Dự luật giải cứu thị trường Mỹ: chết trên chấm phạt đền
- Cập nhật: Thứ ba, 30/9/2008 | 12:00:00 AM
Thị trường tài chính toàn nước Mỹ đã trải qua những giây phút sững sờ và một ngày ác mộng. Bất ngờ vào phút chót, đại kế hoạch 700 tỷ USD giải cứu thị trường đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu đầy kịch tính tại Hạ viện vào ngày thứ Hai 29/9.
Ngay trước cuộc bỏ phiếu, thị trường tràn trề hy vọng với những lời tuyên bố mạnh mẽ của Chính phủ, của Tổng thống Bush, của bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, và cả chữ ký của các lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Hạ viện vào bản dự thảo.
Hầu như tất cả các kênh truyền hình chính của Mỹ đã quay ống kính vào Hạ viện để tường thuật trực tiếp cuộc bỏ phiếu. Tất cả bị bất ngờ.
Diễn tiến nối tiếp nhau trên thị trường và trong Quốc hội làm cho buổi tường thuật căng như tường thuật trận bóng đá. Các phát thanh viên và bình luận viên nói hối hả không kịp lấy hơi.
Và kết quả là cái chết trên chấm phạt đền. Vào phút 90!
Đại kế hoạch giải cứu trị giá 700 tỷ USD đã bị Hạ viện bỏ phiếu nói "không" với số phiếu phản đối là 228, số phiếu thuận là 205, trong khi dự luật cần 274 phiếu thuận để được thông qua.
Quang cảnh Hạ viện rất mất trật tự khi các nghị sĩ cố gắng thuyết phục nhau đến giây cuối cùng. Thị trường chứng khoán còn hỗn loạn hơn. Tất cả các màn hình chứng khoán đỏ rực.
Trước thềm Hạ viện sau cuộc bỏ phiếu, cuộc trách móc đổ lỗi đã bắt đầu ngay trước mặt báo giới. Một nghị sĩ đảng Dân chủ buộc tội các thành viên đảng Cộng hòa là "thiếu trách nhiệm" và "không yêu nước". Một nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích bà Chủ tịch Hạ viện (thuộc đảng Dân chủ) là "vai trò lãnh đạo quá kém" khi bà tổ chức cuộc bỏ phiếu mà không lường trước có đến 94 phiếu chống đến từ đảng của mình.
Thị trường sững sờ |
Thị trường tuyệt vọng
Hy vọng trước khi bỏ phiếu bao nhiêu, thì thất vọng với cuộc bỏ phiếu bấy nhiêu. Theo dõi trên truyền hình trực tiếp, thị trường đã thấy kết quả thất bại trước khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, vì ngay từ đầu và trong suốt quá trình bỏ phiếu, liên tục các phiếu chống vẫn chiếm ưu thế.
Theo kế hoạch, dự luật giải cứu sẽ được bỏ phiếu ở Thượng viện vào ngày thứ Tư. Nhưng đến nay kế hoạch này có lẽ sẽ phải hoãn lại, vì cuộc bỏ phiếu đó chẳng có ý nghĩa gì một khi dự luật không qua được Hạ viện.
Hiện tại, các Hạ nghị sĩ đang lên kế hoạch cho lần bỏ phiếu thứ hai. Tuy nhiên, hy vọng của thị trường vào dự luật đã giảm mất quá nhiều, thể hiện qua giá chứng khoán.
Phản ứng: một cơn ác mộng
Chỉ số Dow Jones vào lúc 2 giờ chiều giảm mất 10,5%, đến cuối ngày mất 7%, mức giảm chưa từng có trong lịch sử của chỉ số này.
Chỉ số S&P 500 giảm 7% ngay sau cuộc bỏ phiếu, đóng cửa ở mức giảm 8,8%, đây là kỷ lục giảm trong một ngày kể từ năm 1987, để mang chỉ số này về mặt bằng tháng 10/2004.
Chỉ số Nasdaq giảm 9,14% vào lúc đóng cửa.
Chỉ số MSCI World Index của 23 thị trường phát triển mất 6,9%, mức giảm mạnh nhất trong 22 năm.
Tệ hại nhất là chỉ số S&P Financial, giảm hơn 12% sau cuộc bỏ phiếu và 11% khi thị trường đóng cửa. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi chỉ số này được thiết lập năm 1989. Trong đó, nhiều tổ chức tài chính như Sovereign Bancorp giảm 72%, National City giảm hơn 63%... Hai đại gia chứng khoán lớn nhất còn lại trên thị trường là Goldman Sachs và Morgan Stanley cùng chung mức giảm 12%.
Bình quân toàn thị trường New York, cứ 1 cổ phiếu tăng giá thì có 25 cổ phiếu khác giảm giá. Theo ước tính của Bloomberg, thị trường chứng khoán Mỹ mất 1,1 ngàn tỷ USD trong một ngày, nhiều hơn gấp rưỡi số tiền giải cứu vừa bị Hạ viện bác bỏ.
Chủ tịch tập đoàn tài chính Waddell & Reed đang quản lý 70 tỷ USD, ông Henry Herrmann nói "Họ đã làm điều tổn thất không thể tưởng tượng nổi."
Một nhà môi giới cao cấp của Global Investors quản lý 5 tỷ USD, ông Michael Nasto thốt lên "Một cơn ác mộng - Điều tồi tệ nhất kể từ đầu cuộc khủng hoảng. Chừng nào chúng tôi chưa biết chính xác tại sao dự luật bị bác, chúng tôi sẽ còn bán tháo."
Sự thất vọng của thị trường đẩy giá dầu thô tại thị trường New York đã giảm 9,8% xuống 96 USD/thùng, trong ngày có lúc xuống đến 95 USD/thùng.
Cũng giống như tuần trước khi các thành viên Cộng hòa trong Quốc hội tẩy chay thảo luận kế hoạch, nhiều nhà đầu tư lao đi tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho tiền của mình. Kết quả là giá vàng và giá trái phiếu Chính phủ cùng tăng mạnh.
Khi có kết quả cuộc bỏ phiếu, hầu hết các thị trường chứng khoán chính của châu Á và châu Âu đều đã đóng cửa. Vì vậy, còn phải chờ đến ngày thứ Ba để xem mức độ phản ứng, dự kiến sẽ tiêu cực không kém so với thị trường Mỹ.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
Ngày 28/9, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho biết nước này sẽ phát triển một lò phản ứng hạt nhân vì những mục đích hoà bình. Đây là một thách thức mới của Venezuela với Washington chỉ vài ngày sau khi Nga đề nghị hỗ trợ hạt nhân cho quốc gia Nam Mỹ này.
Chính phủ Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Quốc hội nước này về kế hoạch giải cứu ngành tài chính trị giá 700 tỷ USD.
Cướp biển Somalia, những gã hung thần trên vịnh Aden (Ấn Độ Dương), đang táo tợn thách thức cả thế giới với hàng loạt vụ đánh cướp tàu biển quốc tế, trong đó có chiếc tàu Ukraine chở xe tăng và vũ khí vào ngày 26-9.
Trong hội nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại New York ngày 25-9, cộng đồng quốc tế đã cam kết tài trợ khoảng 16 tỉ USD cho cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn thế giới.