Chiến sự bùng nổ dữ dội tại Gruzia
- Cập nhật: Thứ bảy, 9/8/2008 | 12:00:00 AM
Đêm 7/8, Gruzia tấn công dồn dập bằng bộ binh, rocket, không quân vào Nam Ossetia và sáng nay tuyên bố, họ đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn các thành phố, làng mạc của vùng đất ly khai từ đầu những năm 90 này.
Gruzia bắn rocket sang các vị trí của quân ly khai Nam Ossetia
|
Tổng thống Gruzia Mikhail Saakasvhili tuyên bố tổng động viên lực lượng dự bị để giành lại Nam Ossetia. Ông khẳng định quân đội nước này đã chiếm được ngoại ô thủ phủ Tskhinvali và đang tiến vào giành kiểm soát phần trung tâm thành phố. Một nguồn tin quân sự Gruzia cũng cho rằng, hầu hết Nam Ossetia đã được "giải phóng" sau cuộc tấn công mạnh mẽ đêm qua.
Giới chức Tbilisi cáo buộc máy bay Nga đã ném bom khu vực dọc biên với giữa vùng đất ly khai Nam Ossetia với Gruzia trong khi họ động binh. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nhanh chóng bác bỏ thông tin này.
Ngay lập tức, Thủ tướng Nga Vladimir Putin lên án chiến dịch của Gruzia tại Nam Ossetia là "hành động gây hấn" và tuyên bố Matxcơva sẽ đáp trả. "Thật đáng tiếc là đúng vào ngày khai mạc Olympic, Gruzia lại có những hành động hung hăng tại Nam Ossetia", ông Putin phát biểu từ Bắc Kinh khi có mặt tại đây dự lễ khai mạc Thế vận hội vào tối nay.
"Họ đã tuyên chiến bằng việc dùng xe tăng và đạn pháo. Thật đáng buồn nhưng hành động đó sẽ kích động những biện pháp trả đũa", thủ tướng Nga nói thêm. Ông Putin đã thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ về tình hình và khẳng định: "Mọi người đều đồng ý rằng không ai muốn thấy có chiến tranh".
Trong khi đó tại Matxcơva, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh quốc gia để bàn về diễn biến đột ngột tại Nam Ossetia. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc kêu gọi Hội đồng Bảo an can thiệp để ngăn chặn bạo lực tại đây. Tuy nhiên, hôm nay Hội đồng Bảo an đã không thể thông qua dự thảo tuyên bố của Matxcơva về vấn đề này.
Một số nghị sĩ Nga kêu gọi có hành động quân sự để đáp trả cuộc tấn công của Gruzia vào Nam Ossetia. Nhà lập pháp rất có ảnh hưởng là Konstantin Zatulin cho rằng: "Nga cần phải can thiệp vào cuộc xung đột để ngăn chặn bạo lực. Nước Nga phải xem xét một chiến dịch quân sự, vì lực lượng gìn giữ hòa bình của chúng ta không đủ sức để đảm bảo hòa bình trong khu vực này".
Giao tranh giữa quân đội Gruzia và lực lượng của chính phủ ly khai Nam Ossetia đột ngột nổ ra dữ dội vào hôm qua, chỉ vài giờ sau khi hai bên đồng ý ngừng bắn qua sự trung gian hòa giải của Nga. Theo thống kê ban đầu, có 15 người chết và hàng chục người khác bị thương trong các vụ đụng độ này.
Tình trạng bạo lực bắt đầu bùng phát ở Nam Ossetia từ cuối tuần trước, sau khi 6 người thiệt mạng và 15 người bị thương trong hàng loạt các vụ tấn công dọc biên giới với Gruzia. Chính quyền ly khai Nam Ossetia cho rằng các vụ đụng độ này do Gruzia khởi động và tuyên bố sẽ tổng huy động lực lượng nếu Gruzia tiếp tục khiêu khích.
Nam Ossetia tuần trước cũng đưa hàng trăm trẻ em và phụ nữ sơ tán sang Nga để tránh bạo lực. Ngoài khu vực này, Gruzia còn có một vùng đất ly khai khác đang nằm ngoài vòng kiểm soát của họ là Abkhazia.
Ossetia nằm bên dãy Kavkaz và được chia thành hai phần: Bắc Ossetia là một nước cộng hòa thuộc Nga, còn Nam Ossetia vốn thuộc Gruzia nhưng ly khai kể từ cuộc xung đột đầu những năm 1990. Về mặt ngoại giao, nước cộng hòa tự xưng Nam Ossetia chưa được bất cứ quốc gia nào trên thế giới công nhận.
Chính quyền ly khai tại Nam Ossetia muốn sáp nhập vào Nga, nhưng Gruzia luôn kiên quyết coi đây là một phần lãnh thổ của họ. Matxcơva không công nhận chính quyền tự xưng ở Nam Ossetia, nhưng 99% dân số tại đây được cấp quốc tịch Nga và người dân địa phương cũng sử dụng đồng rúp của Nga trong sinh hoạt.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Mưa lớn kéo dài tại nhiều nước châu Âu đã gây nên lũ lụt lớn. Tại Đức, nhiều đường phố ở các bang Schleswig-Holstein, Hamburg và Bremen bị ngập nước, cây đổ cản trở giao thông và làm hư hại nhiều ô tô. Dây điện đứt khiến hệ thống tàu điện ngầm không hoạt động được.
Israel đang tăng cường khả năng không kích của mình do ngày càng lo ngại về Iran. Họ tin có thể làm tê liệt hoạt động hạt nhân của Tehran bằng hành động quân sự.
Cuba đứng thứ tư ở châu Mỹ la-tinh và vùng Caribe về số địa danh được công nhận di sản thế giới. Mới đây, trong danh sách 27 di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công bố ngày 8-7, lại có tên di sản Trung tâm lịch sử Camaguey của hòn đảo xinh đẹp này.
Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN đang diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) đã đồng ý trên nguyên tắc về việc thành lập nhóm nghiên cứu kế hoạch xây dựng kho dự trữ dầu chiến lược để chuẩn bị cho nhu cầu năng lượng ở khu vực trong tương lai.