Bạo loạn đẩy tổng thống Yemen ra nước ngoài
- Cập nhật: Thứ hai, 6/6/2011 | 8:34:57 AM
Hàng nghìn người Yemen ngày 5/6 đổ ra đường ăn mừng sự kiện Tổng thống Ali Abdullah Saleh phải sang Ảrập Xêút chữa thương, sau vụ tấn công vào khu dinh thự của ông ở thủ đô Sanaa.
Hàng nghìn người Yemen đổ ra đường phố Sanaa ăn mừng sự kiện Tổng thống Saleh phải ra nước ngoài.
|
Nhiều người tập trung tại Quảng trường Đại học Sanaa, trong khi những người khác đổ ra đường phố thủ đô hô vang khẩu hiệu và vẫy cờ. Cuộc nổi dậy của người dân đòi ông Saleh phải từ chức sau nhiều năm làm tổng thống là một phần trong làn sóng biểu tình đã lan khắp khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Những cuộc biểu tình biến thành bạo lực và đẩy Yemen đến bên bờ vực một cuộc nội chiến, trong khi Tổng thống Saleh tuyên bố không chịu từ chức như yêu sách của phe đối lập. Tuy nhiên việc ông buộc phải ra nước ngoài là biểu hiện cho việc ông đang ở thế yếu và hiện chưa rõ khi nào tổng thống Yemen có thể trở về nước.
Theo hiến pháp, Phó tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi trở thành quyền tổng thống Yemen trong thời gian ông Saleh vắng mặt và nắm quyền chỉ huy quân đội cùng lực lượng an ninh. Kênh truyền hình Al-Arabiya cho biết, ông Hadi đã tiến hành gặp các tư lệnh quân đội và con trai của Tổng thống Saleh khi tạm tiếp quản ghế tổng thống.
Theo các nguồn tin, Tổng thống Saleh ra nước ngoài cùng với 35 thành viên trong gia đình ông gồm vợ và hai quan chức hàng đầu của đất nước là thủ tướng và chủ tịch quốc hội Yemen. Nhưng con trai ông là Ahmad và hai người cháu trai là những tư lệnh trong quân đội vẫn ở lại trong nước.
Tổng thống Saleh đáp máy bay tới thủ đô Ryadh của Ảrập Xêút hôm thứ bảy, sau khi ông bị trúng mảnh đạn trong vụ tấn công nhằm vào dinh thự của ông ở Sanaa trước đó một ngày. Khi tới Ryadh, tổng thống Yemen vẫn tự bước ra khỏi máy bay với những vết băng bó trên đầu, mặt và cổ.
Trong khi đó, những tiếng nổ và đạn giao tranh giữa phe đối lập và phe ủng hộ tổng thống đang tiếp tục xuất hiện khắp thủ đô Sanaa và thành phố Taiz ở miền nam, vốn là hai điểm nóng của làn sóng biểu tình chống Saleh trong những tháng qua. Biểu tình biến thành giao tranh giữa hai nổ ra tại Sanaa từ ngày 23/5, làm hơn 160 người thiệt mạng.
Phương tây và một số nước lớn trong khu vực đang kêu gọi ông Saleh ký vào một thỏa thuận do Hội đồng hợp tác vùng Vịnh làm trung gian, trong đó ông sẽ chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống để đổi lấy quyền miễn trừ truy tố. Người đã cầm quyền suốt 33 năm qua của Yemen tuyên bố sẽ ký vào thỏa thuận này một số dịp, nhưng sau đó rút lại.
Diễn biến mới nhất khiến giới quan sát nhận định có thể Yemen sẽ là quốc gia thứ ba tại Trung Đông và Bắc Phi chứng kiến làn sóng biểu tình lật đổ tổng thống kỳ cựu. Trước đó, hai nhà lãnh đạo tại Tunisia và Ai Cập đã lần lượt bị người dân hạ bệ sau nhiều thập kỷ cầm quyền.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Các bệnh viện ở Đức, đặc biệt tại miền bắc, đang quá tải vì dịch bệnh E.coli Enterohemorrhagic (EHEC). Đến hôm 5/6, dịch EHEC đã làm 19 người thiệt mạng và hơn 2.000 người nhiễm bệnh.
Ngày 5-6, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 10 đã kết thúc tốt đẹp. Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông, đã trở thành tâm điểm chú ý của Diễn đàn Hội nghị An ninh và đã được các bên cam kết giải quyết theo nhiều hướng tích cực và hòa bình.
Giá đỗ ươm ở miền nam nước Đức có thể là nguồn truyền chủng vi khuẩn E.coli độc hại, gây ra chứng tiêu chảy nguy hiểm, đã khiến 22 người tử vong ở châu Âu (đa số là tại Đức) và bắt đầu lan sang Mỹ - giới chức Đức xác nhận.
Theo AFP, vấn đề biển Đông vẫn tiếp tục là đề tài nóng trong ngày thứ 2 của Đối thoại Shangri-la 10.