Nội các Nhật Bản: Sức ép ngày càng đè nặng

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/7/2009 | 12:00:00 AM

Sự kiện đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Ta-rô A-xô thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tô-ki-ô ngày 12-7 vừa qua đang đẩy chính trường Nhật Bản bước vào thời kỳ đầy biến động khó lường.

Thủ tướng Nhật Bản Ta-rô A-xô đang phải đối mặt với không ít sức ép.
Thủ tướng Nhật Bản Ta-rô A-xô đang phải đối mặt với không ít sức ép.

Kết quả bầu cử công bố ngày 13-7 cho thấy, LDP chỉ giành được 38 trong tổng số 127 ghế, giảm so với 48 ghế trong cuộc bầu cử trước, trong khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập chính lại giành được 54 ghế và trở thành chính đảng có số ghế cao nhất trong Hội đồng thành phố Tô-ki-ô.

 

Cuộc bầu cử ngày 12-7 có ý nghĩa quan trọng với Thủ tướng Ta-rô A-xô trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, việc liên minh cầm quyền do LDP lãnh đạo để mất đa số ghế trong cuộc bầu cử trên không chỉ đẩy ông Ta-rô A-xô đứng trước nhiều sức ép cả trong lẫn ngoài Chính phủ cũng như nội bộ LDP, mà còn cho thấy một thực tế không thể phủ nhận, đó là sự bất tín nhiệm với LDP ngày càng lan rộng trong cử tri Nhật Bản. Chắc chắn rằng, sau thất bại của LDP trước DPJ trong một loạt cuộc bầu cử địa phương vừa qua và nay tại Tô-ki-ô sẽ khiến sức ép đòi Thủ tướng Ta-rô A-xô từ chức càng gia tăng và phải tiến hành bầu lại Chủ tịch LDP trước khi diễn ra cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới. Song điều khiến dư luận Nhật Bản quan tâm hơn là liệu liên minh cầm quyền dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Ta-rô A-xô có thể giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới và ai sẽ là người thay thế ông Ta-rô A-xô?

 

Việc nhiều người dân Nhật Bản giảm lòng tin vào khả năng điều hành đất nước của chính phủ hiện nay qua cuộc bầu cử tại Tô-ki-ô cũng là điều dễ hiểu. Bởi thời gian qua Thủ tướng Ta-rô A-xô đã để xảy ra tình trạng bất đồng nội bộ nghiêm trọng, cùng với những bê bối tài chính liên quan đến một số thành viên chính phủ. Sự bất tín nhiệm ngày càng cao trong dân chúng Nhật Bản được xem là sức ép lớn nhất hiện nay khiến làn sóng đòi Thủ tướng Ta-rô A-xô từ chức càng trở nên mạnh mẽ hơn.

 

Kết quả cuộc bầu cử ngày 12-7 vừa qua tại Tô-ki-ô không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, bởi các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy DPJ luôn dẫn điểm trước LDP. Song điều đáng nói hơn, kết quả trên đã phản ánh ưu thế của DPJ trước LDP trong cuộc bầu cử toàn quốc sắp tới. Đa số cử tri Tô-ki-ô cho rằng, cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tô-ki-ô vừa qua không đơn thuần chỉ là vấn đề mang tính địa phương, mà nó có ý nghĩa như một cuộc trưng cầu dân ý trong phạm vi Tô-ki-ô về năng lực lãnh đạo của Thủ tướng A-xô cũng như nội các hiện nay. Do đó, thất bại của LDP tại cuộc bầu cử trên là một bất lợi với Chính phủ, đặc biệt khi tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng đương nhiệm đã giảm xuống dưới ngưỡng an toàn (dưới 20%).

 

Một loạt sức ép đè nặng lên đôi vai của Thủ tướng Ta-rô A-xô trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang phải gồng mình để vượt qua cuộc suy thoái kinh tế được cho là tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua. Có ý kiến cho rằng, những thành công bước đầu trong việc chặn đà suy giảm của nền kinh tế Nhật Bản cùng với thái độ cứng rắn của Tô-ki-ô trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vừa qua đã phần nào giúp Thủ tướng Ta-rô A-xô lấy lại lòng tin của cử tri Nhật Bản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều đó vẫn chưa đủ để Thủ tướng Ta-rô A-xô có thể dễ dàng vượt qua giai đoạn đầy thử thách hiện nay. Nền kinh tế Nhật Bản chưa thể lấy lại đà tăng trưởng khi các thị trường nhập khẩu chính ở Mỹ và châu Âu chưa phục hồi; trong khi vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vẫn còn gây quá nhiều tranh cãi. Việc nền kinh tế Nhật Bản có vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay hay không vẫn còn là phép thử với khả năng điều hành nền kinh tế đất nước của Thủ tướng Ta-rô A-xô cùng nội các của ông.

 

Để đối phó với tình cảnh khó khăn hiện nay, trong một động thái mới nhất ngày 13-7, Thủ tướng Ta-rô A-xô đã thống nhất với các quan chức cấp cao trong liên minh cầm quyền về việc giải tán Hạ viện vào cuối tháng này để tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 30-8 tới. Quyết định trên của Thủ tướng Ta-rô A-xô là hoàn toàn dễ hiểu, bởi càng trì hoãn thời gian giải tán Hạ viện bao lâu, sức ép đòi ông từ chức càng tăng bấy nhiêu trong nội bộ LDP. Việc Thủ tướng Ta-rô A-xô quyết định giải tán Hạ viện và cải tổ nội các được xem là cơ hội cuối cùng để LDP khôi phục lòng tin của người dân trước khi bước vào tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới.

 

Hy vọng rằng, những giải pháp trên sẽ phần nào giúp Thủ tướng Ta-rô A-xô giảm bớt sức ép từ chức; đồng thời góp phần giúp LDP khôi phục uy tín để tiếp tục chèo lái con thuyền kinh tế Nhật Bản vượt qua cơn bão khủng hoảng hiện nay.

 

(Theo HNMO)

Các tin khác

Thổ Nhĩ Kỳ và bốn nước trong khối EU vừa kỳ một hiệp định lịch sử nhằm giảm sự lệ thuộc vào khí đốt của Nga tại Châu Âu.

Chủ tịch Kim Jong-il trong lễ kỷ niệm 15 năm ngày mất 
của nguyên Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Đài phát thanh Hàn Quốc YTN hôm nay 14/7 dẫn nguồn tin tình báo nước này cho biết Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il đang bị ung thư tụy.

Quan chức cảnh sát và quân đội xem diễn tập chống gây rối nhằm bảo vệ cho hội nghị ASEAN.

Chính phủ Thái đang tăng cường an ninh tại đảo Phuket, trước thềm hội nghị khu vực ASEAN (17-23/7) và tuyên bố sẽ mạnh tay với những người biểu tình muốn kích động bạo lực.

Mưa bão gây thiệt hại ước tính 32,8 triệu USD.

Ngày 12-7, các quan chức tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc cho biết Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một thi thể trong số 5 người mất tích và hơn 100.000 người đã phải di chuyển đến nơi an toàn sau khi một trận mưa bão trút xuống khu vực này trong 3 ngày qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục