Có kiến thức, thắng đói nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 28/8/2013 | 9:16:24 AM
YBĐT - Dế Xu Phình là một trong những xã điển hình trong phong trào học tập nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ của huyện. Điều đó được minh chứng thuyết phục khi hiện tại, địa phương có gần 20 cán bộ cả chuyên trách và không chuyên trách đang theo học các lớp tại chức đại học, lý luận chính trị ở tỉnh và huyện.
Đội ngũ cán bộ xã Dế Xu Phình tích cực tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ được giao.
|
Đã có thời gian, đội ngũ cán bộ của Dế Xu Phình chỉ có 2 người có trình độ văn hóa cấp 2, còn lại chỉ mới học hết cấp 1. Từ năm 2000 trở lại đây, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của huyện và sự thay đổi tư duy của đội ngũ cán bộ cơ sở, tình trạng này đã được cải thiện.
Đến nay, không chỉ 100% cán bộ xã có trình độ văn hóa cấp 3 mà nhiều đồng chí còn theo học các lớp đại học tại chức mở ở tỉnh và các huyện bạn. Đội ngũ cán bộ, công chức xã hiện có 7/18 người theo học các lớp đại học tại chức nông - lâm, luật, quản lý kinh tế; đội ngũ cán bộ không chuyên trách có tới 10/36 người đang theo học Đại học Tây Bắc, trung cấp chính trị, các lớp đại học tại chức luật, kế toán, nông - lâm…
Hàng ngũ lãnh đạo xã như đồng chí Chủ tịch UBND, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó chủ tịch UBND… đều đang học đại học. Trò chuyện với anh Chang Pàng Rùa - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã hiện đang theo học đại học nông lâm ở tỉnh cho thấy rằng, tư tưởng của đội ngũ cán bộ xã như anh thực sự đã thay đổi rất tích cực. Sinh năm 1967, trước anh Rùa làm công nhân Lâm trường Púng Luông, chỉ có trình độ văn hóa hết cấp 1.
Năm 1997, anh bắt đầu về làm cán bộ nông lâm ở xã Dế Xu Phình, sau đó làm cán bộ văn phòng. Kể từ năm 1999, anh tiếp tục đi học bổ túc tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện, năm 2003 tốt nghiệp cấp 2, năm 2006 tốt nghiệp cấp 3. Anh Rùa tâm sự: "Từ nhỏ mình không được đi học, bây giờ làm cán bộ thì phải học thôi. Có thêm kiến thức, thêm hiểu biết thì mới làm được việc, mới hoàn thành nhiệm vụ được giao". Là một trong những cán bộ thuộc diện quy hoạch, năm 2012, anh Rùa tiếp tục được huyện và xã tạo điều kiện cho đi học đại học nông lâm tại tỉnh.
Mặc dù phải khắc phục nhiều khó khăn như: vừa học vừa làm; nhiều tuổi, tiếp thu kiến thức hạn chế; đi lại vất vả… nhưng anh Rùa cũng khá quyết tâm. Không chỉ quyết tâm nâng cao trình độ cho mình, anh Rùa còn tích cực tuyên truyền, vận động các cán bộ thôn, bản tiếp tục theo học các lớp bổ túc văn hóa. Anh nói với đội ngũ cán bộ các thôn, bản: "Đồng chí nào muốn phục vụ lâu dài thì phải đi học nâng cao trình độ mới làm được việc, mới bảo được dân".
Dế Xu Phình có 6 chi bộ, hiện tại 2 chi bộ là Ma Lù Thàng và Dế Xu Phình B có bí thư chi bộ có trình độ trung học phổ thông. Ngay trong gia đình anh Rùa, ba người con thì hai con lớn đều đã học xong cao đẳng, hiện làm giáo viên tại Trường Tiểu học La Pán Tẩn, Trường Mầm non Khao Mang, còn con gái út cũng vừa tốt nghiệp cấp 3.
Đối với cán bộ nữ, ở vùng cao Mù Cang Chải, không riêng gì Dế Xu Phình, nữ cán bộ dân tộc Mông rất hiếm. Cả xã chỉ có 2 cán bộ nữ chuyên trách, một trong số đó là chị Sùng Thị Sua - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đang học lớp trung cấp chính trị ở huyện. Sùng Thị Sua sinh năm 1982, đã học xong lớp trung cấp văn phòng tại Trường Chính trị tỉnh. Làm cán bộ văn phòng xã từ năm 2004, tham gia Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã, năm 2011, chị được bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.
Năm 2012, Sua được xã tạo điều kiện theo học lớp trung cấp chính trị tại huyện, đến cuối tháng 8 này là thi tốt nghiệp. Chị cho biết, bản thân cũng rất quyết tâm đi học nhưng con còn nhỏ, chồng chị làm Phó công an xã hiện cũng theo học lớp đại học luật tại chức ở tỉnh nên thời gian đi học phải khắc phục nhiều khó khăn. Hàng ngày, chị đi 20km từ nhà xuống huyện học, chiều lại vượt quãng đường ấy về nhà với con. Sua nói: "Vất vả lắm chị ạ! Nhiều lúc cũng rơi nước mắt đấy nhưng vẫn phải cố gắng thôi.
Trước đời ông cha mình chẳng có điều kiện, chẳng được học hành là thiệt hòi, giờ mình còn trẻ, xã hội ngày càng hiện đại, mình càng phải học, nhất là khi lại được tham gia công tác". Suy nghĩ vậy nên Sua tích cực vận động chị em ở các chi hội phấn đấu học hết cấp 3. Xã có 6 chi hội phụ nữ thì 2 chi hội có hội trưởng đã học hết lớp 12. Năm nay, chị lại vận động được 1 chị nộp hồ sơ đi học trung học phổ thông ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện.
Với đội ngũ cán bộ đầy nhiệt tình, tâm huyết, quyết tâm nâng cao trình độ như anh Rùa, chị Sua và nhiều cán bộ khác ở nơi đây chính là cơ sở để có niềm tin chắc chắn rằng, sẽ có một Dế Xu Phình chiến thắng đói nghèo, lạc hậu trong tương lai không xa.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Sau hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, công tác xây dựng Đảng ở Đảng bộ Lục Yên đã có những chuyển biến mới về chất, tổ chức Đảng được củng cố; công tác cán bộ được tăng cường, "chuẩn hóa"; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng lên, tác động tích cực đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ...
YBĐT - Xác định rõ vị trí, vai trò của công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay, Đảng bộ huyện Văn Yên (Yên Bái) đã tích cực, chủ động đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính định hướng chính trị, tính thuyết phục, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
YBĐT - Ngày 2/8, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức lễ tổng kết lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2013.
YBĐT - Từ Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 – 2015 đến nay, Đảng bộ huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có nhiều đổi mới trong giáo dục chính, trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.