Cuộc bầu cử được nhận định sẽ không dẫn đến thay đổi lớn nào trong chính sách của quốc gia cộng hòa Hồi giáo, nhưng sẽ ảnh hưởng đến việc kế nhiệm nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người năm nay 85 tuổi và đã nắm quyền suốt 3 thập kỷ rưỡi.
Ông Khamenei kêu gọi người dân đi bỏ phiếu, sau những cuộc bầu cử có tỷ lệ tham gia giảm mạnh vì thiếu sự ủng hộ của người trẻ. Cuộc bầu cử năm 2021 mà ông Raisi chiến thắng chỉ thu hút 48% cử tri. Cuộc bầu cử quốc hội ba tháng trước chỉ có 41% cử tri tham gia.
Các điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 8 giờ sáng (giờ địa phương) và đóng cửa lúc 6 giờ chiều, nhưng thường được kéo dài đến tận nửa đêm. Vì việc đếm phiếu được thực hiện thủ công nên kết quả cuối cùng dự kiến sẽ phải đợi hai ngày nữa, dù số liệu ban đầu có thể được công bố sớm hơn.
Nếu không có ứng cử viên nào giành được ít nhất 50% số phiếu bầu, vòng hai giữa hai ứng cử viên dẫn đầu sẽ được tổ chức vào thứ Sáu đầu tiên sau khi kết quả bầu cử được công bố.
Có bốn ứng viên tham gia cuộc đua lần này, trong đó ba người theo đường lối cứng rắn và một người thuộc phe ôn hòa.
Cuộc bầu cử Iran diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi tình hình khu vực leo thang do cuộc xung đột giữa Israel và các đồng minh của Iran là Hamas ở Dải Gaza và Hezbollah ở Li-băng, cùng với việc phương Tây gia tăng áp lực với Tehran về chương trình hạt nhân của nước này.
Tổng thống mới dự kiến sẽ không tạo ra thay đổi lớn nào về chương trình hạt nhân của Iran hoặc hỗ trợ cho các nhóm dân quân trên khắp Trung Đông, vì nhà lãnh đạo Khamenei chỉ đạo toàn bộ các vấn đề lớn của quốc gia. Tuy nhiên, tổng thống điều hành chính phủ hằng ngày và có ảnh hưởng đến chính sách đối nội và đối ngoại của Iran.
Một cơ quan giám sát gồm sáu giáo sĩ và sáu luật gia chịu trách nhiệm kiểm tra từng ứng viên. Họ chỉ chọn được sáu ứng viên từ 80 người ban đầu. Hai ứng viên theo đường lối cứng rắn sau đó bỏ cuộc.
Nổi bật trong số những người theo đường lối cứng rắn còn lại là ông Mohammad Baqer Qalibaf, chủ tịch quốc hội và cựu chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng đầy quyền lực; ông Saeed Jalili, cựu chuyên gia đàm phán hạt nhân từng phục vụ trong văn phòng của nhà lãnh đạo Khamenei trong 4 năm.
Ứng viên Massoud Pezeshkian được đánh giá là người ôn hoà duy nhất, với chủ trương trung thành cơ chế cai trị thần quyền nhưng hòa dịu với phương Tây, cải cách kinh tế, tự do hóa xã hội và đa nguyên chính trị.
Cả bốn ứng cử viên đều tuyên bố sẽ vực dậy nền kinh tế đang suy yếu, trong bối cảnh Iran bị phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt từ năm 2018, sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân giữa Tehran với 6 cường quốc thế giới.
(Theo TPO)