Liên hợp quốc siết chặt trừng phạt I-ran
- Cập nhật: Thứ tư, 16/6/2010 | 2:30:58 PM
Cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân gây tranh cãi kéo dài và căng thẳng của I-ran một lần nữa rơi vào bế tắc. Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ, trong phiên họp ngày 9-6 dưới sự điều khiển của Ðại sứ Mê-hi-cô Clau-đơ Hê-giơ, nước giữ chức Chủ tịch HÐBA tháng này, đã thông qua dự thảo nghị quyết trừng phạt I-ran do Nhóm P5+1 bảo trợ, với 12 phiếu ủng hộ, hai phiếu chống (Bra-xin và Thổ Nhĩ Kỳ), một phiếu trắng là Li-băng.
Ðây là lần thứ tư kể từ tháng 12-2006 LHQ ra nghị quyết trừng phạt I-ran liên quan chương trình hạt nhân của nước này. Các nghị quyết trước đây của LHQ được đưa ra tháng 12-2006, tháng 3-2007 và tháng 3-2008.
Nghị quyết của LHQ về trừng phạt I-ran lần này siết chặt hơn và mở rộng các biện pháp chống I-ran bằng cách đánh vào ngành ngân hàng và các ngành công nghiệp khác của nước này.
Cụ thể là cấm các nước bán vũ khí hạng nặng cho I-ran, như xe tăng, tàu chiến, tên lửa...; cấm các ngân hàng của I-ran đầu tư vào những hoạt động nhạy cảm ở nước ngoài, như vào các mỏ u-ra-ni. Cho phép các nước giám sát và kiểm tra các tàu thuyền nghi chuyên chở vũ khí và những bộ phận của tên lửa... đi và đến I-ran.
Ghi thêm hơn 40 cá nhân, cơ quan và tổ chức của I-ran vào danh sách hạn chế đi lại và cấm vận tài chính, trong đó có ông Gia-vát Ra-hi-ki, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử của I-ran.
Dự thảo nghị quyết đã được Mỹ trình lên HÐBA ngày 17-6 và trong hơn 20 ngày qua, HÐBA đã tiến hành một số phiên họp kín thảo luận văn kiện này. Trong số 15 nước thành viên HÐBA đã có những phản ứng khác nhau về những đề xuất mở rộng các biện pháp trừng phạt I-ran. Bra-xin và Thổ Nhĩ Kỳ cực lực phản đối dự thảo nghị quyết.
Ðại diện một số nước thành viên khác cho rằng, biện pháp trừng phạt I-ran không mang lại hiệu quả. Phớt lờ những khẳng định của I-ran là chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran nhằm phục vụ những mục đích hòa bình, Mỹ và một số đồng minh vẫn cho rằng I-ran làm giàu u-ra-ni để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Họ đòi I-ran phải ngừng chương trình hạt nhân vô điều kiện. Mâu thuẫn này đã làm tiêu tan mọi nỗ lực đàm phán và làm căng thẳng thêm quan hệ bất hòa giữa Mỹ và I-ran tồn tại suốt ba thập kỷ nay. Với vị thế của I-ran trong khu vực vùng Vịnh, nhà cầm quyền Mỹ một mặt thực thi chính sách thù địch với chính quyền của Tổng thống A-ma-đi-nê-giát, mặt khác tìm cách kiểm soát quốc gia Hồi giáo này.
Về nghị quyết trừng phạt I-ran vừa được HÐBA thông qua, Ðại sứ Mỹ tại LHQ Xu-dân Rai-xơ cho rằng, đó là những biện pháp trừng phạt "mạnh mẽ và sâu rộng" chưa từng có đối với I-ran. Tuy nhiên, Ðại sứ Mỹ cũng cho biết mục tiêu của Oa-sinh-tơn là "vẫn duy trì cách tiếp cận kép", nghĩa là tiếp tục đàm phán song song với việc gây áp lực thông qua biện pháp trừng phạt đối với I-ran. Nga và Trung Quốc ủng hộ nghị quyết trừng phạt mới, nhưng vẫn duy trì quan hệ hợp tác và buôn bán với Tê-hê-ran.
Phía Nga cho rằng, nghị quyết mới của HÐBA về trừng phạt I-ran không ảnh hưởng nhiều cuộc sống của người dân và cũng không tạo ra những rào cản đối với hoạt động phát triển năng lượng hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình của I-ran. Nga sẽ tiếp tục hợp tác với I-ran trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: Trung Quốc luôn ủng hộ chiến lược "nước đôi" trong đó đối thoại và đàm phán là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran.
Về phần mình, chính quyền I-ran tìm cách tháo gỡ bất đồng, như hợp tác với IAEA giám sát chương trình hạt nhân của mình, nhưng kiên quyết bảo vệ quan điểm có quyền tiếp cận công nghệ hạt nhân phục vụ các mục đích dân sự.
Minh chứng là, trước ngày nhóm P5+1 trình dự thảo nghị quyết trừng phạt I-ran lên HÐBA LHQ, I-ran đã ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Bra-xin về chuyển u-ra-ni làm giàu cấp độ thấp sang Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy u-ra-ni làm giàu cấp độ cao hơn để sản xuất các chất đồng vị y tế, theo như yêu cầu của Nhóm P5+1 đưa ra tại cuộc đàm phán trước đó.
Thỏa thuận này đã được I-ran gửi tới Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và được nhiều nước, kể cả Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun cho là một "bước tiến tích cực". Tổng thống I-ran M. A-ma-đi-nê-giát và Tổng thống Bra-xin Lu-la đa Xin-va cho rằng, thỏa thuận này là một cơ hội để tiếp tục đàm phán và nêu rõ "cơ hội sẽ không lặp lại".
Chính quyền I-ran cực lực phản đối nghị quyết của HÐBA, cho rằng đó là việc làm vô lý, không công bằng và sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Quan hệ I-ran-Mỹ thêm căng thẳng.
Tổng thống I-ran đã tuyên bố, I-ran sẽ chấm dứt đàm phán về vấn đề hạt nhân của nước này nếu HÐBA LHQ thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với I-ran, đồng thời I-ran cũng sẽ không thực thi hiệp định về làm giàu u-ra-ni vừa ký với Thổ Nhĩ Kỳ và Bra-xin.
Nhà cầm quyền Tê-hê-ran đã cảnh báo sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát những tàu thuyền qua lại vùng Vịnh và eo biển Oóc-mút để trả đũa việc tàu thuyền của I-ran bị kiểm tra ở những nơi khác. I-ran sẽ tự làm giàu u-ra-ni cấp độ cao hơn, tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của mình.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Báo Bangkok Post vừa đưa tin, Tòa án hình sự Thái Lan đã từ chối cho phép 11 lãnh đạo áo đỏ tại ngoại, và ra lệnh kéo dài thời hạn giam giữ họ đến ngày 26-6. Những người này đang phải đối mặt với nguy cơ lĩnh án tử hình sau khi bị cáo buộc tội khủng bố.
CHDCND Triều Tiên ngày 15-6 đã đưa ra lời đe dọa sẽ sử dụng hành động quân sự nếu LHQ ra bất kỳ nghị quyết nào về vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc liên quan đến CHDCND Triều Tiên.
Các nhà quản lý trên khắp thế giới đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm năng suất lao động - cơn đau cứ bốn năm lại đến một lần và kéo dài cả tháng.
Ngày 14-6, quyền Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Tướng Pateep Tanprasert đã ban hành một mệnh lệnh khẩn cấp, yêu cầu chỉ huy lực lượng cảnh sát trên cả nước kịp thời trấn áp những kẻ gây bạo loạn và xử lý nghiêm minh theo pháp luật những người vi phạm tình trạng khẩn cấp.