Thỏa thuận này sẽ được đưa lên Nghị viện châu Âu để "phê duyệt nhanh chóng".
EU đã đạt được thỏa thuận tạm thời về vấn đề này vào tuần trước nhưng Pháp và Ba Lan cho biết các hạn chế theo kế hoạch chưa đủ và cần thúc đẩy các biện pháp hạn chế hơn nữa để ngăn chặn sự mất ổn định của thị trường nông sản EU.
Một nhà ngoại giao EU cho biết thoả thuận mới đã mở rộng khoảng thời gian tham chiếu để xác định thời điểm áp dụng biện pháp phanh khẩn cấp đối với một số sản phẩm.
Thỏa thuận ban đầu quy định rằng thuế quan sẽ áp dụng đối với gia cầm, trứng, đường, yến mạch, ngô, ngũ cốc và mật ong nếu nhập khẩu vượt quá mức trung bình của năm 2022 và 2023.
Thỏa thuận mới mở rộng thời gian tham chiếu lên thời điểm trước xung đột Nga-Ukraine là năm 2021, khi xuất khẩu của Ukraine sang EU thấp hơn. Nhà ngoại giao này cho biết thêm, không có sản phẩm nào được thêm vào danh sách những sản phẩm sẽ phải "phanh khẩn cấp”.
Ukraine là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới các mặt hàng như dầu hướng dương, lúa mạch, ngô và lúa mì. Cuộc xung đột với Nga và việc phong tỏa Biển Đen sau đó đã cản trở nghiêm trọng khả năng vận chuyển hàng hóa, kinh doanh và tiếp cận ngoại tệ của nước này.
Vào tháng 6 - 2022, EU đã dỡ bỏ tất cả các mức thuế và hạn ngạch còn lại đối với hàng nhập khẩu của Ukraine để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển qua các tuyến đường bộ và đảm bảo doanh thu ổn định cho Kiev. Tuy nhiên, chế độ đặc biệt đã dẫn đến sự gia tăng đột biến về ngũ cốc của Ukraine trên khắp các nước láng giềng, gây ra sự phản đối của nông dân địa phương, những người cho rằng ngũ cốc giá rẻ đang khiến giá giảm và lấp đầy kho dự trữ.
Tranh chấp lên đến đỉnh điểm vào tháng 4 - 2023, khi Ba Lan, Hungary và Slovakia áp đặt lệnh cấm qua đêm đối với một loạt sản phẩm nông nghiệp đến từ Ukraine. Romania và Bulgaria nhanh chóng cảnh báo những nước này sẽ làm theo.
Ủy ban châu Âu (EC) đã chỉ trích những lệnh cấm trên là không thể chấp nhận được, trái pháp luật và đi ngược lại tinh thần đoàn kết của khối. Một nhóm gồm 12 quốc gia, trong đó có Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Áo, cho biết trong một bức thư chung rằng tính toàn vẹn của thị trường chung đang gặp nguy hiểm.
Sự bế tắc diễn ra trong nhiều tháng và các nước thành viên phải nỗ lực giải quyết tình hình thông qua ngoại giao. Cho đến nay, Ba Lan, Hungary và Slovakia vẫn duy trì lệnh cấm của họ.
(Theo HNMO)