Phát biểu trên chương trình buổi sáng của Đài truyền hình Fuji, ông Ishiba cho biết: "Các cuộc thảo luận đã dần đi vào nề nếp" và mối quan hệ giữa Tokyo với Tổng thống Mỹ Donald Trump "tốt một cách đáng ngạc nhiên".
Tuy nhiên, Ishiba cho biết thỏa thuận của Washington với London, được công bố vào ngày 8/5, trong đó hạ thuế cấm đối với ô tô xuất khẩu của Anh trong khi vẫn giữ nguyên mức thuế cơ bản 10%, là "một mô hình" cho các thỏa thuận thương mại, "nhưng chúng ta nên hướng tới mức thuế 0%".
Nói rằng mức thuế nhập khẩu ô tô cao sẽ khiến xe hơi trở nên đắt hơn đối với người tiêu dùng Mỹ, Ishiba nói thêm, "vì lợi ích của nền kinh tế Mỹ, liệu mức thuế đó có nên được hạ xuống không?"
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kích hoạt loạt thuế quan "có đi có lại" với gần như tất cả các đối tác thương mại của mình – và sau đó cho tạm hoãn thực hiện trong 90 ngày, Nhật Bản là quốc gia được ưu tiên đàm phán đầu tiên. Nhật Bản đã có cuộc đàm phán thuế quan đầu tiên với Mỹ vào ngày 16/4.
Một bài báo của tờ Nikkei dẫn nguồn thạo tin cho biết phía Mỹ đã đề xuất một thỏa thuận khung trong đó Washington duy trì thuế quan 25% đối với ngành công nghiệp ô tô, thép và nhôm của Nhật Bản. Theo bài báo, phía Nhật không đồng tình với mức thuế này, nói rằng việc đàm phán nên bao trùm toàn diện các loại thuế quan mà Mỹ đã đưa ra. Cùng với đó, Nhật Bản đề xuất rà soát các hàng rào phi thuế quan của Nhật và tăng nhập khẩu các mặt hàng nông sản Mỹ, Nikkei cho hay. |
Ngày 9/5, ông Trump cho biết Mỹ sẽ duy trì mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu ngay cả sau khi các thỏa thuận thương mại được ký kết, đồng thời nói thêm rằng có thể có miễn trừ khi các quốc gia đưa ra các điều khoản thương mại quan trọng.
Hiện tại, Nhật Bản phải đối mặt với mức thuế 25% đối với mặt hàng ô tô quan trọng về mặt kinh tế xuất khẩu sang Mỹ và mức thuế tương ứng 24% đối với các mặt hàng khác của Nhật Bản.
Về việc hỗ trợ nền kinh tế trong nước, ông Ishiba cho biết chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc giảm thuế tiêu dùng. "Nếu chúng ta đột nhiên giảm thuế tiêu dùng thì tài chính của đất nước sẽ ra sao?...Chúng ta phải suy nghĩ xem liệu có cách nào khác để giúp đỡ những người thực sự cần giúp đỡ hay không", ông nói.
Trước đó, vào đầu tháng 5, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục gây sức ép để Mỹ xem xét xóa bỏ mức thuế bổ sung đối với ô tô, bên cạnh mức thuế đối ứng trong các cuộc đàm phán song phương nhằm đạt được thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.
Washington đã loại trừ ô tô và các mặt hàng quan trọng khác khỏi phạm vi đàm phán. Đáp lại, Tokyo khẳng định sẽ không nhượng bộ chừng nào mọi loại thuế, bao gồm cả thuế đối với phụ tùng ô tô, được dỡ bỏ.
"Vẫn còn một khoảng cách lớn giữa lập trường của Nhật Bản và Mỹ và hiện chúng tôi chưa có tiếng nói chung nào”, Thủ tướng Ishiba nói với các phóng viên sau cuộc họp với Bộ trưởng Akazawa. "Chúng tôi đang thúc đẩy Mỹ đàm phán về tất cả các mức thuế, bao gồm cả thuế đối với ô tô, thép và nhôm”. Ông Ishiba cho rằng, các mức thuế mới đối với phụ tùng ô tô là "cực kỳ đáng tiếc” và cho biết Nhật Bản sẽ "tiếp tục yêu cầu Mỹ chấm dứt các mức thuế này”.
Có thể thấy, ô tô là ngành công nghiệp cốt lõi của Nhật Bản, với chuỗi cung ứng rộng lớn cho các nhà sản xuất phụ tùng. Nếu Mỹ tiếp tục duy trì mức thuế quan này, có thể khiến toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản đình trệ. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Nhật Bản sang Mỹ cũng đến từ ngành công nghiệp ô tô. Tokyo đang cân nhắc trình bày một kế hoạch nhằm tăng số lượng ô tô nhập khẩu theo hệ thống chứng nhận ưu đãi gọi là PHP như một "quân bài" khả thi trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ.
Ở diễn biến khác, để đối phó với thuế quan của Mỹ, mới đây, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách, lãi suất qua đêm không thế chấp ở mức 0,5%. Đây là quyết định chính sách đầu tiên của BOJ kể từ khi Washington công bố thuế quan đối ứng hồi đầu tháng 4. Trước đó, BOJ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào tháng 3 sau khi tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 1.
Dự báo về tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng đã điều chỉnh triển vọng tăng trưởng cho năm tài chính 2025, từ mức 1,1% xuống còn 0,5%. Hiện tại, BOJ kỳ vọng lạm phát cơ bản sẽ đạt 2,2% trong năm tài chính 2025, giảm so với mức 2,4% mà tổ chức này dự đoán cách đây 3 tháng.
Trong bối cảnh lạm phát mạnh mẽ và mức tăng lương trên khắp Nhật Bản. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước vẫn ở mức thấp và sự không chắc chắn xoay quanh chính sách thương mại của Mỹ. Bối cảnh này khiến kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất khác của BOJ trong năm nay đang giảm dần. Ngân hàng trung ương Nhật Bản hiện không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chờ đợi và quan sát nên thời điểm dự đoán BOJ tăng lãi suất trong tương lai cũng khó đoán định.
(Theo VTV)