Áp-ga-ni-xtan: Nóng bỏng tâm điểm chiến lược

  • Cập nhật: Chủ nhật, 19/7/2009 | 12:00:00 AM

Tình hình Áp-ga-ni-xtan vẫn là một bức tranh ảm đạm. Hơn nửa tháng đã trôi qua, kể từ đầu tháng 7 này, khi lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ mở chiến dịch lớn đầu tiên được thực hiện theo chiến lược mới của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma nhằm ổn định tình hình ở Áp-ga-ni-xtan, an ninh ở đây vẫn chưa có chuyển biến căn bản.

Quân đội Mỹ và lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) đang triển khai quân tại tỉnh Héc-man truy tìm tàn quân Ta-li-ban.
Quân đội Mỹ và lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) đang triển khai quân tại tỉnh Héc-man truy tìm tàn quân Ta-li-ban.

Khoảng 4.000 thủy quân lục chiến Mỹ, hàng nghìn binh lính Anh và các lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan được đổ vào tỉnh Héc-man, miền Nam Áp-ga-ni-xtan, nơi được xem là sào huyệt của quân nổi dậy Ta-li-ban và thường xảy ra các vụ tấn công nhằm vào lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF), thế nhưng dẫn đến con số thương vong liên tục tăng khiến dư luận hoài nghi về cuộc đổ bộ đường không quy mô lớn nhất kể từ sau năm 1975 đến nay của quân đội Mỹ. Theo kết quả Lầu Năm Góc vừa công bố, chỉ trong nửa đầu tháng 7 này, số binh sĩ liên quân thiệt mạng đã lên tới 46 người, tương đương với số tử vong của "tháng đẫm máu nhất" (tháng 8-2008) trong cuộc chiến 8 năm tại chiến trường Nam Á này. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mai-cơn Mu-len, ngày 16-7, khi ghé thăm khu vực này đã phải thốt lên rằng, phiến quân Ta-li-ban tại Áp-ga-ni-xtan đã quyết liệt tấn công và được tổ chức tốt hơn trong những năm gần đây và như thế binh lính liên quân sẽ phải đương đầu với "cuộc chiến rất khó khăn". Chắc chắn, khi chiến dịch tấn công vào sào huyệt của Ta-li-ban vẫn tiếp diễn, số thương vong của quân đội Mỹ cũng như lực lượng liên quân sẽ tăng trong những ngày tới. Một số nghị sĩ Mỹ, trong đó có những người thuộc đảng Dân chủ của Tổng thống B.Ô-ba-ma, đang hoài nghi liệu Áp-ga-ni-xtan có phải là một mục tiêu thất bại hay không.

 

Trước đây, cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan được xem như “cái bóng” bên cạnh cuộc chiến lớn hơn là chiến trường I-rắc. Thế nhưng, sau gần 8 năm, “cái bóng” đó đã lan rộng, trở thành một nguy cơ làm đau đầu giới chức Lầu Năm Góc. Bước vào Nhà Trắng với lời hứa mang lại "thay đổi cho nước Mỹ", Tổng thống B.Ô-ba-ma đã rút dần quân Mỹ khỏi I-rắc để tập trung cho chiến trường Áp-ga-ni-xtan và coi đây là mặt trận mang tính quyết định thành bại đối với chiến lược toàn cầu của Mỹ. Cuối tháng 3-2009, ông B.Ô-ba-ma công bố chiến lược mới về Áp-ga-ni-xtan, quyết định điều động thêm hơn 21.000 binh sĩ đến quốc gia này. Tư lệnh mới của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, Tướng Đa-vít Pê-tra-ớt, với nhiều kinh nghiệm tại chiến trường I-rắc, đã được chỉ định phụ trách việc nghiên cứu thay đổi chiến lược tại Áp-ga-ni-xtan...

 

Tuy nhiên, gần 3 tháng sau khi tuyên bố chiến lược mới ở Áp-ga-ni-xtan, Oa-sinh-tơn vẫn chưa xoay chuyển được tình hình ở khu vực này. Dư luận đã hoài nghi về tính hiệu quả mà chiến lược đó mang lại. Thậm chí, phát biểu tại một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Giêm Rích còn vẽ một bức tranh u ám và gọi Áp-ga-ni-xtan là "một hố đen" không đáy. Thủ tướng Anh G.Brao, trong chuyến thăm chớp nhoáng động viên binh sĩ Anh trong ISAF tại khu vực này cũng phải thừa nhận, những ngày qua là "thời điểm đặc biệt khó khăn". Theo tờ "Thời đại" (Anh), có ngày, tại Áp-ga-ni-xtan, số binh sĩ Anh thiệt mạng đã lên tới 8 người. Đến nay, tại chiến trường Nam Á này đã có gần 190 lính Anh bỏ mạng, cao hơn so với 179 lính Anh tử vong khi tham chiến tại I-rắc…

 

Rõ ràng, thách thức từ Ta-li-ban là không thể xem nhẹ; nhưng trớ trêu thay, tàn quân Ta-li-ban vẫn liên tục lan rộng. Một trong những căn nguyên dẫn đến sự lan rộng ấy là siêu lợi nhuận từ ma túy đã và đang nuôi dưỡng lực lượng này. Ngoài ra thương vong của dân thường do các vụ không kích của quân đội Mỹ và liên quân gây ra, vô tình đã trở thành “mảnh đất” mầu mỡ để Ta-li-ban lợi dụng kích động người dân chống lại quân đội nước ngoài và chính phủ. Thêm vào đó, Ta-li-ban sẽ mạnh lên và sự ổn định ở Áp-ga-ni-xtan không thể đạt được nếu không có sự ổn định ở nước láng giềng Pa-ki-xtan, nơi phong trào Ta-li-ban đang trỗi dậy…

 

Do đó, tình hình Áp-ga-ni-xtan trong những ngày tới sẽ là nơi mà lời hứa và năng lực của Tổng thống B.Ô-ba-ma phải được thể hiện để xoay chuyển cục diện ở trọng điểm chiến lược này của Mỹ. Trong khi đó, ngày quốc gia Nam Á này bước vào cuộc bầu cử tổng thống (20-8) đang lại gần. Xung đột, bạo lực chắc chắn sẽ là thách thức lớn không chỉ với chính quyền Ca-bun mà còn với cả những giá trị phương Tây đang phổ biến tại quốc gia này.

 

(Theo HNMO)

Các tin khác
Một người Mỹ dương biển yêu cầu chính phủ cứu giúp người dân thay vì cứu trợ các ngân hàng bằng những khoản tiền thuế lớn do dân đóng góp.

Chỉ trong một ngày 17/7, lại có thêm 4 ngân hàng Mỹ đóng cửa, nâng tổng số ngân hàng tiếp tục phải “ra đi” vì khủng hoảng ở nước này từ đầu năm tới nay lên con số 57, quá lớn nếu so với các năm trước đó.

Sáng 17-7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 42 đã khai mạc tại đảo Phu-kệt, miền Nam Thái Lan, với các cuộc họp của quan chức cấp cao (SOM) và các tổng vụ trưởng (DG) để hoàn tất dự thảo các văn kiện trình bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN thông qua vào ngày 20 và 21-7.

Theo các chuyên gia, có thể đến cuối năm nay, kinh tế Đông Âu sẽ chạm đáy.

Ông Gholam Reza Aghazadeh không nêu lý do từ chức, nhưng từ lâu ông đã có mối quan hệ mật thiết với nhà lãnh đạo đối lập theo đường lối cải cách Mir Hossein Mousavi.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad vừa bổ nhiệm ông Ali Akbar Salehi, cựu phái viên của Iran tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), làm tân giám đốc chương trình hạt nhân của nước này, theo Hãng tin nhà nước IRNA ngày 17-7.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục