Các nhà chức trách cảnh báo, việc dọn dẹp và tái thiết cây cầu cũng như khai thông hoạt động của Cảng Baltimore - một trong những cảng bận rộn nhất xứ Cờ hoa sẽ mất rất nhiều thời gian. Nhiều nhận định cho rằng, đây là một đòn mới giáng vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang mong manh.
Tàu hàng treo cờ Singapore đã đâm sập cầu Francis Scott Key - cây cầu thép 4 làn xe bắc qua sông Patapsco với chiều dài gần 2,6km - vào khoảng 1h30 ngày 26-3 (giờ địa phương) đã để lại hậu quả vô cùng to lớn. Cây cầu có vai trò huyết mạch giao thông bị hủy hoại ảnh hưởng nghiêm trọng tới lưu thông hàng hóa, làm gián đoạn hoạt động hậu cần lên xuống bờ biển phía Đông nước Mỹ.
Ước tính, khoảng 35.000 ô tô và xe tải qua cầu mỗi ngày sẽ phải điều hướng đi qua hai đường hầm thay thế, dẫn đến nguy cơ ùn tắc giao thông. Cây cầu không còn cũng đồng nghĩa nhiên liệu và những vật liệu nguy hiểm sẽ phải vận chuyển theo tuyến đường vòng xa xôi và tốn kém hơn.
Theo người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Công ty hậu cần Freightos, ông Judah Levine, việc định lại tuyến đường chở hàng hóa đến Philadelphia, Norfolk hoặc Cảng New York, New Jersey có thể đẩy giá cước vận tải đường bộ và đường sắt tăng cao. Điều đáng ngại hơn nằm ở chỗ, cầu Francis Scott Key bị sập đã làm gián đoạn hoạt động của Cảng Baltimore cạnh đó.
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg, Baltimore là cảng xử lý phương tiện lớn nhất cả nước, bao gồm ô tô và thiết bị nông nghiệp hạng nặng; đồng thời là cảng nhập khẩu đường, thạch cao và xuất khẩu hàng của nước Mỹ - theo Công ty nghiên cứu S&P Global Market Intelligence. Cảng đã xử lý 52,3 triệu tấn hàng hóa, trị giá 80,8 tỷ USD vào năm 2023.
Vì thế, trong trường hợp tình trạng tắc nghẽn kéo dài, các tàu tiếp tục chờ đợi thì sự chậm trễ là khó tránh đối với các nhà xuất - nhập khẩu, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Amazon, Fedex, BMW, Ford, GM...
Một số ý kiến đánh giá, áp lực rõ nhất nằm ở các tuyến vận tải châu Á - Bờ Đông Mỹ, trong khi giá cước vận chuyển xuyên Đại Tây Dương được dự báo tăng mạnh.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, tình trạng gián đoạn tại Cảng Baltimore là một đòn mới giáng vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang mong manh do hạn hán ở kênh đào Panama và các cuộc tấn công ngày càng leo thang trên biển Đỏ.
Tuy việc điều hướng tàu thuyền phục vụ xuất khẩu phần nào có thể gỡ nút thắt, nhưng bản thân các cảng tại bang New Jersey và Virginia lúc này đã đối mặt nguy cơ tắc nghẽn do các phương tiện chuyển hướng tránh Baltimore.
Để tránh kịch bản xấu nhất xảy ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, Chính phủ liên bang sẽ trả chi phí và "cố gắng hết sức để sớm đưa cảng hoạt động trở lại và xây lại cây cầu”. Cơ quan Quản lý đường cao tốc Liên bang Mỹ cũng chấp thuận đề xuất của cơ quan Giao thông vận tải bang Maryland về khoản tiền ban đầu trị giá 60 triệu USD để đưa ra những phản ứng ngay lập tức và tạo đà cần thiết cho các nỗ lực phục hồi.
Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định, sẽ phải mất nhiều tuần Cảng Baltimore mới có thể hoạt động trở lại bởi việc dọn dẹp cây cầu bị sập và con tàu "thủ phạm” dài gần 300m không thể diễn ra một sớm một chiều. Trong khi đó, việc tái thiết cây cầu sẽ là "một chặng đường rất dài phía trước”, theo đánh giá của Thống đốc bang Maryland Wes Moore.
Cầu Francis Scott Key là một trong những biểu tượng hạ tầng của nước Mỹ và là huyết mạch quan trọng của nền kinh tế số một thế giới. Vì vậy, dù hành trình đưa mọi thứ trở lại bình thường không dễ dàng nhưng vẫn phải hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden trong giai đoạn nhạy cảm trước thềm bầu cử.
(Theo HNMO)