Bán đảo Triều Tiên sau 11 vụ phóng tên lửa: Mức độ căng thẳng mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/7/2009 | 12:00:00 AM

Một lần nữa bán đảo Triều Tiên lại bị "đốt nóng" sau khi Bình Nhưỡng tiến hành phóng liên tiếp 11 quả tên lửa tầm ngắn chỉ trong vòng chưa đầy 3 ngày cuối tuần qua. Đây là lần đầu tiên trong 3 năm qua Triều Tiên phóng thử tên lửa dồn dập như vậy. Mỹ và các đồng minh đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các vụ thử này.

Tên lửa của Bình Nhưỡng trong một cuộc phóng thử tuần qua.
Tên lửa của Bình Nhưỡng trong một cuộc phóng thử tuần qua.

Sự kiện Bình Nhưỡng phóng một loạt tên lửa tầm ngắn từ 150km, rồi tầm xa hơn (từ 400km đến 500km) cuối tuần qua không nằm ngoài dự đoán của giới quân sự Mỹ, Hàn Quốc cũng như dư luận thế giới. Sự việc cũng đã được thực hiện đúng như những gì Triều Tiên từng cảnh báo. Chỉ có điều, các vụ phóng trên diễn ra đúng vào dịp nước Mỹ đang tưng bừng kỷ niệm ngày Quốc khánh 4-7. Vì thế động thái này của Bình Nhưỡng được xem như một sự thách thức với chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Song, điều khiến dư luận lo ngại hơn có thể xảy ra: Liệu đây có phải là bước chuẩn bị cho vụ phóng tên lửa tầm xa trong thời gian tới của Bình Nhưỡng hay không? Nếu điều đó xảy ra, an ninh trên bán đảo Triều Tiên có thể lâm vào tình huống xấu bởi phản ứng của Mỹ cùng các đồng minh ở Đông Bắc Á.

Sau các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Mỹ đang tỏ ra thận trọng khi tiếp tục dõi theo từng "nước cờ" của Bình Nhưỡng trong ván bài hạt nhân này. Cùng với việc kêu gọi Bình Nhưỡng không nên làm trầm trọng hóa tình hình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Can Đắc-uốt lên tiếng khẳng định, những vụ phóng tên lửa trên sẽ "không có lợi" cho cả đôi bên. Song, Mỹ cũng đã tỏ ra rất cứng rắn khi tiếp tục hối thúc Trung Quốc cũng như các đối tác trong Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ) nhằm buộc Triều Tiên phải tuân thủ những biện pháp trừng phạt do LHQ vừa đưa ra.

Phản ứng được xem là thận trọng của Oa-sinh-tơn cho thấy, nước Mỹ đã sẵn sàng đối phó với mọi diễn biến bất ngờ liên quan đến CHDCND Triều Tiên, bao gồm cả nguy cơ Bình Nhưỡng có thể sẽ phóng tên lửa tầm xa hướng tới vùng Ha-oai (Mỹ).

Mặc dù đến nay vẫn chưa thể dự đoán được việc Bình Nhưỡng có phóng tên lửa tầm xa hay không, song rõ ràng từ một loạt vụ phóng tên lửa tuần qua cho thấy, Bình Nhưỡng đang muốn chứng tỏ với thế giới về sức mạnh hạt nhân của nước này. Hơn bao giờ hết, "nước cờ hạt nhân" đang được Bình Nhưỡng tận dụng để khẳng định vị thế trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh ở khu vực Đông Bắc Á liên tục gây sức ép, buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Có một số ý kiến cho rằng, vụ phóng một loạt tên lửa vừa qua chỉ là hoạt động trong khuôn khổ diễn tập quân sự thường niên - có thể phóng thử từ 3 đến 4 lần/năm - của Bình Nhưỡng nhằm nâng cao công nghệ và duy trì sự sẵn sàng của lực lượng tên lửa nước này.

Dẫu vậy, loạt vụ phóng tên lửa trên biển Triều Tiên của Bình Nhưỡng vừa qua - bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và nghị quyết trừng phạt mới của HĐBA LHQ - cho thấy, những căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên chưa thể đi đến hồi kết trong tương lai gần. Đây có thể là sự khởi đầu cho những nấc thang căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên khi các bên liên quan không tìm kiếm được giải pháp phù hợp. 

Đã quá rõ rằng, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chỉ có thể tiến triển qua đàm phán đa phương và bất cứ một đối tác nào trong tiến trình đàm phán 6 bên đơn phương hành động sẽ đều có thể dẫn tới những đổ vỡ bất ngờ.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát trên đường phố Urumqi.

* Ít nhất 140 người thiệt mạng, 828 người bị thương Mâu thuẫn sắc tộc giữa dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ và người Hán đã dẫn tới cuộc bạo động đẫm máu tại Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.

Nga và Mỹ đồng ý kế hoạch cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố đạt được thoả thuận về nhiều vấn đề, trong đó có thoả thuận khung về cắt giảm vũ khí hạt nhân và các bước trong chiến lược chống khủng bố.

Hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD.

Ngoài mục tiêu "chọc tức" Mỹ, những vụ bắn thử tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên cho thấy công nghệ tên lửa của nước này đã có sự cải tiến mạnh.

Tên lửa Triều Tiên trong một cuộc diễu binh tại Bình Nhưỡng

Nhật Bản và Hàn Quốc - hai nước láng giềng đã có những phản ứng khá gay gắt về vụ thử tên lửa ngày 2/7 của CHDCND Triều Tiên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục