Hội nghị G20 kết thúc với gói kích thích kinh tế khổng lồ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/4/2009 | 12:00:00 AM

Mặc dù đến tận trước giờ khai mạc vẫn còn rất nhiều bất đồng sâu sắc giữa các nước nhưng Hội nghị thượng đỉnh giữa các nước phát triển và mới nổi G20 lần thứ hai đã kết thúc ngày hôm qua (2/4) tại thủ đô London với một kết quả được xem là khá khả quan, vượt qua sự mong đợi của nhiều người. Có thể nói, kết quả quan trọng nhất chính là việc các nước đã nhất trí được với nhau về cách thức để đưa nền kinh tế thế giới thoát ra khỏi khủng hoảng, trong đó bao gồm cam kết chi 1,1 nghìn tỉ USD để cứu nền kinh tế thế giới, một lời kêu gọi chung chống lại chủ nghĩa bảo hộ và những hành động cụ thể để thắt chặt các quy định về ngân hàng.

Hội nghị G20 đã kết thúc với kết quả đạt được khá khả quan.
Hội nghị G20 đã kết thúc với kết quả đạt được khá khả quan.

Trong tuyên bố chung của các lãnh đạo G20 sau hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh rằng: “nền móng chắc chắn duy nhất cho quá trình toàn cầu hóa ổn định và sự thịnh vượng cho tất cả mọi người chính là một nền kinh tế thế giới hoàn toàn mở dựa trên các nguyên tắc thị trường, việc điều hành hiệu quả và các thể chế toàn cầu mạnh."

Các nhà lãnh đạo G20 cam kết sẽ làm “bất kỳ điều gì cần thiết” để khôi phục lại niềm tin, sự tăng trưởng và việc làm cũng như cải tổ lại hệ thống tài chính để khôi phục các hoạt động cho vay, tăng cường quản lý tài chính để tái khôi phục niềm tin, cung cấp vốn đồng thời cải cách các thể chế tài chính quốc tế, củng cố thương mại và đầu tư toàn cầu, chống lại chủ nghĩa bảo hộ và xây dựng một nền kinh tế ổn định.

"Bằng cách hợp tác cùng nhau để hoàn thành những cam kết trên chúng ta sẽ đưa nền thế giới thoát ra khỏi khủng hoảng và ngăn cản một cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra trong tương lai," tuyên bố trên cho hay.

Đối với mọi người dân trên thế giới, những cam kết mới của các nhà lãnh đạo thế giới được xem là một động lực quan trọng để khôi phục lại niềm tin trong cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang hết sức nghiêm trọng hiện nay.

IMF hưởng lợi nhiều nhất từ G20

IMF được xem là tổ chức được hưởng lợi nhiều nhất tại hội nghị G20 lần này. Để giúp các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế, IMF sẽ được tăng thêm nguồn vốn thêm 720 tỉ USD, trong đó 500 tỉ USD sẽ được giành để cho các nước vay. Ngoài ra, IMF còn được sử dụng 250 tỉ USD trong Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) để giúp các nước nghèo nhất.

100 tỉ USD sẽ được chi cho việc hỗ trợ các hoạt động cho vay thêm của các ngân hàng phát triển đa phương và 250 tỉ USD để thúc đẩy thương mại toàn cầu.

Trong số nguồn vốn tăng thêm cho IMF, Trung Quốc cam kết cho vay 40 tỉ USD, EU cam kết 100 tỉ và Nhật Bản 100 tỉ.

"Cùng với những biện pháp mà chúng ta áp dụng riêng ở mỗi nước thì gói cứu trợ kinh tế mà G20 thông qua là một khoản cứu trợ khổng lồ ở quy mô chưa từng có," tuyên bố của các nhà lãnh đạo G20 cho hay.

Các nhà lãnh đạo G20 tin rằng những thỏa thuận mà họ đạt được ngày hôm qua sẽ giúp khôi phục lại nền kinh tế thế giới, đưa nó quay trở lại con đường tăng trưởng.

Nhất trí chống lại chủ nghĩa bảo hộ

Một trong những kết quả quan trọng khác của hội nghị thượng đỉnh G20 lần này là việc các nước đã nhất trí cùng chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại và quyết tâm đẩy mạnh các hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu.

"Chúng tôi tái khẳng định cam kết đã đưa ra tại Washington, đó là, không dựng lên những rào cản mới đối với các hoạt động đầu tư và thương mại hàng hóa, dịch vụ, không áp đặt những giới hạn xuất khẩu mới cũng như không thực hiện các biện pháp không phù hợp với quy định của WTO để kích thích xuất khẩu," tuyên bố của các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh.

Để bảo đảm “một sự phục hồi bền vững và công bằng cho tất cả”, hội nghị thượng đỉnh G20 đã cam kết sẽ đạt các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cũng như vẫn cam kết thực hiện các cam kết hỗ trợ phát triển chính thức ODA cho các nước nghèo.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G20 cũng nhất trí cùng phối hợp hành động để xây dựng một mạng lưới quản lý, giám sát thống nhất toàn cầu và mạnh mẽ hơn đối với lĩnh vực tài chính trong tương lai để khôi phục niềm tin trong hệ thống tài chính.

Các nhà lãnh đạo G20 hài lòng với kết quả hội nghị

Có thể nói, hầu như tất cả các nhà lãnh đạo G20 đều bày tỏ sự hài lòng với kết quả đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi hội nghị thượng đỉnh tại London là “một bước ngoặt có tính lịch sử” vì đã thông qua được các hành động “toàn diện chưa từng có” để khôi phục nền kinh tế thế giới.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người từng dọa rút lui khỏi hội nghị thượng đỉnh lần này, cũng bày tỏ sự hài lòng với các kết quả cuối cùng trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi những kết quả đó là “một cam kết lịch sử".

Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende phát biểu với BBC rằng hội nghị G20 là “một hội nghị đặc biệt đáng nhớ” và kết quả của nó thì “cực kỳ quan trọng."

Còn Tổng thống Nam Phi Kgalema Motlanthe, người đại diện duy nhất của khu vực Châu Phi trong G20, đã phát biểu ông “hoàn toàn hài lòng” với các kết quả của hội nghị, viện dẫn đến cam kết của các nhà lãnh đạo G20 trong việc tiếp tục giúp đỡ các nước đang phát triển.

Tuy vậy, đối với mọi người dân trên thế giới thì điều quan trọng tiếp theo đối với họ là xem xem những cam kết trên biến thành hành động như thế nào.

"Những cam kết do các nhà lãnh đạo G20 đưa ra phải được biến thành các hành động cụ thể. Với gói kích thích kinh tế khổng lồ chưa từng có, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay," Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phát biểu.

Theo Thủ tướng Anh Brown, chủ nhà của hội nghị G20 lần này, các nhà lãnh đạo của nhóm nước trên sẽ lại có cuộc gặp vào trước cuối năm nay để đánh giá những tiến bộ đạt được sau một thời gian thực hiện các cam kết mà họ đã đưa ra tại hội nghị.

(Theo VnMedia)

Các tin khác
Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối cách điều hành của chính phủ Hy Lạp.

Ngày 2/4, hàng trăm nghìn công nhân trên khắp Hy Lạp đã tham gia cuộc tổng đình công kéo dài 24 giờ trên toàn quốc để phản đối cách ứng phó của chính phủ trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay Cuộc đình công đã gây rối loạn hoạt động giao thông và làm tê liệt nhiều dịch vụ công cộng.

Theo kết quả điều tra sơ bộ của cơ quan chức năng Moldova, nguyên nhân xảy ra vụ nổ là do đường ống dẫn khí đốt này quá cũ, chứ không có bằng chứng cho thấy có dấu hiệu phá hoại.

Người biểu tình đụng độ cảnh sát trước cửa Ngân hàng Anh.

Thủ đô nước Anh đang chìm trong hỗn loạn trước ngày khai mạc hội nghị G-20. Ngày 1-4, ít nhất 4.000 người biểu tình đã tràn vào khu trung tâm tài chính London phản đối G-20.

Triều Tiên bắn tên lửa trong một cuộc tập trận.

Triều Tiên đã bắt đầu nạp nhiên liệu cho tên lửa tầm xa, trước thềm vụ phóng vệ tinh có thể diễn ra sớm nhất vào cuối tuần này, một quan chức quân sự Mỹ hôm 1/4 cho biết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục