Bạo loạn tại miền Nam Kyrgyzstan: Xung đột sắc tộc lan rộng
- Cập nhật: Thứ ba, 15/6/2010 | 7:58:36 AM
Bước sang ngày thứ tư, diễn biến cuộc xung đột sắc tộc giữa cộng đồng người Kyrgyz và người thiểu số Uzbek tại miền Nam Kyrgyzstan vẫn hết sức căng thẳng bất chấp lệnh giới nghiêm và tình trạng khẩn cấp được ban bố tại nhiều tỉnh trên cả nước.
Hơn 75.000 người Kyrgyzstan buộc phải vượt qua biên giới với Uzbekistan để lánh nạn.
|
Theo thông báo từ chính quyền địa phương, tính đến hết ngày 14-6, đã có tới 118 người thiệt mạng, 1.600 người khác bị thương. Tuy nhiên, con số thương vong có thể cao hơn nhiều. Cùng ngày, Bộ Tình trạng khẩn cấp Uzbekistan cho biết, hơn 75.000 người đã chạy qua biên giới để lánh nạn. Uzbekistan đã lập các trại tị nạn để tạm thời ổn định cuộc sống cho những người này.
Trong khi đó, bạo động tại các thành phố miền Nam nước này vẫn chưa được kiểm soát. Các đám đông tiếp tục đốt phá, tấn công lẫn nhau. Thực phẩm trở nên khan hiếm sau khi nhiều cửa hàng bị cướp bóc. Trước tình hình bạo lực có thể tiếp tục lan rộng, Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan đã ban bố sắc lệnh cho phép quân đội và cảnh sát có thể dùng vũ lực để ngăn chặn các vụ tấn công nhằm vào lực lượng cảnh sát và quân đội, chấm dứt các hành động phá hoại tài sản, đồng thời bảo vệ tính mạng của dân thường. Sắc lệnh cũng cho phép quân đội và cảnh sát có thể nổ súng tại các khu vực đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Ngày 14-6, Hãng tin Interfax cho biết, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã từ chối đề nghị của Tổng thống lâm thời Kyrgyzstan Roza Otunbayeva nhằm đưa quân đội Nga sang giúp bình ổn tình hình miền Nam nước này. Điện Kremlin tuyên bố không can thiệp vào công việc nội bộ của Kyrgyzstan. Tuy nhiên, Mátxcơva sẽ cử đoàn cứu trợ và hàng viện trợ nhân đạo tới quốc gia này. Chiều 13-6, 3 chiếc máy bay Il-76 chở 150 lính dù thuộc tiểu đoàn 31, lực lượng không quân Nga, đã hạ cánh tại căn cứ không quân của nước này ở Kant, nhằm bảo vệ các cơ sở quân sự của Nga tại Kyrgyzstan cũng như bảo đảm an ninh cho binh lính và gia đình của họ.
Trong một diễn biến khác, Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan đã ra thông báo đặc biệt bác bỏ tin nói rằng Biskhek đề nghị Mỹ viện trợ quân sự để giải quyết xung đột sắc tộc. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh trước đó, ngày 13-6, trên trang web Chính sách đối ngoại của Mỹ đăng thông tin nói rằng Tổng thống Roza Otunbayeva, trước khi yêu cầu Nga cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến trợ giúp Biskhek, đã đề nghị Mỹ viện trợ quân sự để giải quyết các cuộc xung đột sắc tộc ở nước Trung Á này.
Do lo ngại tình hình ngày càng xấu đi, đặc biệt trong bối cảnh hai sinh viên người Pakistan bị bắt cóc đã thiệt mạng, ngày 14-6, nhiều quốc gia tuyên bố sẽ đưa lực lượng tới Kyrgyzstan để bảo vệ công dân mình. Chính phủ Trung Quốc cho biết, sẽ điều một máy bay tới nước láng giềng Kyrgyzstan để đón các công dân Trung Quốc đang còn bị kẹt lại ở miền Nam nước này. Ấn Độ cũng đang tìm giải pháp để sơ tán hơn 100 công dân còn ở đây.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có phản ứng chung. Ông nêu rõ, LHQ đang nỗ lực đánh giá khẩn cấp các nhu cầu viện trợ nhân đạo cho quốc gia Trung Á này. Cùng ngày, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) gồm các quốc gia: Nga, Kyrgyzstan, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Uzbekistan và Tajikistan đã nhóm họp để thảo luận những biện pháp nhằm bình ổn miền Nam Kyrgyzstan. Nhiều khả năng, CSTO sẽ triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình tại quốc gia này trong thời gian sớm nhất.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Cảnh sát liên bang Mexico vừa cho biết, hôm qua (14/06) có 10 sĩ quan cảnh sát liên bang đã thiệt mạng và nhiều cảnh sát bị thương nặng trong một vụ giao tranh giữa cảnh sát và các băng nhóm tội phạm tại một trường trung học hướng nghiệp ở bang Michoacan, miền tây Mexico.
Cảnh sát chống bạo động Nam Phi tại Durban đã bắn đạn hơi cay để giải tán hàng trăm nhân viên phục vụ an ninh cho World Cup biểu tình vì bị cắt giảm thù lao.
Các nhóm bạo động tại những thành phố lớn ở Kyrgyzstan ngày hôm qua (13.6) tiếp tục bắn giết những người Uzbekistan thiểu số, đốt phá nhà cửa và cướp bóc các cơ sở kinh doanh của họ. Hơn 75.000 người đã phải chạy loạn sang Uzbekistan để lánh nạn.
Trong bài phát biểu trên Đài phát thanh và Truyền hình sáng Chủ nhật hàng tuần, Thủ tướng Abhisit tuyên bố: Chính phủ Thái Lan sẽ không hòa giải với những kẻ khủng bố và sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để xử lý những người đã làm tổn hại đất nước.