Ai-len thông qua Hiệp ước Li-xbon: EU vượt qua “cửa ải”
- Cập nhật: Thứ hai, 5/10/2009 | 12:00:00 AM
Không nằm ngoài mong đợi nhưng vẫn gây bất ngờ lớn, đa số cử tri Ai-len đã thông qua Hiệp ước Li-xbon đầy tham vọng từng bị trì hoãn khá lâu nhằm cải tổ Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý lần hai được tổ chức hôm 2-10 vừa qua.
![]() |
Những người ủng hộ Hiệp ước Li-xbon chia sẻ niềm vui chiến thắng.
|
Thủ tướng Ai-len Bri-an Cô-oen đã coi sự kiện mang tính đột phá trên là một bước quyết định trong việc xây dựng một đất nước Ai-len mạnh mẽ, tốt đẹp hơn, vì một châu Âu công bằng và thịnh vượng. Kết quả kiểm phiếu chính thức vừa được công bố cho thấy 67,1% trong tổng số 59% cử tri đi bỏ phiếu ủng hộ hiệp ước. Trước đó không lâu, Brúc-xen đã có "một phen hú vía" khi những người có tư tưởng chống EU phát động một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ, nhấn mạnh việc tham gia Hiệp ước Li-xbon sẽ làm tăng mức thuế ở Ai-len, giảm bớt mức lương tối thiểu, buộc lính nước này gia nhập quân đội EU và hợp pháp hóa việc nạo phá thai cũng như thực hiện cái chết không đau đớn đối với người mắc bệnh hiểm nghèo…
Trong cuộc bỏ phiếu lần thứ nhất hồi tháng 6-2008, 53,4% cử tri Ai-len đã nói "không" với bản hiệp ước. Điều đó đe dọa làm hỏng kế hoạch hiện đại hóa thể chế của EU, đẩy tiến trình chính trị này vào bế tắc. Vì để có hiệu lực, Hiệp ước Li-xbon cần có sự phê chuẩn của tất cả 27 thành viên trong khối. Ai-len là quốc gia duy nhất lựa chọn thông qua bằng bỏ phiếu của người dân trong khi 26 nước còn lại "phó mặc" vào sự lựa chọn cho Quốc hội. Áp lực càng đè nặng lên Brúc-xen khi người châu Âu từng có "dớp" bác bỏ các hiệp ước trong những cuộc trưng cầu dân ý. Ai-len đã từ chối hiệp ước Ni-xơ trong năm 2001 và chỉ chấp nhận phiên bản sửa đổi của hiệp ước này một năm sau đó.
Trước bối cảnh đó, cuộc trưng cầu ý dân lần này ở Ai-len mang ý nghĩa đặc biệt và được các nhà lãnh đạo châu Âu theo dõi với mối quan tâm sâu sắc, hy vọng cử tri Ai-len sẽ không một lần nữa quay lưng lại với Hiệp ước Li-xbon, tránh đẩy EU rơi vào một cuộc khủng hoảng mới về thể chế. Những cam kết không vi phạm chủ quyền của Ai-len với các vấn đề quân sự, xã hội cũng như khẳng định không hạ thấp vai trò của quốc gia này trong Ủy ban châu Âu (EC) đã được đưa ra nhằm giải tỏa sự quan ngại của cử tri. Giới lãnh đạo Ai-len thời gian qua cũng đã phải tiến hành "cuộc chiến tổng lực", liên tục mở các cuộc vận động cử tri ủng hộ bản hiệp ước. Thủ tướng Ai-len B.Cô-oen cảnh báo bác bỏ hiệp ước một lần nữa sẽ hủy hoại những nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang rơi vào suy thoái của nước này và tách Ai-len khỏi tiến trình phát triển chung của châu Âu. Ngoại trưởng Ai-len Mi-sen Mác-tin kêu gọi cử tri trả lời "có" trong cuộc trưng cầu ý dân vì cho rằng, chỉ ủng hộ Hiệp ước Li-xbon, kinh tế Ai-len mới thoát khỏi suy thoái. Sự chuyển biến mang tính bước ngoặt về mặt quan điểm của cử tri Ai-len trong cuộc trưng cầu trong kỳ nghỉ cuối tuần qua càng thêm ấn tượng khi trước thềm bỏ phiếu, sự giằng co giữa "có" và "không" vẫn ở giới hạn mong manh. Do vậy, ngay khi kết quả kiểm phiếu được công bố, các nước thành viên EU đã hoan nghênh quyết định của người dân Ai-len, coi đây là bước đi cực kỳ quan trọng hướng tới mục tiêu thực thi hiệp ước cải cách này.
Hiệp ước Li-xbon về bản chất là phiên bản sửa đổi của dự thảo hiến pháp châu Âu thất bại. Đây là kết quả của những cuộc đàm phán kéo dài giữa các nước thành viên và nhằm giải quyết những phức tạp do quá trình mở rộng khối này gây ra khi số thành viên EU đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua. Được thông qua tại thủ đô Bồ Đào Nha năm 2007, bản hiệp ước 287 trang ủng hộ việc EU sẽ thay đổi cơ chế ra quyết định, sử dụng đa số nhất trí thay vì tất cả phải đồng thuận và hủy bỏ quyền phủ quyết của các nước thành viên trong khoảng 50 lĩnh vực. Hiệp ước cũng tăng thêm sức nặng trong việc hoạch định chính sách cho cơ quan lập pháp quốc gia và Quốc hội châu Âu. Bên cạnh đó, cơ chế Chủ tịch luân phiên của EU sẽ chấm dứt mà thay vào đó là một Chủ tịch EC nhiệm kỳ dài hạn.
Hiện chỉ còn CH Séc và Ba Lan chưa phê chuẩn hiệp ước, song trên thực tế sự ủng hộ của đa số cử tri Ai-len đã giúp loại bỏ những rào cản cuối cùng để hiệp ước có thể thực thi vào năm 2010. Khi đó, cơ cấu hoạt động cũng như việc hoạch định các chính sách của EU sẽ được thay đổi cơ bản theo hướng đơn giản hóa hơn nhiều so với hiện nay.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Tối 4-10, một trận động đất mạnh 6,5 độ ríchte đã xảy ra ở ngoài khơi bờ biển miền Nam Philippines, theo cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS). Sáng cùng ngày trận động đất mạnh 6,3 độ richte đã làm rung chuyển Đài Loan.

Đó là một thế giới hơi khác với thế giới chúng ta biết. Nhưng nó cho thấy các nước trên thế giới trông như thế nào nếu bản đồ dựa trên dân số thay vì đất liền.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Nghị viện Mỹ Latin (PARLATINO) đang diễn ra ở thủ đô La Habana (Cuba), các đại biểu đã ra nghị quyết lên án cuộc bao vây, cấm vận kinh tế và thương mại của Mỹ chống Cuba.

Đã có ít nhất 4 người thiệt mạng và hàng chục ngôi nhà bị tốc mái khi cơn bão nhiệt đới Parma với cường độ mạnh đổ bộ vào miền Bắc Philippines ngày 3/10.