Tổng thống Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/5/2024 | 4:47:07 PM

12h trưa 7/5 (giờ Moskva), tại Đại Cung điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc lời tuyên thệ nhậm chức, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 5. Nhiệm kỳ tới của ông Putin sẽ kéo dài 6 năm.

Theo hãng thông tấn TASS, tại lễ tuyên thệ, Tổng thống Putin đặt tay phải lên cuốn Hiến pháp Liên bang Nga và đọc lời tuyên thệ dài 33 từ: "Khi thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là Tổng thống Liên bang Nga, tôi cam kết tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do của mọi công dân; tuân thủ và bảo vệ Hiến pháp Liên bang Nga; bảo vệ chủ quyền, độc lập, an ninh, toàn vẹn của Nhà nước và trung thành phục vụ nhân dân".

Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Putin đảm bảo lợi ích an ninh của người dân Nga sẽ là trên hết đối với ông. Nhà lãnh đạo nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ tự mình và chỉ mình chúng ta quyết định số phận của nước Nga, vì lợi ích của các thế hệ hôm nay và tương lai”.

Ca ngợi các quân nhân tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Putin cũng cam kết an ninh và lợi ích quốc gia của Nga sẽ là ưu tiên hàng đầu. Đề cập đến quan hệ đối ngoại, Tổng thống Nga khẳng định nước này "không từ chối đối thoại với các nước phương Tây, quyền lựa chọn là của họ". "Chúng ta có thể đàm phán về các vấn đề an ninh, ổn định chiến lược, nhưng phải dựa trên mối quan hệ bình đẳng”, ông Putin nêu rõ.

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng hệ thống nhà nước của Nga phải linh hoạt và cho phép tiến lên phía trước. "Cần phải đảm bảo sự liên tục đáng tin cậy cho sự phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ tới” là yêu cầu tiên quyết trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Nhà lãnh đạo cam kết sẽ dẫn dắt nước Nga đi qua giai đoàn đầy khó khăn để trở nên mạnh mẽ hơn. "Tôi tin tưởng chúng ta sẽ vượt qua toàn bộ giai đoạn quan trọng, khó khăn này một cách đàng hoàng, trở nên mạnh mẽ hơn nữa và chắc chắn sẽ thực hiện các kế hoạch dài hạn cũng như các dự án quy mô lớn nhằm đạt được các mục tiêu phát triển”, Tổng thống Putin phát biểu.

Lễ nhậm chức của Tổng thống Putin diễn ra dưới sự chứng kiến của hàng nghìn khách, bao gồm các thành viên của các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp của Liên bang Nga, cùng đại sứ nước ngoài, doanh nhân, quân đội, nhà khoa học, nhân vật văn hóa, vận động viên, và nhà báo…

Theo hãng tin Reuters, quan chức ngoại giao của 7 nước Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Pháp, tham gia sự kiện lớn này.

Hiến pháp Nga quy định chính phủ cũ phải từ chức sau lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử. Thời hạn để thành lập chính phủ mới là một tháng. Trước đó, vào ngày 6/5, Tổng thống Putin đã tổ chức cuộc họp cuối cùng với nội các sắp mãn nhiệm, bày tỏ lòng biết ơn về công việc của họ trong những năm qua.

Trước khi lễ nhậm chức diễn ra, người phát ngôn Điện Kremlin ông Dmitry Peskov cho biết buổi lễ sẽ được tổ chức theo đúng nghi thức, nhưng với "những sắc thái nhất định". Tuy nhiên, ông Peskov không thông tin chi tiết về "những sắc thái nhất định" là như thế nào.

Theo hãng TASS, ông Putin đã tuyên thệ nhậm chức bốn lần. Lần đầu tiên là vào năm 2000, ông Putin khi đó mới 47 tuổi và nhận được 52,94% phiếu ủng hộ, sau đó là vào các năm 2004 (71,31%), năm 2012 (63,6%) và năm 2018 (76,7%). Trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/2024, ông Putin, hiện 71 tuổi, nhận được tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục - 87,28%.

(Theo Báo Tin tức)

Các tin khác
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Những khâu chuẩn bị cuối cùng đang được hoàn tất trước lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ngày 7/5, theo RT.

Người Palestine tại hiện trường một ngôi nhà bị phá hủy ở Rafah trong cuộc tấn công của Israel hôm 3-5

Một đài phát thanh của Israel ngày 6-5 đưa tin các lực lượng vũ trang Israel đã bắt đầu sơ tán dân thường Palestine khỏi Rafah trước khả năng quân đội nước này tấn công vào thành phố ở phía nam Dải Gaza.

Các đơn vị xung kích của ta dưới sự yểm trợ của pháo binh tấn công sân bay Mường Thanh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Theo nhà báo Gaston Fiorda, chuyên gia của Đài Phát thanh Quốc gia Argentina, chiến thắng Điện Biên Phủ là một tấm gương, một mô hình mà nhiều quốc gia noi theo trên con đường giải phóng dân tộc.

Sinh viên Mỹ biểu tình phản đối cuộc chiến ở Gaza. Ảnh: Politico.

Cuộc biểu tình của các sinh viên đại học đang khiến Tổng thống Biden phải “đau đầu” tìm cách giải quyết, nhưng cũng có thể là lối thoát chính trị dành cho ông Trump khi có vẻ như ông chủ cũ của Nhà Trắng đang ở “kèo dưới” trong cuộc chiến pháp lý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục