Nhật Bản cải tổ nội các
- Cập nhật: Thứ ba, 2/10/2012 | 8:06:32 AM
Ngày 1-10 đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã tiến hành cải tổ nội các trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử. Việc cải tổ nội các được cho nhằm mục đích củng cố quyền lực để bước vào cuộc bầu cử và tìm kiếm những giải pháp ôn hòa hơn trong giải quyết tranh cãi chủ quyền quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
![]() |
Thủ tướng Noda (hàng đầu - giữa) và nội các mới trong lễ tuyên thệ nhậm chức.
|
-
Cải tổ để củng cố sức mạnh
Trong danh sách nội các mới, Thủ tướng Noda thay 10 bộ trưởng và giữ lại 8 thành viên nội các cũ. Thủ tướng Noda không giấu mục đích cải tổ: Nhằm giúp chính phủ và đảng cầm quyền hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại mà nước Nhật đang đối mặt.
Đây là lần thứ ba Thủ tướng Noda cải tổ nội các kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 9 năm ngoái. Động thái cải tổ nội các của ông Noda cũng nhằm khôi phục lại sự ủng hộ của cử tri dành cho ông trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới và củng cố chính phủ trước cuộc chiến “khốc liệt” nhằm thông qua một dự luật thuế sắp tới. Tuy nhiên, Kyodo nhận định nỗ lực mới nhất này có thể sẽ không giúp vực dậy được tỷ lệ ủng hộ đối với chính phủ của ông Noda, vốn đã rơi xuống “vùng nguy hiểm” dưới 30%.
Ông Noda đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ Shinzo Abe, cựu Thủ tướng Nhật Bản, người vừa đắc cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP). Đối thủ thứ hai, Thị trưởng Osaka, Toru Hashimoto, mới 43 tuổi, Chủ tịch đảng Duy Tân Nhật Bản (JRP).
Một số cuộc thăm dò mới nhất cho thấy JRP được lòng cử tri nhiều hơn so với đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền của Thủ tướng Noda và LDP nên không loại trừ khả năng có thể giành đủ số ghế trong lần tham gia bầu cử đầu tiên của họ để thành lập chính phủ.
Ông Noda còn đang đứng trước thách thức khi ông đã hứa với các đảng đối lập sẽ giải tán quốc hội và bầu cử sớm trong năm nay để họ ủng hộ chính sách tăng thuế của ông.
-
Cải tổ để cải thiện quan hệ với Trung Quốc?
| |
Trong các bộ trưởng mới, cựu Ngoại trưởng Makiko Tanaka được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học. Bà Tanaka được cho là có quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo Trung Quốc vì cha bà, cố Thủ tướng Kakuei Tanaka, là người đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc 40 năm trước.
Dư luận nhận định với việc bổ nhiệm bà Tanaka vào nội các mới, Thủ tướng Noda đã gửi thông điệp muốn xoa dịu quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng sau khi Tokyo mua một số đảo trong quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi liệu việc bổ nhiệm bà Makiko Tanaka vào nội các mới có nhằm mục đích tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc hay không, ông Noda nói rằng việc thực thi chính sách đối ngoại là Ngoại trưởng Koichiro Gemba chứ không phải chức năng của Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học. Dù vậy, GS Takehiko Yamamoto (Đại học Waseda) cho rằng không nghi ngờ gì nữa vì Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học là vị trí chủ chốt trong chính sách trao đổi văn hóa giữa Nhật Bản và Trung Quốc và bà Tanaka được mong đợi cải thiện mối quan hệ này từ lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Trong nội các lại có cựu Ngoại trưởng Seiji Maehara làm Bộ trưởng Chính sách quốc gia đã làm nảy sinh nhiều lo ngại. Vì vị chính khách trẻ tuổi này theo đường lối cứng rắn có thể tiếp tục làm leo thang căng thẳng mối quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy vậy, GS Takehiko Yamamoto cho rằng sự có mặt của ông Seiji Maehara dường như không cản trở bà Tanaka mà chỉ đảm bảo cân bằng các chính sách để không quá mềm mỏng trước Trung Quốc và cũng như cân bằng các vị trí trong Bộ Giáo dục và Khoa học do bà Tanaka bổ nhiệm.
(Theo SGGP)
Các tin khác

Báo Jakarta Post dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho hay ngoại trưởng các nước ASEAN vừa nhận được bản thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).
Sau sự cố tại nhà máy Fukushima, đây là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được cấp phép xây dựng.

Hãng AFP ngày 1-10 đưa tin, 50.000 người Pháp thuộc phe cánh tả đã xuống đường ở trung tâm thủ đô Paris biểu tình phản đối Hiệp ước tài chính của Liên minh châu Âu (EU) buộc chính phủ các nước thành viên thực hiện những biện pháp tài chính hà khắc để hạn chế thâm hụt ngân sách.

Ngày 30-9, trên khắp quốc gia Trung Cận Đông này đã xảy ra một loạt các vụ đánh bom liên hoàn làm ít nhất 19 người thiệt mạng. Theo BBC, vụ đánh bom đẫm máu nhất xảy ra tại Taji, cách thủ đô Baghdad khoảng 20km về phía bắc, khi liên tiếp 4 xe chở bom phát nổ, làm 8 người thiệt mạng và 22 người bị thương.