Cùng ngày, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã chỉ thị cho phái viên của chính quyền Palestine tại Liên Hiệp Quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về chiến dịch gây chết chóc của Israel ở trại tị nạn Nuseirat, trung tâm Dải Gaza. Ông nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần "can thiệp khẩn cấp" để dừng thảm kịch của người Palestine ở Gaza.
Giải cứu con tin và "thảm sát"
Với nhiều người Israel, việc quân đội Israel giải cứu được bốn con tin còn sống ở Nuseirat vào hôm 8-6 là tin mừng. Theo Hãng tin AFP, bà Hilla Israeli, giáo viên 39 tuổi, xúc động chia sẻ từ miền bắc Israel: "Tôi không thể ngừng khóc". Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều hoan nghênh tin tức về chiến dịch giải cứu này.
Ở bức tranh tương phản, người Palestine đã khóc vì chứng kiến sự chết chóc của hàng trăm đồng hương. Theo Hãng tin Reuters, ông Ziad (45 tuổi), một nhân viên y tế và là cư dân ở Nuseirat, kể lại: "Giống như một bộ phim kinh dị, nhưng đây là một vụ thảm sát thực sự. Máy bay không người lái và chiến đấu cơ của Israel đã bắn tùy tiện vào nhà dân và vào những người cố gắng chạy khỏi khu vực này. Để giải thoát bốn con tin, Israel đã khiến hàng chục thường dân vô tội thiệt mạng".
Phong trào Hồi giáo Hamas gọi đây là "cuộc thảm sát của Israel", khi đã khiến ít nhất 210 người Palestine thiệt mạng và hơn 400 người bị thương. Báo New York Times dẫn lời hai quan chức bệnh viện trong khu vực, chiến dịch của Israel ở Nuseirat, với cuộc oanh tạc dữ dội trên không và các hoạt động trên bộ, đã khiến hơn 200 người Palestine thiệt mạng.
Nuseirat là trại tị nạn lịch sử của người Palestine. Hàng chục ngàn người Palestine ở Gaza đã chạy đến Nuseirat trong những tuần gần đây để thoát khỏi các cuộc tấn công của Israel ở những khu vực khác của dải đất này, chẳng hạn như thành phố Rafah ở phía nam Gaza.
Chiến dịch giải cứu bốn con tin trên diễn ra trong bối cảnh các bên đang nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin. Trước những lời kêu gọi đạt thỏa thuận, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn vấp phải sự phản đối từ các đồng minh cực hữu, những người cho rằng hành động quân sự là cách duy nhất để đưa con tin trở về.
Đài BBC nhận định chiến dịch hôm 8-6 là cuộc giải cứu con tin thành công nhất của quân đội Israel trong cuộc chiến hiện tại và có thể làm thay đổi tính toán của vị thủ tướng Israel đang phải chịu áp lực ngày càng lớn.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kan'ani đã lên án chiến dịch giải cứu con tin của Israel tại Nuseirat, gọi đây là "tội ác ghê tởm và gây sốc". Trong tuyên bố hôm 8-6, ông Kan'ani cho rằng chiến dịch gây chết chóc này của Israel là kết quả của việc các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, "thiếu hành động" trước những hoạt động của Israel ở Gaza trong tám tháng qua.
Sức ép từ quốc tế
Hiện nay, các hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza đang đối mặt ngày càng nhiều chỉ trích. Chiến dịch giải cứu con tin tại Nuseirat tiếp tục khiến Israel bị các nước trong khu vực như Ai Cập và Jordan lên án mạnh mẽ.
Bộ Ngoại giao Ai Cập cho rằng vụ tấn công này "vi phạm trắng trợn mọi điều khoản của luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế và mọi giá trị nhân đạo cũng như quyền con người". Bộ này cũng kêu gọi "các bên quốc tế có ảnh hưởng và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc can thiệp khẩn cấp để ngừng cuộc chiến của Israel nhằm vào Dải Gaza.
Israel đang chịu sức ép không chỉ bằng lời nói mà cả hành động. Hôm 8-6, Tổng thống Colombia Gustavo Petro tuyên bố quốc gia Nam Mỹ này sẽ tạm ngừng xuất khẩu than sang Israel "cho đến khi nạn diệt chủng chấm dứt".
Chính phủ Colombia cũng ra sắc lệnh nêu rõ các hạn chế sẽ được duy trì cho đến khi Israel tuân thủ đầy đủ lệnh của Tòa án công lý quốc tế (ICJ). Colombia vốn là nhà cung cấp than chính cho Israel, đạt giá trị khoảng 450 triệu USD vào năm 2023
Hồi tháng 5, khi ICJ của Liên Hiệp Quốc ra phán quyết yêu cầu Israel phải dừng ngay lập tức các hoạt động quân sự tại thành phố Rafah (phía nam Dải Gaza), bà Balkees Jarrah, phó giám đốc tư pháp quốc tế tại Tổ chức theo dõi quyền con người (HRW), từng đề xuất cộng đồng quốc tế có thể dùng những công cụ gây ảnh hưởng mà họ có với Israel (chẳng hạn các lệnh cấm vận vũ khí và các biện pháp trừng phạt có mục tiêu) nhằm buộc Israel tuân thủ phán quyết này.
Bất chấp sức ép gia tăng từ cộng đồng quốc tế, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gần đây vẫn ra tuyên bố khẳng định các mục tiêu của Israel - gồm "phá hủy năng lực quân sự và quản lý của Hamas, giải thoát tất cả con tin và đảm bảo rằng Gaza không còn là mối đe dọa đối với Israel" - cần phải được thực hiện trước khi có thể bắt đầu lệnh ngừng bắn lâu dài.
116
Theo báo Times of Israel, hiện còn 116 con tin bị Hamas giữ ở Gaza (trong đó một số con tin đã chết) sau chiến dịch giải cứu bốn con tin hôm 8-6. Họ là một phần trong tổng cộng 251 con tin bị Hamas bắt cóc từ Israel sang Dải Gaza vào ngày 7-10-2023. Hồi tháng 11 năm ngoái đã có 105 con tin trong số này được trả tự do trong khoảng thời gian ngừng bắn một tuần. |
(Theo TTO)