Ai là người thua cuộc chính trong cuộc chiến Gaza?

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/1/2009 | 12:00:00 AM

Israel càng ném bom Gaza, chính quyền Palestine, lãnh đạo Abbas của chính quyền này và Đảng Fatah, càng rơi vào thế bất lợi, thậm chí ở các thành phố Palestine tại Bờ Tây mà họ đang kiểm soát.

Bức tường ở Ramallah mang những hình ảnh và ngôn từ ủng hộ Fatah.
Bức tường ở Ramallah mang những hình ảnh và ngôn từ ủng hộ Fatah.

 

Israel đã hy vọng rằng, cuộc chiến ở Gaza sẽ không chỉ tiêu diệt được Hamas mà cuối cùng còn làm tăng sức mạnh cho chính quyền Palestine của Tổng thống Abbas và thậm chí giúp ông giành lại quyền kiểm soát dải Gaza.

Bức tường ở Ramallah mang những hình ảnh và ngôn từ ủng hộ Fatah.

Chỗ trống quyền lực

Tuy nhiên, với mỗi ngày trôi qua, chính quyền Palestine, Tổng thống Mahmoud Abbas và Đảng Fatah cầm quyền của ông dường như ngày càng bị bao vây và bất lợi, thậm chí tại các thành phố Palestine ở Bờ Tây mà Fatah kiểm soát.

Người biểu tình cáo buộc ông Abbas không nỗ lực ngăn chặn đổ máu ở Gaza. Trái lại, các sĩ quan cảnh sát Palestine ở Bờ Tây còn sử dụng dùi cui và hơi cay để giải tán người biểu tình.

Israel càng ném bom Gaza, sự ủng hộ của người dân Palestine dành cho Hamas ngày càng tăng. Trong khi đó, uy tín của chính quyền Palestine – vốn bị coi là tham nhũng và xa vời với dân chúng Palestine - ngày càng xuống thấp.

“Chính quyền Palestine là một trong những bên thua cuộc chính trong cuộc chiến này. Làm sao họ có thể thu lợi trong một cuộc chiến mà chính họ là nạn nhân?”, Ghassan Khatib, một nhà phân tích Palestine độc lập ở thành phố Ramallah, Bờ Tây, nói.

Với sự nhất trí của Ai Cập và Mỹ, Israel đang đề xuất đặt chính quyền Palestine ở vị trí trung tâm của một chương trình tái thiết Gaza đầy tham vọng, cụ thể là quản lý viện trợ tái thiết cũng như đảm bảo an ninh cho các đường biên giới của Gaza.

Tuy nhiên, kế hoạch này đang gây hoài nghi. Chẳng hạn, nhà phân tích Khatib đã gọi ý tưởng về vai trò của chính quyền Palestine ở Gaza thời hậu chiến là “ngu ngốc” và “khờ dại”.

Kể từ khi Hamas bắt đầu kiểm soát Gaza vào mùa hè năm 2007, Israel và phương Tây đã tìm cách khiến người dân ở vùng này chống lại Hamas thông qua cấm vận kinh tế và cô lập về ngoại giao. Mặc dù người dân Gaza tức giận với Hamas song sự tức giận đó ngày càng vơi đi vì họ ngày càng căm ghét Israel, phương Tây và cái mà một số người coi là sự đồng lõa của Fatah với những kẻ thù này.

Ông Abbas và những người trung thành với ông không vào Gaza kể từ năm 2007 tới nay, khi họ bị Hamas đánh bật. Giờ Fatah hy vọng rằng, sáng kiến ngừng bắn do Ai Cập đề xuất sẽ là một phương tiện giúp họ dành lại chỗ đứng ở Gaza.

Trên thực tế, chính quyền Palestine hy vọng rằng, Ai Cập sẽ buộc Hamas, đã bị suy yếu nghiêm trọng sau cuộc tấn công của Israel vào Gaza, hòa giải với Fatah. Dần dần, họ sẽ có một chính quyền thống nhất dân tộc mà trong đó mọi phe phái Palestine chia sẻ trách nhiệm quản lý đất nước.

Talal Okal, một nhà phân tích chính trị ở Gaza, cho rằng Hamas muốn bảo vệ sự kiểm soát của họ và việc hợp tác với Fatah chắc sẽ chỉ là giải pháp cuối cùng mà thôi.

Chưa hết, ông Abbas còn đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Cách đây vài tháng, Hamas tuyên bố sẽ không công nhận ông là tổng thống sau khi nhiệm kỳ 4 năm của ông kết thúc vào thứ sáu tuần trước.

Ông Abbas nói rằng, sẽ kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội mới, song hành động đó có thể gây nguy hiểm. Nên nhớ rằng Hamas đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lần trước, vào năm 2006.

Ngay cả khi Israel lật đổ Hamas thành công, chẳng ai ở đây dường như tin rằng chính quyền do ông Abbas đứng đầu sẽ có thể lấp đầy chỗ trống quyền lực bởi người Gaza sẽ coi Fatah tiến vào Gaza trên những chiếc xe tăng của Israel.

Trước nguy cơ bị coi là muốn thu lợi từ cuộc tấn công của Israel vào Gaza, chính quyền Palestine giờ rất thận trọng và họ tuyên bố “Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là ngăn chặn sự đổ máu ở Gaza”.

Giải pháp cuối cùng?

19 ngày ném bom Gaza nhằm ngăn chặn việc Hamas nã rocket vào miền Nam Israel đã khiến hơn 1.000 người Palestine thiệt mạng và phá hủy cơ sở hạ tầng của vùng lãnh thổ này. Người ta mong đợi các nhà tài trợ nước ngoài sẽ đổ tiền vào để tái thiết Gaza sau khi chiến dịch tấn công kết thúc.

Các quan chức Israel muốn chính quyền Palestine chịu trách nhiệm và quản lý ngân sách tái thiết Gaza chứ không phải nhóm Hồi giáo Hamas do Iran hậu thuẫn. Đồng thời, họ tin rằng, Hamas sẽ tìm cách cản trở một hành động như vậy, tìm cách tăng cường uy tín và sự hợp pháp bằng cách đòi giám sát hoạt động tái thiết Gaza.

Chính quyền Palestine đã bị chỉ trích là tham nhũng mặc dù tình trạng đó đã được giải quyết phần nào nhờ vào nỗ lực của ông Fayyad, Thủ tướng của chính quyền Palestine. Ngay cả khi Hamas buộc phải chấp nhận sự hiện diện của chính quyền Palestine ở biên giới Gaza, có những câu hỏi về hiệu quả hoạt động của các giám sát viên này.

Israel và Ai Cập đã nói rằng, họ sẵn sàng mở cửa biên giới với Gaza trên cơ sở của một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian năm 2005. Theo thỏa thuận này, lực lượng an ninh của chính quyền Palestine sẽ đóng trên biên giới của Palestine với Israel. Lực lượng này cùng với các giám sát viên EU sẽ hiện diện ở biên giới Gaza với Ai Cập.

“Rõ ràng là chúng tôi muốn sự hiện diện của chính quyền Palestine ở biên giới. Vấn đề là liệu họ có đảm đương được công việc này hay không?”, một quan chức Bộ Quốc phòng Israel giấu tên nói. Ông nói thêm rằng, các vấn đề này hiện đang được thảo luận.

Khatib, người tham gia vào các cuộc đàm phán về giám sát biên giới năm 2005, gợi ý rằng có những giải pháp khác, chẳng hạn như thành lập một cơ quan biên phòng Palestine độc lập do một nhân vật được cả Fatah và Hamas chấp nhận.

Dù khả năng nào xảy ra đi nữa, Hamas cũng sẽ không để cho chính quyền Palestine thu lợi từ chiến dịch tấn công Gaza của Israel.

(Theo VietNamNet)

Các tin khác
Trẻ em và phụ nữ Pa-le-xtin là những nạn nhân phải hứng chịu hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh này.

Cuộc chiến giữa I-xra-en và phong trào Hồi giáo vũ trang Ha-mát tại Dải Ga-da đã bước sang ngày thứ 19; "lò lửa" Trung Đông vẫn liên tục bị đốt nóng bằng những cuộc tấn công trả đũa hết sức ác liệt của cả hai bên.

Một trạm bơm khí đốt của Nga.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso ngày 14-1 cho biết các công ty năng lượng của Nga và Ukraine có thể bị kiện ra tòa xung quanh cuộc khủng hoảng khí đốt hiện đang gây ảnh hưởng đến nhiều nước châu Âu.

Truyền thông Thái cho biết, mấy ngày nay ở Bangkok trời lạnh khác thường.

Một đợt rét đột ngột tấn công Thái Lan khiến giới chức nước này hôm 13/1 phải công bố khu vực khẩn cấp ở hơn 1/2 đất nước, vốn nổi tiếng là có khí hậu nhiệt đới.

Trước tình hình này, các nước châu Âu thực sự lo ngại về an ninh năng lượng của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục