Xung đột đã làm dấy lên mối lo ngại trên khắp phương Tây rằng quân đội của họ không có đủ đạn dược và trang thiết bị nếu bị một cường quốc như Nga tấn công. Chưa kế, nhiều loại vũ khí đặc biệt quan trọng đang bị thiếu hụt một cách đáng lo ngại.
Phương Tây cố gắng đẩy nhanh quá trình sản xuất, nhưng các chuyên gia cho rằng, sản lượng vũ khí vẫn chưa đủ để cung cấp cho họ, chứ chưa nói đến Ukraine. Jan Kallberg, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu cho biết: "Doanh số bán vũ khí tăng vọt. Đây là điều mà tôi chưa từng chứng kiến kể từ khi chiến tranh Lạnh chấm dứt”.
Ngân sách quốc phòng của phương Tây đang tăng mạnh trong bối cảnh xung đột gia tăng trong khu vực. Điều này khiến số lượng đơn đặt hàng ngày một nhiều và tiến trình sản xuất được đẩy nhanh hơn, thậm chí với cả những thiết bị mà phương Tây đã ngừng sản xuất từ lâu.
Vào tháng 1/2024, quân đội Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 50 triệu USD để khởi động lại việc sản xuất các bộ phận của pháo M777 để gửi cho Ukraine. Na Uy có kế hoạch đầu tư để cải thiện thời gian cung cấp Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS), khi nhu cầu ở châu Âu tăng cao. Quân đội Mỹ cũng đặt đơn hàng mới trị giá 1,9 tỷ USD cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), vốn đã được sử dụng thành công ở Ukraine.
Nhà sản xuất vũ khí Diehl của Đức đang có kế hoạch tăng cường sản xuất hệ thống phòng không IRIS-T, trong khi Pháp đã yêu cầu các công ty tham gia chế tạo tên lửa phòng không Aster. Nhu cầu về hệ thống tên lửa đất đối không Patriot, vốn được sử dụng lần đầu vào những năm 1990 đã tăng lên đáng kể. Một liên minh gồm nhiều nước châu Âu đã đặt mua tới 1.000 tên lửa hồi đầu năm nay.
Lockheed Martin cho biết sản lượng tên lửa Patriot đã tăng từ 350 chiếc/năm từ năm 2018 lên 500 chiếc vào năm 2023 và 550 chiếc trong năm 2024. Timothy Wright, chuyên gia công nghệ tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng quy mô sản xuất tăng cao nhưng chưa bắt kịp nhu cầu thực tế cho thấy các ngành công nghiệp và chính phủ chưa đáp ứng đủ cho quân đội.
Mark Cancian, chuyên gia chiến lược quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế lưu ý, có rất nhiều đơn đặt hàng mới dành cho hệ thống phòng không. Phương Tây đã ngừng đầu tư vào hệ thống phòng không sau chiến tranh Lạnh, nhưng giờ đây, khi thấy máy bay không người lái và tên lửa của Nga tham gia cuộc chiến, họ đã thay đổi tầm nhìn và dành ưu tiên cho các hệ thống này.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, trong nhiều thập kỷ qua, quân đội các nước phương Tây đã không dành nhiều thời gian để củng cố kho vũ khí của họ nhằm đối phó với một đối thủ lớn như Nga. Quân đội Nga là một trong những lực lượng quân đội lớn nhất thế giới và tình hình xung đột tại Ukraine cho thấy Moscow sẵn sàng ứng phó với một cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Nga cũng đã tăng cường sản xuất vũ khí thời chiến để có thể tăng cường sức mạnh quân sự trong tương lai chứ không chỉ chống lại Ukraine.
Tiến độ cung cấp vũ khí chậm chạp cho Ukraine
Ukraine đã sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau trong cuộc chiến chống lại Nga và đã đạt được những kết quả đáng chú ý, dù họ không được trang bị các thiết bị quân sự hiện đại hoặc tiên tiến nhất của phương Tây. Mattias Eken, chuyên gia phòng thủ tên lửa tại Tập đoàn RAND cho rằng, phương Tây có thể được trấn an phần nào khi thấy cách thiết bị của họ hoạt động trên chiến trường và đôi khi tạo ra những bất ngờ.
"Nhưng vấn đề nằm ở chỗ Ukraine đang thiếu hụt một số lượng lớn trang thiết bị”, ông Mattias Eken lưu ý.
Các nước bảo trợ cho Kiev muốn có đủ trang thiết bị để cung cấp nhiều hơn cho Ukraine và tăng cường kho vũ khí của chính họ. Nhưng điều này cũng tạo ra vấn đề lớn đối với Kiev. Liên quan đến hệ thống phòng không, ông Cancian cho biết: "Mọi người đều thấy rằng hệ thống này không đủ. Họ đã tăng tốc sản xuất đến một mức độ nào đó, nhưng vẫn có những giới hạn nhất định”. Thứ nhất, việc chế tạo trang thiết bị mới cần có thời gian và công sức. Thứ hai, các công ty quốc phòng cần có sự cam kết chặt chẽ của chính phủ về vấn đề đầu ra.
Nhà phân tích Kallberg cho biết ngành công nghiệp quốc phòng cần có sự đảm bảo. "Nếu bạn là giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp quốc phòng, bạn sẽ tự hỏi nếu bây giờ tôi tăng cường sản xuất, liệu tôi có thể nhận được cam kết từ các chính phủ rằng họ sẽ tiếp tục mua vũ khí hay không?”
Một số chuyên gia cho rằng, giải pháp đưa ra có thể là chính phủ các nước phương Tây sẽ tăng cường đặt hàng và thúc đẩy các công ty sản xuất nhanh hơn để phục vụ cho quân đội của họ và cho cuộc chiến tại Ukraine.
(Theo VOV)