CHDCND Triều Tiên hủy bỏ tất cả các thỏa thuận với Hàn Quốc

  • Cập nhật: Thứ bảy, 31/1/2009 | 12:00:00 AM

CHDCND Triều Tiên ngày 30/1 đã tuyên bố hủy bỏ tất cả các thỏa thuận chính trị, quân sự đã ký với Hàn Quốc, cáo buộc Seoul thi hành các chính sách thù địch với Bình Nhưỡng.

Bình Nhưỡng khẳng định tất cả các thỏa thuận và quân sự giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ không còn giá trị, trong đó có cả thỏa thuận liên quan đến đường biên giới ở Biển Vàng – nơi diễn ra các cuộc đụng độ đẫm máu giữa hải quân hai nước năm 1999 và 2002.
 
"Sự đối đầu giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc trong lĩnh vực chính trị và quân sự đã leo lên mức gần sát bờ vực của một cuộc chiến tranh," tuyên bố của CHDCND Triều Tiên cho hay. Tuyên bố này nhấn mạnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã lên tới mức “không còn cách nào để cải thiện quan hệ giữa hai nước cũng như không có bất kỳ hy vọng nào để đưa mối quan hệ này trở về thời kỳ bình thường trước đó".
 
Bình Nhưỡng cũng lên tiếng cảnh báo về việc một cuộc chiến tranh mới có thể nổ ra trên bán đảo Triều Tiên nếu chính phủ bảo thủ của Hàn Quốc tiếp tục làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai nước.
 
Trước diễn biến mới này, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã bày tỏ “sự lấy làm tiếc sâu sắc”. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng việc làm gia tăng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên “sẽ không có lợi cho việc tạo dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Đông Bắc Á cũng như trên toàn thế giới.
 
"Chính phủ chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc trước quyết định của CHDCND Triều Tiên," ông Kim Ho-Nyoun, phát ngôn viên Bộ Thống Nhất Hàn Quốc, phát biểu.
 
Seoul một lần nữa đã đề nghị đối thoại với CHDCND Triều Tiên. “Chúng tôi kêu gọi Bình Nhưỡng chấp nhận lời kêu gọi đối thoại với chúng tôi càng sớm càng tốt,” ông Ho-Nyoyn nói thêm.
 
Đằng sau những động thái mới của CHDCND Triều Tiên
 
Một số nhà phân tích tin rằng CHDCND Triều Tiên đang tìm cách gây áp lực để buộc Seoul phải thay đổi lập trường cứng rắn của nước này với Bình Nhưỡng cũng như để tạo cho Triều Tiên thêm lợi thế, sức mạnh trên bàn đàm phán hạt nhân với chính quyền mới của Mỹ.
 
Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia bi quan hơn, giống như ông Paik Hak-Soon, cố vấn của Viện nghiên cứu Sejong, các cuộc đụng độ vũ trang giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc có thể sẽ sớm xảy ra.
 
"Đây là một điều rất tồi tệ. CHDCND Triều Tiên rõ ràng đang dọn đường cho những khiêu khích quân sự," Yoo Ho-Yeol, một giáo sư tại trường Đại học Triều Tiên đã cho biết như vậy.
 
"Bình Nhưỡng cũng đang tìm cách chuyển trách nhiệm về một cuộc đụng độ quân sự có thể xảy ra lên Hàn Quốc."
 
Tuy nhiên, Baek Seung-Joo thuộc Viện Phân tích Quốc phòng Triều Tiên lại cho rằng những tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng chỉ là nhằm “gây áp lực lên Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak" và không có nghĩa là sẽ xảy ra những cuộc xung đột quân sự.
 
CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt lý thuyết vẫn đang có chiến tranh với nhau do cuộc xung đột năm 1950-53 giữa hai nước mới chỉ được kết thúc bằng một hiệp định ngừng bắn chứ không phải là một hiệp định hòa bình.
 
Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên bắt đầu xấu đi kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lên nhậm chức hồi tháng 2/2008.
 
Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Lee đã xem xét lại những thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007. Theo đó, Tổng thống Lee đòi hỏi  nhiều hơn từ phía CHDCND Triều Tiên để đổi lại những viện trợ kinh tế từ Seoul.
 
Bình Nhưỡng đã tăng cường các cuộc tấn công bằng lời vào chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak sau khi ông này cam kết sẽ chấm dứt nguồn viện trợ cho Triều Tiên nếu nước này không chấm dứt chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân.
 
Quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã xuống thấp thêm một mức nữa vào tháng trước khi Bình Nhưỡng thắt chặt kiểm soát khu vực biên giới và trục xuất một số người Hàn Quốc đang làm việc tại khu công nghiệp chung Kaesong ở biên giới Triều Tiên.
 
Hồi đầu tuần này, CHDCND Triều Tiên đã chỉ trích việc Hàn Quốc bổ nhiệm ông Hyun In-taek làm tân Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc. Bình Nhưỡng cho rằng sự lựa chọn này là bằng chứng cho thấy Seoul đang muốn tăng cường sự đối đầu giữa hai miền Triều Tiên.
 
(Theo VnMedia)

Các tin khác
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phát biểu tại Diễn đàn Davos 2009.

Tại diễn đàn Davos, Thủ tướng Nga Putin chỉ ra rằng sự tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính đã vượt ra ngoài phố Wall. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay.

Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông George Mitchell, ngày 29/01 đã kêu gọi thực hiện một thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, đồng thời cam kết thúc đẩy các nỗ lực nhằm đem lại hòa bình lâu dài cho khu vực Trung Đông. Tuyên bố này được đưa ra trong chuyến công du Trung Đông của ông Mitchell, trong bối cảnh bạo lực lại bùng phát tại Gaza sau hơn 10 ngày ngừng bắn.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp 613 triệu USD để hỗ trợ người dân Gaza chịu nhiều mất mát trong cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas.

Tổ chức Lương Nông (FAO) của Liên hợp quốc ước tính tình hình thiếu lương thực khá nghiêm trọng sẽ diễn ra ở 33 quốc gia, vùng lãnh thổ trong những năm tới, số người bị đói trên thế giới tăng lên 963 triệu người, so với đầu năm 2007 chỉ là 923 triệu người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục