NATO nhận chỉ huy, Mỹ tiếp tục chiến đấu ở Libya

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/3/2011 | 8:26:54 AM

Các nguồn tin ngoại giao từ Brussels, Bỉ, ngày 24/3 cho biết, NATO sẽ tiếp nhận quyền chỉ huy chiến dịch quân sự ở Libya từ tay Mỹ nhằm đảm bảo lệnh cấm bay được áp đặt ở nước này theo đúng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO – ông Anders Fogh Rasmussen đã khẳng định rõ rằng, NATO chỉ tiếp nhận quyền chỉ huy chiến dịch thực hiện áp đặt vùng cấm bay ở Libya. Các lĩnh vực khác của chiến dịch quân sự ở đất nước Bắc Phi sẽ vẫn nằm trong tay của liên quân hiện nay.
 
NATO đã bị mắc kẹt trong một cuộc tranh cãi về việc liệu liên minh quân sự này có nên tiếp nhận quyền chỉ huy chiến dịch ở Libya hay không. Có những bất đồng xung quanh việc NATO nên hay không nên chỉ huy chiến dịch đánh Libya và liệu chiến dịch áp đặt vùng cấm bay ở Libya có bao gồm các cuộc tấn công vào lực lượng bộ binh hay không.
 
Tổng thư ký Rasmussen nhấn mạnh, không có sự chia rẽ giữa các thành viên NATO trong vấn đề tiếp nhận quyền chỉ huy chiến dịch ở Libya. Cũng theo ông Rasmussen, liên minh quân sự của phương Tây đang cân nhắc xem có nên gánh vác “trách nhiệm lớn hơn” ở Libya.
 
Theo dự kiến, NATO sẽ tiếp nhận quyền chỉ huy chiến dịch quân sự ở Libya từ tay Mỹ vào đầu tuần tới.
 
Mỹ ban đầu đồng ý giữ vị trí chỉ huy chiến dịch thực thi lệnh cấm bay ở Libya theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, sau khi chiến dịch này vừa được khởi động, Washington đã tuyên bố chỉ muốn đóng vai trò hạn chế trong các hành động quân sự ở Libya và sẽ giao lại quyền chỉ huy cho các nước khác càng sớm càng tốt.
 
Mỹ vẫn tiếp tục chiến đấu ở Libya
 
Mặc dù từ bỏ quyền chỉ huy nhưng máy bay chiến đấu Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tấn công trên bầu trời Libya, Lầu Năm Góc Mỹ hôm qua đã khẳng định như vậy.
 
Theo Phó Đô đốc Hải quân Mỹ William Gortney cho biết, sau khi trao lại quyền chỉ huy cho NATO, vai trò chính của Mỹ chủ yếu là trong các nhiệm vụ hỗ trợ như tiếp nhiên liệu và giám sát bầu trời Libya. Tuy nhiên, ông Gortney khẳng định, Mỹ vẫn tiếp tục tham gia vào các nhiệm vụ bay chiến đấu nếu cần thiết, bao gồm các cuộc tấn công vào hệ thống phòng không di động, các kho vũ khí, chiến trường và các tài sản, cơ sở hỗ trợ cho lực lượng dưới mặt đất của Libya.
 
Trong khi đó, Thư ký Nhà Trắng Jay Carney tỏ ra dè dặt, thận trọng hơn khi gọi giai đoạn tiếp theo của Mỹ ở Libya sẽ là giai đoạn “hỗ trợ và giúp đỡ”. Theo đó, Mỹ sẽ sử dụng các nguồn lực tình báo và các khả năng quân sự của mình để hỗ trợ chiến dịch quân sự ở Libya. Các hoạt động đó bao gồm cả việc làm nhiễu hệ thống điện tử của Libya để mở đường cho liên quân thực hiện các cuộc tấn công tên lửa và rocket vào đất nước Bắc Phi. Tuy nhiên, ông Cartney không hề đả động đến các nhiệm vụ chiến đấu.
 
Hiện tại, theo Phó Đô đốc Bill Gortney cho biết trong một bản báo cáo gửi Lầu Năm Góc, có tất cả 350 chiếc máy bay chiến đấu của liên quân đang tham gia vào chiến dịch quân sự ở Libya. Trong số này có khoảng một nửa là của Mỹ. Những chiếc máy bay chiến đấu này đã thực hiện hơn 300 cuộc không kích vào Libya.
 
Ngoài ra, khoảng 38 tàu chiến của liên quân cũng đang tham gia vào các hoạt động phong tỏa đường hàng hải đi vào Libya nhằm ngăn chặn vũ khí được đưa vào nước này.
 
Liên quân nhấn mạnh họ sẽ tấn công cả lực lượng dưới mặt đất của Libya nếu các lực lượng này gây ra mối đe dọa gì đối với dân thường.
 
Tổng thống Nga cảnh báo Tổng thống Mỹ về vấn đề Libya
 
Cũng liên quan đến tình hình Libya, hôm qua, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã nói với người đồng cấp Barack Obama rằng, việc ngăn chặn tình trạng thương vong trong dân thường phải là ưu tiên hàng đầu của chiến dịch quân sự mà liên quân đang tiến hành ở Libya.
 
Hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ đã có cuộc điện đàm về tình hình đất nước Bắc Phi, cơ quan báo chí điện Kremlin cho hay.
 
"Tổng thống Nga nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn tình trạng thương vong trong dân thường và khẳng định liên quân cần phải đặt mục tiêu bảo vệ dân thường lên hàng đầu," điện Kremlin cho biết.
 
Những phát biểu trên của Tổng thống Medvedev được đưa ra trong bối cảnh Libya tố cáo các cuộc tấn công của liên quân đã giết hại nhiều dân thường nước này.
 
Theo chính phủ Libya cho biết, tính đến thời điểm này, chiến dịch Bình minh Odyssey mà liên quân phát động ở nước này từ hôm 19/3 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 100 dân thường và làm bị thương hơn 150 người khác.
 
Tuy nhiên, liên quân bác bỏ những cáo buộc trên, khẳng định họ chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự.

(Theo VnMedia)

Các tin khác
Những người lính tiến hành chôn cất thi thể nạn nhân trong lễ tang tập thể.

Các nhà chức trách Nhật Bản đã phải quyết định tổ chức lễ an táng tập thể những nạn nhân thiệt mạng vì động đất - sóng thần tại một nghĩa trang lớn ở thành phố Higashimatsushima, do các nhà xác đã quá tải vào ngày 22-3.

Libya tiếp tục chìm trong khói lửa chiến tranh.

Chiến dịch "Bình minh Odyssey" mang theo khói lửa và bom đạn từ phương Tây dội vào Libya đã bước sang ngày thứ 6. Thế nhưng, các nước tham chiến vẫn chưa tìm ra được một cơ chế chỉ huy thống nhất, dù "bộ ba" tiên phong Anh, Pháp, Mỹ sơ bộ đã đồng ý để Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giữ vai trò chủ chốt trong cuộc chiến này.

Ít nhất 10 người đã thiệt mạng trong các vụ lở đất và sập nhà ở các thị trấn Tachileik và Tarpin, bang Shan miền Đông Bắc Myanmar, do trận động đất mạnh 7 độ Richter tối 24/3 gây ra.

Công ty iRobot của Mỹ vừa tặng Nhật Bản 4 robot, gồm 2 robot mang tên PackBots và 2 robot mang tên Warriors, để kết hợp với các robot Nhật Bản tham gia vào việc phục hồi sau thảm họa động đất, sóng thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục