Các nhóm vũ trang sắc tộc đã phát động tấn công trên khắp phía bắc và đông bắc Myanmar, nhắm vào các thị trấn trọng điểm dọc biên giới với Trung Quốc.

Ban đầu, các nhóm này nhắm mục tiêu vào những trung tâm lừa đảo và thả hàng chục nghìn nạn nhân buôn người, nhưng sau đó đã mở rộng tấn công chống lại quân đội chính quy.

Hơn 600.000 người ở Myanmar đã rời bỏ nhà cửa kể từ khi xung đột bắt đầu, với tổng số người phải di dời lên tới 2,6 triệu người. 

Ngày 30-1, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 1.600 thường dân đã thiệt mạng ở Myanmar vào năm ngoái, với ít nhất 554 người thiệt mạng kể từ cuộc tấn công vào tháng 10-2023.

(Theo TTO)

Các tin khác
Cơ sở hạ tầng tại Ukraine hư hại nghiêm trọng do xung đột. Ảnh tư liệu

Hiệp định ký kết với Ukraine sẽ cho phép các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tái thiết cơ sở hạ tầng của quốc gia Đông Âu thời kỳ hậu xung đột.

Trụ sở ICC tại The Hague, Hà Lan.

Armenia chính thức trở thành thành viên của Tòa Hình sự Quốc tế, động thái từng bị Nga chỉ trích là "không thân thiện".

Cuộc trao đổi tù binh diễn ra sau vụ máy bay vận tải quân sự Il-76 của Nga bị bắn rơi.

Bộ Quốc phòng Nga đã đưa 195 quân nhân Nga đã được trả về từ nơi bị Ukraine giam cầm vào thứ Tư và sẽ được đưa đến Moscow để điều trị và phục hồi.

Quốc vương Sultan Ibrahim tuyên thệ nhậm chức.

Ngày 31-1, Quốc vương thứ 17 của Malaysia Sultan Ibrahim đã chính thức đăng quang, đánh dấu thời khắc quan trọng trong lịch sử chế độ quân chủ lập hiến ở quốc gia Đông Nam Á.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục