PV: Trước hết xin bà cho biết vì sao Liên Hợp Quốc công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ quốc tế và Nghị quyết mới của LHQ sẽ mang đến những thay đổi gì?
Bà Pauline Tamesis: Vào ngày 22/12/2023, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết ghi nhận ý nghĩa của Tết Nguyên đán - một dịp lễ được tổ chức ở nhiều quốc gia thành viên. Nghị quyết này kêu gọi các cơ quan của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là tại các trụ sở và các trạm kiểm soát tổ chức Tết Nguyên đán, hạn chế sắp xếp các cuộc họp và lưu ý đến việc sắp xếp khi chuẩn bị lịch hội nghị và các cuộc họp trong tương lai.
Với việc coi Tết Nguyên đán là một ngày lễ tự chọn (floating holiday), chúng tôi tôn vinh sự đa dạng văn hóa của các nhân viên Liên Hợp Quốc.
Tôn vinh sự khác biệt của chúng ta bằng cách tôn trọng và đón nhận sự đa dạng của các nền văn hóa và truyền thống được đại diện tại Liên Hợp Quốc sẽ tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia.
PV: Nghị quyết về việc lấy Tết Nguyên đán làm ngày nghỉ lễ của Liên Hợp Quốc liệu có phải là khởi đầu cho nhiều sáng kiến hơn trong tương lai nhằm thúc đẩy hơn nữa việc tôn trọng sự đa dạng văn minh trên thế giới?
Bà Pauline Tamesis: Nghị quyết này thúc đẩy sự đánh giá cao trên toàn cầu đối với sự đa dạng phong phú của các nền văn minh. Quyết định của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về việc công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hàng năm là một bước quan trọng hướng tới việc thừa nhận và tôn vinh các nền văn hóa tạo nên cộng đồng toàn cầu của chúng ta.
Chấp nhận sự đa dạng văn hóa không chỉ là việc ghi nhận những ngày đặc biệt. Điều này còn đòi chúng ta phải tích hợp sự đa dạng đó vào trong các chính sách và hoạt động hàng ngày của mình. Chẳng hạn, điều này tức là Liên Hợp Quốc cần thúc đẩy lực lượng lao động hòa nhập và đảm bảo sự đa dạng về độ tuổi, giới tính, dân tộc và năng lực thể chất, cùng nhiều yếu tố khác.
PV: Việt Nam là một trong 12 nước tham gia vào quá trình phối hợp vận động tại Liên Hợp Quốc để nghị quyết trên được thông qua. Bà đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam đối với việc thúc đẩy các sáng kiến tôn trọng sự đa dạng văn minh, văn hóa cũng như giao lưu và hợp tác quốc tế?
Bà Pauline Tamesis: Ngày 10/8/2023, Đại sứ và Trưởng phái đoàn của 12 nước (Brunei Darussalam, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Malaysia, Mauritius, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) đã ký thư chung trình Liên Hợp Quốc. Bức thư này đã được gửi tới Chủ tịch Ủy ban Hội nghị, ủng hộ việc đưa Tết Nguyên đán vào lịch hàng năm của Liên Hợp Quốc.
Việc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết trên ngay trước Tết Giáp Thìn có ý nghĩa không chỉ đối với các nước chính thức đón Tết Nguyên đán mà còn đối với gần 2 tỷ người trên toàn thế giới đang đón kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm này.
Việt Nam, với tư cách là một trong 12 nước tham gia chiến dịch trên, đã đóng vai trò quan trọng trong sự ghi nhận toàn cầu này.
PV: Cùng trong không khí chào đón năm mới, bà có đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của các cơ quan LHQ, các dự án hợp tác LHQ tại Việt Nam trong năm vừa qua 2023?
Bà Pauline Tamesis: Khi chúng ta đón Tết Nguyên đán, đây là thời điểm hoàn hảo để suy ngẫm về hành trình đáng chú ý của Việt Nam hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững. Những tiến bộ của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và cải thiện các chỉ số xã hội thực sự đáng khen ngợi.
Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong sự phát triển con người. Kể từ năm 2019, Việt Nam được công nhận là quốc gia có mức phát triển con người cao dựa trên Chỉ số phát triển con người (HDI). Điểm HDI được cải thiện từ 0,689 năm 2016 lên 0,703 vào năm 2021.
Tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm mạnh xuống 3,6% vào năm 2022 từ mức 9% năm 2016. Đây là một thành tích ấn tượng. Điều này tức là:
Mọi người đang sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn với tuổi thọ trung bình tăng lên 73,6 tuổi
92% dân số có bảo hiểm y tế
Vào năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 2,32%, đáp ứng Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Việt Nam
Ngoài những con số trên, một điều quan trọng là cần đánh giá cao sự cam kết và cống hiến của người dân Việt Nam; sự lãnh đạo có tầm nhìn của Chính phủ; cũng như sự đoàn kết của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Đây là tất cả các yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng và tiến bộ vượt bậc.
Tuy nhiên, những thách thức cũng vẫn còn. Do đó, việc hỗ trợ Chính phủ và người dân Việt Nam giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đảm bảo chuyển đổi về hệ thống kỹ thuật số, năng lượng, thực phẩm, bảo trợ xã hội và việc làm bền vững, đa dạng sinh học để đẩy nhanh SDG là những ưu tiên hợp tác của chúng tôi trong những năm tới.
Mối quan hệ đối tác giữa Liên Hợp Quốc và Chính phủ Việt Nam, kéo dài hơn 46 năm, tập trung vào việc đạt được sự phát triển toàn diện và bền vững.
PV: Trong năm mới này, LHQ sẽ có những chương trình dự án nào đáng chú ý tại Việt Nam và cá nhân bà có niềm tin và kỳ vọng ra sao cho năm 2024?
Bà Pauline Tamesis: Trong thời gian tới, Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ các ưu tiên của Chính phủ và tăng tốc trong việc đạt được SDG.
Việt Nam cam kết đầu tư: Mô hình tăng trưởng đổi mới; Không để ai bị bỏ lại phía sau (đảm bảo tiếp cận việc làm và bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục và văn hóa); Quá trình chuyển đổi năng lượng; Đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và hành động về khí hậu; Chuyển đổi hệ thống thực phẩm và kỹ thuật số.
Về cách thực hiện SDG, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ: Những nỗ lực của chính phủ, bao gồm Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện và đo lường tiến độ thực hiện SDG; Hội họp và tạo điều kiện cho đối thoại; Huy động các nguồn lực tài chính, kỹ thuật và kiến thức hướng tới đạt được Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
PV: Cuối cùng, xin bà gửi một lời chúc Năm mới đến các khán giả, thính giả, độc giả của Đài TNVN.
Bà Pauline Tamesis: Đây là cơ hội thứ hai tôi có dịp trải nghiệm Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Tôi dần hiểu rằng Tết không chỉ là một ngày lễ; đó là một khoảng thời gian đặc biệt, nếu không muốn nói là thiêng liêng, đã ăn sâu vào truyền thống dân tộc của mọi người dân Việt Nam. Đây là dịp để gia đình quây quần bên nhau, suy ngẫm về một năm đã qua và đặt ra những khát vọng cho một năm mới phía trước.
Những gì mà Tết đại diện, về nhiều mặt cũng giống như những điều chúng ta coi trọng trong văn hóa của mình. Đó là tầm quan trọng của gia đình, sự kính trọng và lòng biết ơn không chỉ đối với cha mẹ mà còn với ông bà tổ tiên, cũng như những điều tốt đẹp mà các gia đình nhiều thế hệ mang lại cho cả người già và người trẻ.
Là một người Philippines, từng làm việc ở Thái Lan và trước đây là Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Campuchia, tôi đánh giá cao truyền thống và phong tục tập quán của Đông Nam Á.
Dường như có một cảm giác sâu sắc về mối liên hệ với cội nguồn trong mỗi người, một phẩm chất mà tôi cảm thấy được truyền cảm hứng ở người dân Việt Nam. Thông qua những mối liên kết đó, chúng ta có thể tạo nên sự hòa hợp trong thời đại kỹ thuật số này.
Ngày Tết đang đến gần, tôi xin gửi những lời chúc nồng ấm nhất tới người dân Việt Nam. Cầu mong Năm mới mang đến cho các bạn và những người thân yêu sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng.
Tôi hy vọng sẽ tiếp tục có những tiến bộ trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, thúc đẩy một xã hội hòa nhập ở Việt Nam, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.
Chúc mừng Năm mới!
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!