Bài học nhắc nhớ về nạn diệt chủng ở Rwanda 30 năm trước

  • Cập nhật: Chủ nhật, 14/4/2024 | 7:19:53 AM

Những ngày tháng 4 này, Rwanda kỷ niệm 30 năm xảy ra cuộc diệt chủng khi gần 1 triệu người Tutsi và người Hutu ôn hòa bị sát hại một cách có hệ thống trong cuộc tàn sát kéo dài 100 ngày bắt đầu vào ngày 7-4-1994. Các sự kiện tưởng nhớ các nạn nhân và tôn vinh những người sống sót diễn ra, nhưng bài học nào để tránh tái diễn thảm kịch tương tự?

Cuộc diệt chủng đã khiến hàng triệu người Rwanda phải di tản sang các nước láng giềng châu Phi khác
Cuộc diệt chủng đã khiến hàng triệu người Rwanda phải di tản sang các nước láng giềng châu Phi khác

Nỗi ám ảnh khôn nguôi

Ông Freddy Mutanguha là người Tutsi - một trong những người sống sót sau thảm kịch diệt chủng 30 năm trước. Năm ấy, Mutanguha mới 18 tuổi và đang nghỉ học tại ngôi làng quê nhà Mushubati ở Kibuye (một thành phố cách Thủ đô Kigali của Rwanda khoảng 130km). Những kẻ cực đoan người Hutu đã săn lùng những thanh niên nghi ngờ có cảm tình với Mặt trận yêu nước Rwanda (RPF - một nhóm nổi dậy chủ yếu là người Tutsi lãnh đạo). Lo sợ điều tồi tệ nhất xảy ra với con trai mình, mẹ của Mutanguha khuyên cậu nên trốn trong nhà của một người bạn học cũ người Hutu.

Trong khi Mutanguha được an toàn bên người bạn học thì gia đình anh ở gần đó cầm cự bằng cách hối lộ nhóm cực đoan Hutu bằng tiền và rượu. Nhưng vào ngày 14-4-1994, gia đình họ hết tiền và những kẻ cực đoan đã sát hại cha, mẹ, và 4 em gái của Mutanguha.

"Tôi có thể nghe thấy tiếng la hét của các em mình khi họ bị giết không thương tiếc. Họ cầu xin những kẻ tấn công tha mạng, hứa sẽ không bao giờ trở thành người Tutsi nữa nhưng vô ích. Họ ném xác các chị em tôi xuống một cái hố gần đó cùng với một số người vẫn còn sống”. Các em gái của Freddy Mutanguha khi đó chỉ mới 4, 6, 11 và 13 tuổi. Ngoài việc mất đi người thân, Mutanguha trải qua mất mát với hơn 80 thành viên trong đại gia đình bị sát hại trong cuộc diệt chủng.

Cuộc diệt chủng bùng phát vào ngày 6-4-1994, khi chiếc máy bay chở Tổng thống Juvenal Habyarimana (một thành viên của người Hutu chiếm đa số) bị bắn rơi ở Thủ đô Kigali. Mặc dù chưa bao giờ xác định được nhóm RPF hay người Hutu đã bắn hạ máy bay, nhưng truyền thông địa phương ngay lập tức đổ lỗi cho phe nổi dậy về vụ việc. Cơn phẫn nộ bùng phát, các nhóm người Hutu cực đoan bắt đầu giết người Tutsi và bất kỳ ai cố gắng bảo vệ họ. Phong trào được quân đội và cảnh sát hậu thuẫn.

Vào ngày 7-4-1994, các thành viên của lực lượng an ninh chính phủ ban đầu ám sát nữ Thủ tướng Agathe Uwilingiyimana (một người Hutu ôn hòa) và 10 binh sĩ (người Bỉ) thuộc Lực lượng Gìn giữ hòa bình được giao nhiệm vụ bảo vệ bà tại nhà, chỉ vài giờ sau khi bản tin về vụ tai nạn máy bay nói trên được phát. Sau đó, lực lượng chính phủ cùng với các nhóm dân quân Hutu (được gọi là Interahamwe, nghĩa là "Những người cùng nhau tấn công”), dựng lên các rào chắn và chướng ngại vật ở Thủ đô Kigali rồi bắt đầu tấn công người Tutsi cùng những người Hutu ôn hòa. Các vụ giết người nhanh chóng lan sang các thành phố khác.

Binh lính nổ súng vào đám đông, trong khi những người đàn ông Hutu bị kích động bởi giới truyền thông và lời hứa hẹn trao thưởng của các quan chức chính phủ. Họ cầm vũ khí tự chế đi từ nhà này sang nhà khác để tấn công những người mà họ biết là người Tutsi hoặc bất kỳ người Hutu nào đang cho người Tutsi trú ẩn. Họ giết người, hãm hiếp phụ nữ và cướp phá nhà cửa. Sau đó, nạn nhân bị dồn vào những khu vực rộng lớn như sân vận động hay trường học và… bị thảm sát.

Hiện trường vụ máy bay chở Tổng thống Juvenal Habyarimana rơi ngày 6-4-1994, ngòi nổ cho các hoạt động thảm sát ở Rwanda
Hiện trường vụ máy bay chở Tổng thống Juvenal Habyarimana rơi ngày 6-4-1994, ngòi nổ cho các hoạt động thảm sát ở Rwanda

Mâu thuẫn sắc tộc âm ỉ

Căng thẳng giữa người Hutu và Tutsi đã nảy sinh từ trước tháng 4-1994. Theo điều tra dân số năm 1991, người Tutsi chiếm 8,4% dân số Rwanda, trong khi người Hutu chiếm 85%. Nhưng trên thực tế người Hutu không thể tiếp cận các cơ hội giáo dục và kinh tế như những người Tutsi dưới chế độ "ủy nhiệm” của thực dân Bỉ. Lennart Wohlgemuth - nhà nghiên cứu và cựu giáo sư tại Đại học Gothenburg (Thụy Điển), cho biết: "Điều mà các nhà sử học thường hiểu là người Bỉ đã sử dụng người Tutsi làm bên ủy nhiệm để cai trị đất nước này và đó là lý do tại sao họ trở nên có đặc quyền”.

Chính phủ người Hutu đã lên nắm quyền từ năm 1962 sau khi giành độc lập từ Bỉ. Tuy nhiên, nhà nước mới ngay từ đầu đã phải đối mặt với các mối đe dọa từ những người tị nạn Tutsi lưu vong. Trong số này, nhóm RPF có trụ sở tại Uganda, đặt mục tiêu giành chính quyền ở Rwanda. Lãnh đạo chủ yếu của RPF là các chỉ huy người Tutsi, bao gồm cả Tổng thống hiện tại của Rwanda là ông Paul Kagame.

Cuộc diệt chủng kết thúc 100 ngày sau đó (4-7-1994) khi lực lượng RPF phản công giành quyền kiểm soát Thủ đô Kigali. Người Hutu đã tham gia vào cuộc diệt chủng cũng như nhiều thường dân Hutu khác vì lo sợ bị người Tutsi trả thù đã chạy trốn khỏi đất nước để đến Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước khác.

Liên hợp quốc cho biết, 800.000 người Rwanda đã thiệt mạng trong cuộc diệt chủng kéo dài 3 tháng. Nhưng Tổ chức Theo dõi nhân quyền ước tính, có tổng cộng 1,1 triệu người thiệt mạng trong thảm kịch này. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết chính xác có bao nhiêu người chết trong cuộc diệt chủng ở Rwanda vì cho đến nay vẫn còn tìm thấy những ngôi mộ tập thể thời đó. Ví dụ, vào tháng 1-2024, một địa điểm chứa hài cốt của 119 người đã được phát hiện ở quận Huye, miền Nam Rwanda.

Bên cạnh đó, quy mô dân số của người Tutsi sau cuộc diệt chủng cũng không rõ ràng vì nhiều người tự nhận mình là người Hutu để tránh bị giết. Và Rwanda kể từ đó đã loại bỏ bất kỳ giấy tờ tùy thân nào thể hiện sắc tộc trong các cuộc điều tra dân số của mình.

Nhà thờ Ntamara gần Thủ đô Kigali, nơi 4.000 người thiệt mạng trong cuộc diệt chủng khiến 1,1 triệu người Rwanda thiệt mạng
Nhà thờ Ntamara gần Thủ đô Kigali, nơi 4.000 người thiệt mạng trong cuộc diệt chủng khiến 1,1 triệu người Rwanda thiệt mạng

Quá trình hòa giải và hàn gắn

Tháng 11-1994, Liên hợp quốc đã thành lập Tòa án Hình sự quốc tế cho Rwanda, có trụ sở tại Arusha (Tanzania). Tòa án đã xét xử một số thủ lĩnh cấp cao về tội diệt chủng, bao gồm cả Thủ tướng tạm quyền Jean Kambanda. Ngoài bị tuyên án chung thân vì tội kích động, hỗ trợ, tiếp tay và không ngăn chặn nạn diệt chủng, ông ta cũng bị kết án về 2 tội ác chống lại loài người. Tòa án đã kết án tổng cộng 61 người.

Các phiên tòa ở Rwanda bắt đầu vào năm 1996, đặc biệt tập trung vào những người lên kế hoạch, xúi giục, giám sát hoặc chỉ đạo các vụ giết người. 22 bị cáo bị kết tội nặng nhất đã bị kết án tử hình. Để giải quyết số lượng lớn các vụ án tồn đọng (khoảng 150.000 người đã bị cầm tù sau nạn diệt chủng), vào năm 2001 Chính phủ Rwanda đã triển khai hệ thống Gacaca vốn trước đây chuyên dùng để giải quyết xung đột cộng đồng, nhắm đến bị cáo không phải là quan chức chính phủ hoặc người có vai vế. Các tòa án chính thức đóng cửa vào năm 2012.

Mặc dù còn nhiều ý kiến chỉ trích, Tổng thống Kagame đã được nhiều người ca ngợi vì duy trì hòa bình và ổn định bằng cách cố gắng thu hẹp sự chia rẽ sắc tộc bằng nhiều biện pháp. Chính phủ đã áp đặt một bộ luật hình sự cứng rắn để trừng phạt tội diệt chủng và đặt hệ tư tưởng đằng sau nó ra ngoài vòng pháp luật.

"Rwanda đã đạt được những bước tiến to lớn về mặt hòa giải sau nạn diệt chủng khi hàng trăm nghìn thủ phạm diệt chủng bị kết án đang quay trở lại sống cùng cộng đồng nơi họ phạm tội, sát cánh cùng những người sống sót sau nạn diệt chủng” - đó là nhận xét của giáo sư Phil Clark tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi (London), người đã nghiên cứu những diễn biến ở Rwanda trong 20 năm qua. Ông nói thêm: "Hầu hết các cộng đồng này đều hòa bình, ổn định và hiệu quả. Và những tiến bộ mà Rwanda đã đạt được là rõ ràng”.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Rwanda nhằm thúc đẩy sự hòa giải giữa những người sống sót và những kẻ gây ra nạn diệt chủng, hành trình hàn gắn vết thương vẫn là một con đường gập ghềnh đối với những người sống sót như ông Mutanguha, người hiện là Giám đốc của Đài tưởng niệm nạn diệt chủng Kigali, nơi chôn cất khoảng 250.000 hài cốt nạn nhân diệt chủng.

Ông Mutanguha chỉ ra rằng, điều quan trọng là nạn diệt chủng Rwandan phải trở thành bài học được nhắc nhở trên toàn cầu. "Việc ghi nhớ những gì đã xảy ra ở Rwanda 30 năm trước không phải là điều quan trọng đối với những người Tutsi sống sót sau nạn diệt chủng, mà là để cả thế giới luôn nhắc nhở đó là tội ác chống lại loài người” - ông nói.

(Theo ANTD)

Các tin khác
UAV của Iran. (Ảnh: Reuters)

Truyền thông khu vực cho biết, cùng với Iran, nhiều nhóm vũ trang tại khu vực đã đồng loạt mở các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào lãnh thổ Israel.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mức độ tin cậy của người dân Nga đối với Tổng thống vừa tái đắc cử Vladimir Putin là 82%. Đó là kết quả cuộc khảo sát do Tổ chức Ý kiến ​​Công chúng Nga thực hiện từ 5 đến 7/4, với 1,5 nghìn người Nga.

Nhật Bản công bố dữ liệu cho thấy dân số nước này trong năm tính đến ngày 1/10/2023 giảm 595.000 người so với năm trước đó, xuống còn 124.352.000 người.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Điện Kremlin ngày 20/3/2024.

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho hai đơn vị nhà nước là tập đoàn vũ trụ Roscosmos và Tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom phân bổ kinh phí cho việc tạo ra năng lượng hạt nhân vũ trụ trước ngày 15/6.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục