Nga-Mỹ khởi động trên đường gập ghềnh
- Cập nhật: Thứ tư, 8/7/2009 | 12:00:00 AM
Khi hai tổng thống Mỹ và Nga tuyên bố về hòa giải, họ nhất trí là vẫn còn nhiều bất đồng, và đã cẩn thận lựa chọn những từ ngữ giống nhau nhưng được hiểu theo cách khác nhau.
Tổng thống Mỹ Obama phát biểu tại trường Kinh tế Moscow hôm 7/7.
|
Họ đưa ra những cam kết hợp tác dễ thể hiện bằng lời hơn là bằng hành động.
Chẳng hạn: Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev tuyên bố đồng ý xây dựng một trung tâm cảnh báo sớm để chia sẻ dữ liệu về các vụ phóng tên lửa. Nhưng năm 1998, Bill Clinton và Boris Yeltsin đã có một tuyên bố như vậy. Năm 2000, Bill Clinton và Vladimir Putin nhắc lại y hệt. Năm 2007, George Bush và Putin cũng phát biểu như thế.
Cho đến nay chưa có một trung tâm cảnh báo nào được xây dựng.
Tương tự như vậy, Obama và Medvedev cũng nhắc lại cam kết song phương về việc mỗi bên tiêu hủy 34 tấn plutonium có thể chế tạo vũ khí. Đây là một sáng kiến đưa ra vào thập niên 90 và chưa từng được thực hiện
Giới chức Nhà Trắng đều cho rằng trước mắt còn nhiều chông gai trong mối quan hệ song phương, nhưng tiến bộ trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này là lớn hơn bất kỳ sự kiện tương tự nào trong nhiều thập kỷ qua. Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý cắt giảm kho vũ khí hạt nhân chiến lược, nối lại liên lạc quân sự vốn bị gián đoạn một năm qua sau khi chiến tranh Nga - Gruzia bùng nổ, mở đường tiếp vận trên không qua lãnh thổ Nga cho 4.500 chuyến bay chở binh sĩ và vũ khí Mỹ tới Afghanistan mỗi năm.
"Đó là những kết quả thực sự", Michael McFaul, cố vấn về Nga của ông Obama đánh giá. "Tôi đố anh có thể tìm được cuộc gặp thượng đỉnh nào có kết quả thực chất hơn".
"Không thể giải quyết hết mọi thứ chỉ trong hai ngày", ông nói thêm. "Điều đó đương nhiên là không thể. Nhưng tôi cho rằng chúng ta đã đi được một chặng đường dài trên hai phương diện, thứ nhất là xây dựng một mối quan hệ mang lại lợi ích quốc gia, thứ hai là đặt ra triết lý cho chính sách đối ngoại".
Nhưng các nhà phân tích thì thận trọng hơn, họ cho rằng Obama mới chỉ mở ra con đường còn rất nhiều gập ghềnh phía trước, bởi hai bên có nhiều bất đồng trong các vấn đề như Iran, hệ thống phòng thủ tên lửa và Gruzia.
"Obama đã đạt được những gì có thể - cần xét đến khoảng thời gian ngắn ông ấy nắm quyền, đến sự mâu thuẫn lợi ích cũng như mối nghi ngại sâu sắc giữa hai quốc gia", Andrew C. Kuchins, học giả của Trung tâm nhgiên cứu chiến lược quốc tế, nhận xét.
Mark Medish, một cố vấn của Clinton và hiện làm việc tại Viện hòa bình Quốc tế Carnegie, bình luận rằng hy vọng lớn nhất của Mỹ chỉ là giảm nhẹ các vấn đề mà Mỹ phải đối mặt, xuất phát từ Nga. "Tôi nghĩ Tổng thống Obama hiểu rằng tái khởi động là cách thức để tránh sự đối đầu không cần thiết hoặc bất ngờ mà thôi", chuyên gia nói khi được hỏi về cái gọi là sự "tái khởi động" quan hệ song phương Nga- Mỹ. "Theo cách nào đó, đây là một sự hòa hoãn nhỏ sau một cuộc chiến tranh lạnh nhỏ".
Những đề xuất của ông Obama có thể đi xa đến đâu, một phần sự vào mối quan hệ mà ông thiết lập với Tổng thống Medvedev trong nhiều giờ đàm phán và những bữa ăn. Hai người có vẻ thân thiện với nhau khi chuyến thăm kết thúc.
"Hai tổng thống này thuộc một thế hệ khác", Pavel Palazhchenko, phiên dịch viên lâu năm của cựu tổng thống Liên Xô và đã gặp Obama hôm qua, nói. "Nhiều vấn đề trong những cuộc tranh cãi cũ giờ không phải là chuyện đau đầu với họ nữa. Họ sẵn sàng có cách nhìn mới trong một số lĩnh vực".
Ngược lại, cuộc gặp có phần căng thẳng hơn với Obama lại là với Thủ tướng Putin, người được coi là vẫn có quyền lực và uy tín lớn ở Nga. Bữa sáng của họ kéo dài hai giờ đồng hồ, trong đó phân nửa thời gian Putin nói về quan điểm của Nga đối với thế giới.
Khi phát biểu trước báo giới và công chúng, hai người vẫn ca ngợi nhau và không có một lời nào nhắc đến đánh giá mà Obama đưa ra tuần trước, rằng ông Putin "vẫn để một chân ở con đường cũ" của chiến tranh lạnh. Putin nói: "Với ngài, chúng tôi đặt mọi hy vọng về tương lai mối quan hệ giữa hai nước chúng ta". Đáp lại, Obama nói về "những công việc tuyệt vời mà ngài đã làm thay mặt nhân dân Nga".
Tuy thế, khi trả lời phỏng vấn Fox News sau đó, Obama bình luận rằng "một vài nỗi khó chịu dai dẳng của ông ấy với phương Tây vẫn còn, xuất phát từ sự nghi kỵ có từ thời đó".
"Tôi thấy ông ấy rất kiên nghị, thông minh, rất thực tế. Và về những lĩnh vực mà chúng tôi có bất đồng, như Gruzia, tôi không cho là chúng tôi có thể sớm mhất trí được", Obama nói thêm.
Các tin khác
Terry cam kết trung thành với "The Blues". Zhirkov "cập bến" với biết bao kì vọng. Nhưng đó chỉ là hai nét chấm phá nhỏ, trong bức tranh toàn cảnh màu xám ở Stamford Bridge, ngày Ancelotti ra mắt.
Các nhà lãnh đạo G8, tập trung tại Italy hôm nay (8/7), phải đối mặt với khủng hoảng ở Iran và bạo loạn ở Trung Quốc. Rõ ràng những tác động về xã hội - chính trị từ tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu đang hiển hiện.
Bí thư Khu tự trị Tân Cương, ông Vương Lạc Tuyền, cho biết lệnh giới nghiêm sẽ được ban hành tại Urumqi, thủ phủ Khu tự trị Tân Cương, từ 21g tối nay đến 8g sáng 8-7 nhằm ngăn chặn các vụ bạo loạn leo thang.
Hôm, 7/7, trong cuộc tiếp xúc trò chuyện bên ngoài thủ đô Moscow, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng ca ngợi Thủ tướng Nga Vladimir Putin.