Tàu Triều Tiên là thuốc thử lệnh cấm của LHQ
- Cập nhật: Thứ năm, 25/6/2009 | 12:00:00 AM
Một con tàu của Triều Tiên, bị nghi chở vũ khí, đã đi qua vùng biển ngoài khơi Thượng Hải hôm qua trong khi bị tàu khu trục và vệ tinh của Mỹ theo dõi sát sao.
Tàu khu trục USS John S. McCain của Mỹ.
|
Theo lệnh trừng phạt mới đây đối với Triều Tiên do Hội đồng Bảo an đưa ra, tàu này - do bị tình nghi chở vũ khí - nên có thể bị các thành viên Liên Hợp Quốc giám sát và chặn, thu hàng hóa nếu có bằng chứng rõ ràng về việc vi phạm lệnh cấm.
Vì vậy, cư xử với con tàu mang cờ Triều Tiên mang tên Kang Nam này như thế nào đang là câu hỏi đối với nhiều nước. Bình Nhưỡng từng tuyên bố rằng việc chặn tàu sẽ đồng nghĩa với khiêu chiến. Đây là con tàu đầu tiên của Triều Tiên bị giám sát theo lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc, sau khi nước này thử hạt nhân trong lòng đất vào tháng 5. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc chặn tàu sẽ không xảy ra.
Đài truyền hình YTN của Hàn Quốc cho biết con tàu đang di chuyển trong vùng biển cách Thượng Hải 370 km về phía đông nam, với vận tốc 18,5 km/giờ.
Giới tình báo Mỹ, Hàn Quốc và đồng minh trong khu vực nghi ngờ tàu Kang Nam đang chở vũ khí hạng nhẹ và trên đường tới Myanmar. Tàu khu trục của Mỹ USS John S. McCain đang bám sát con tàu này nhưng chưa có lệnh ngăn chặn.
Việc kiểm tra tàu, thông thường, phải được sự đồng ý của quốc gia mà tàu mang quốc kỳ, tức Triều Tiên. Tuy nhiên, theo một nhà phân tích của Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ không cho phép bất cứ hành động kiểm tra nào đối với con tàu của mình. Nếu Bình Nhưỡng từ chối, các quan chức sẽ phải dẫn con tàu về một cảng nào đó. Các thành viên của Liên Hợp Quốc cũng được lệnh không cung cấp cho tàu bị giám sát các dịch vụ thiết yếu như cung cấp nhiên liệu.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Tần Cương cho biết Trung Quốc sẽ "theo dõi chặt chẽ" và thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Ông kêu gọi các quốc gia khác cũng tuân theo chỉ dẫn của Liên Hợp Quốc, có hành động thích hợp và không gây leo thang căng thẳng.
Singapore - bến cảng đông đúc và là trung tâm cung cấp nhiên liệu hàng đầu thế giới - cho biết các quan chức sẽ hành động hợp lý nếu được yêu cầu đối mặt với con tàu bị nghi chở hàng cấm của Triều Tiên.
"Singapore rất quan ngại đến sự phát triển của các vũ khí hủy diệt hàng loạt, cách vận chuyển và vật liệu liên quan", một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này nói hôm qua. "Nếu sự nghi ngờ là chính xác, Singapore sẽ hành động hợp lý".
Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Kathleen Stephens cho biết Mỹ vẫn sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên. Nhưng Washington và đồng minh đã vạch ra các biện pháp phòng vệ trong trường hợp Triều Tiên tiếp tục các hành động gây quan ngại.
Liên quan đến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, các thứ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc gặp gỡ hôm qua tại Seoul; các quan chức đặc trách về vấn đề hạt nhân của Hàn Quốc và Nga sẽ đàm phán tại Matxcơva hôm nay; và một quan chức quốc phòng Mỹ đã có mặt tại khu vực để đàm phán trong tuần này với Bắc Kinh, Seoul và Tokyo.
Trong khi đó, tướng Walter Sharp chỉ huy 28.500 lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc cảnh báo rằng Triều Tiên đang tăng cường khả năng chiến đấu du kích của mình. Theo ông, Triều Tiên có thể sử dụng bom gài vệ đường và các chiến thuật đánh du kích khác nếu chiến tranh nổ ra ở bán đảo Triều Tiên. Về cơ bản hai quốc gia liên Triều vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi xung đột kéo dài ba năm của hai nước kết thúc bằng lệnh ngừng bắn, chứ không phải một hiệp định hòa bình, vào năm 1953.
Triều Tiên được cho là đã bắt đầu tăng cường khả năng chiến đấu trong thành thị, vào ban đêm và đặc nhiệm từ khi cuộc chiến Iraq nổ ra. Sau khi Mỹ đổ quân vào Iraq, Triều Tiên từng tuyên bố mình sẽ là mục tiêu tiếp theo. Với 1,2 triệu binh lính, Triều Tiên là một trong những nước có đội quân lớn nhất thế giới. Khoảng 180.000 lính thuộc các lực lượng đặc nhiệm.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Số người bị thiếu ăn trên toàn thế giới hiện đã lên tới hơn 1 tỷ, tương đương 1/6 dân số thế giới, một con số cao lịch sử. Do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong năm nay, số người thiếu đói có thể tăng thêm 11%
Hội đồng Giám hộ, cơ quan bầu cử hàng đầu của Iran, tuyên bố ngày 23-6 rằng không có gian lận lớn nào trong cuộc bầu cử tổng thống (TT) ngày 12-6 và sẽ không hủy bỏ kết quả bầu cử. Ngoài ra, hội đồng này cho biết sự sai biệt phiếu bầu ở 50 thành phố không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Theo báo China Daily, ngày 23/6, Mỹ và Trung Quốc đã nối lại cuộc hội đàm quân sự cấp cao tại Bắc Kinh. Đây là cuộc họp được tổ chức nhằm tìm kiếm khả năng hợp tác trong nhiều vấn đề khác nhau.
Các quan chức hai nước Hàn Quốc và Nga bắt đầu thỏa thuận về hợp đồng khí gas tự nhiên khổng lồ- một kế hoạch có thể tính tới khả năng xây dựng ống dẫn khí đi qua CHDCND Triều Tiên.