Hỗn loạn tiếp diễn ở sân bay châu Âu
- Cập nhật: Thứ tư, 21/4/2010 | 1:55:53 PM
Nhiều chuyến bay của châu Âu đã cất cánh song giới chức cho biết sẽ phải mất hàng tuần để tất cả các hành khách bị mắc kẹt có thể về nhà.
Một hành khách bị kẹt ở sân bay quốc tế Changi, SIngapore khóc trước chiếc máy tính online.
|
Hành khách bật khóc sung sướng khi các chuyến bay cất cánh từ phi trường ở Paris, Amsterdam và nhiều nơi khác. Sau gần một tuần từ khi núi lửa phun, phi cơ từ Vancouver, Canada, là chiếc đầu tiên hạ cánh tại sân bay Heathrow ở London, phi trường tấp nập nhất châu lục.
Hãng hàng không Anh British Airways cho biết sẽ có khoảng hơn hai chục chuyến bay từ Mỹ, châu Phi và châu Á hạ cánh vào sáng nay. Eurocontrol, tổ chức kiểm soát hàng không châu Âu, hy vọng khoảng một nửa trong số 27.500 chuyến bay qua châu lục này cất cánh hôm qua. Tổ chức này tiên đoán hàng không sẽ trở lại gần như bình thường vào ngày 23/4.
Hôm qua là ngày đầu tiên kể từ khi núi lửa phun trào dưới sông băng Eyjafjallajokull của Iceland các hành khách có lý do để hy vọng. “Hôm nay tình trạng đã được cải thiện nhiều”, AP dẫn lời Brian Flynn, phó chủ tịch Eurocontrol, phát biểu.
Với 95.000 chuyến bay bị hủy trong tuần trước, các hãng hàng không đang đối mặt với một nhiệm vụ khổng lồ là đưa các hành khách về nơi mà họ muốn đến. Theo AP, phải mất nhiều ngày thậm chí nhiều tuần tình trạng này mới có thể được giải quyết.
Những hành khách mới mua vé được ưu tiên lên máy bay trước. Những người bị kẹt lại nhiều ngày thì được yêu cầu mua vé mới hoặc nếu muốn sử dụng vé cũ thì phải đợi cho đến khi có chỗ trống.
“Một khi chuyến bay của bạn bị hủy, bạn bị đẩy xuống cuối lượt xếp hàng”, Laurie Price, giám đốc phụ trách chiến lược hàng không của Mott Macdonald, nói. “Về bản chất, điều này là không công bằng”. Cô bị kẹt lại ở Halifax, Canada.
AP cho hay núi lửa ở sông băng Eyjafjallajokull tiếp tục sôi sục và người ta có thể cảm nhận được chấn động của nó ở xa 25 km tính từ miệng núi lửa. Các nhà khoa học lo ngại hoạt động của Eyjafjallajokull có thể gây kích động, khiến núi lửa Kalta gần đó thức giấc. Đợt phun trào lớn gần đây nhất của nó là vào năm 1918. Nếu núi lửa Kalta hoạt động, hàng không thế giới sẽ càng gặp rắc rối.
Dù hoạt động địa chấn ở núi lửa này tăng cường, khói bụi có vẻ co rút lại, mặc dù quá trình này không diễn ra nhanh. Sarah Holland của Văn phòng khí tượng thủy văn của Anh cho biết khói được giữ lại trên bầu trời nước Anh bởi một hệ thống áp suất cao và chưa có dấu hiệu thay đổi. Hôm qua, Eurocontrol đã liệt không phận giữa Iceland và Anh và Ireland là vùng cấm bay, cùng với phần lớn vùng biển Baltic và phần lân cận. Tuy nhiên, những máy bay vẫn được phép bay trên 7.000 km ở Anh, trước khi không phận được mở lại trên cả nước Anh tối qua.
Hàng chục chuyến bay đã cất cánh và hạ cánh tại sân bay Schiphol ở Amsterdam, Hà Lan, hôm qua. Sân bay ở Thụy Sĩ, Trung Âu và vùng Scandinavia cũng được mở lại. Một vài chuyến bay từ châu Á hướng về nam Âu, nơi đường bay không bị ảnh hưởng.
Ở Tây Ban Nha, xe buýt, tàu hỏa, phà được huy động để phục vụ hành khách muốn về nước. Giới chức hàng không Ba Lan cho biết họ dự định mở lại không phận nước này vào sáng nay.
Trong khi đó, hàng chục nghìn người Anh vẫn đang tìm đường về nhà. Văn phòng đối ngoại của Anh thừa nhận tính nghiêm trọng của vấn đề và cho rằng phải mất nhiều tuần nữa tình trạng này mới được giải quyết.
Gia đình Tom và Natalie Smith ở Bristol, Anh, bị mắc kẹt sau khi nghỉ một tuần ở vùng biển Costa Brava, Tây Ban Nha. "Chúng tôi đáng lẽ phải trở về làm việc vào sáng nay", Tom Smith nói. "Natalie mắc bệnh tiểu đường. Nếu phải ở lâu thì cô ấy có thể hết thuốc".
Chính phủ Anh khuyên công dân của họ nên giữ liên lạc với các hãng hàng không. Những người ở châu Âu thì được khuyên nên tìm đường đến cảng Calais của Pháp, những cảng khác ở eo biển Manche hoặc một cảng ở bắc Âu.
Ngành công nghiệp hàng không đang đối mặt với tổn thất hơn 1 tỷ USD. Các hãng bay chỉ trích chính phủ các nước châu Âu vì đã đóng băng hàng nghìn chuyến băng của châu lục.
Một số hãng đang dùng những máy bay lớn hơn và tăng chuyến. Trong khi một số khác thì thuê xe buýt chở những khách hàng của họ tới điểm cần đến.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Ngày 20-4, Nội các Thái Lan đã chấp thuận chi 25 triệu bạt (gần 1 triệu USD) để bồi thường và trợ giúp cho thân nhân của những người bị chết hoặc bị thương trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình "áo đỏ" ngày 10-4, làm 25 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương.
Châu Âu đã bắt đầu cho phép giao thông hàng không hoạt động trở lại, nhưng có giới hạn, mở hi vọng cho hàng triệu hành khách trên khắp thế giới bị mắc kẹt vì tro bụi núi lửa Iceland. Song đêm 19/4 núi lửa Iceland lại hoạt động mạnh lên.
Ít nhất 25 người thiệt mạng và hơn 40 người bị thương sau khi một quả bom đã phát nổ tại một khu chợ đông đúc ở thành phố Peshawar ở Pakistan ngày 19/4.
Ngày 19-4, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari ký sắc lệnh sửa đổi Hiến pháp, theo đó bãi bỏ quyền giải tán Quốc hội và cách chức thủ tướng của tổng thống, trao lại Quốc hội và văn phòng Thủ tướng quyền hạn trên. Khi luật mới có hiệu lực, Tổng thống chỉ còn mang tính hình thức, chỉ được quyền bổ nhiệm người đứng đầu các lực lượng vũ trang, giải tán Quốc hội và chỉ định các tỉnh trưởng theo đề xuất của thủ tướng.