Xà Hồ “tre già, măng mọc”

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/8/2014 | 10:18:35 AM

YBĐT - Đồng chí Giàng A Hành - Bí thư Chi bộ Sáng Pao chia sẻ: "Là đảng viên ở vùng cao thì phải quan tâm từ việc con gà chết dịch có được đem chôn đúng nơi quy định không hay nhà nào không cấy, nhà nào gặt đúng thời vụ. Thậm chí là xem con trẻ yêu ở tuổi nào để ngăn chặn tảo hôn, vận động chúng đi học...”.

Từ 2010 đến nay, Đảng ủy, chính quyền xã Xà Hồ đã chỉ đạo, vận động đồng bào Mông chuyển đổi được 115ha đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi cho năng suất, hiệu quả cao.
Từ 2010 đến nay, Đảng ủy, chính quyền xã Xà Hồ đã chỉ đạo, vận động đồng bào Mông chuyển đổi được 115ha đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi cho năng suất, hiệu quả cao.

Nắng tháng 7, cánh chim rừng chao nghiêng trên cánh đồng Tà Ghênh màu mỡ. Không còn nữa hình ảnh của những triền đồi lau lách cỏ dại, nay con đường bê tông uốn mình lên núi, bao quanh là các thửa ruộng bậc thang lúa xanh ngút tầm mắt, những ngôi nhà gỗ vững chãi sát nhau. Diện mạo mới ấy hôm nay là sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm "công bộc" ở Xà Hồ.

Trong khi Đảng bộ các xã bạn "nhọc nhằn" với công tác phát triển Đảng, đặc biệt là đảng viên nữ nông thôn thì 6 tháng đầu năm 2014, Đảng bộ Xà Hồ kết nạp mới được 12 đảng viên, nâng tổng số toàn Đảng bộ lên 118 đồng chí, trong đó có 29 đảng viên nữ, đặc biệt hơn là có 8 đảng viên nữ nông thôn. Con số ấy khiến cho những người luôn quan tâm về công tác xây dựng Đảng ở vùng cao phải “ngưỡng mộ”!

Thêm nữa, Xà Hồ hơn 10 năm nay không có người di cư tự do, 3 năm xóa trắng thuốc phiện, năm nay còn có 3 thôn: Cu Vai, Đầu Cầu, Trống Khua không có người sinh con thứ 3... Câu hỏi Đảng bộ Xà Hồ đã làm gì để có được kết quả khả quan ấy khiến chúng tôi trở lại nơi này.

Ấn tượng đầu tiên khiến chúng tôi khẳng định lời giới thiệu của Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu là đúng khi gặp "cặp 3 hoàn hảo": Bí thư, Phó bí thư Thường trực và Chủ tịch UBND xã. Họ - thứ nhất là người dày dặn kinh nghiệm, thứ hai là được đào tạo bài bản, thứ ba là tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Hỏi gì trả lời đấy, phong cách gần gũi, giản dị, họ tạm “gác” chúng tôi sang một bên, ngồi giải thích cặn kẽ cho một già làng, một người dân đến thắc mắc rất bình tĩnh, cười sảng khoái, phong cách rất "nông dân" mặc dù ngoài kia đang ngày mùa bận rộn, trong xã đang tấp nập chuẩn bị cho kỳ họp hội đồng và "nhà Đài" đang chờ đợi…

Đồng chí Chớ A Páo - Bí thư Đảng bộ xã cười khà khà: "Các bạn phóng viên thông cảm cho vì quan điểm của xã là ưu tiên quần chúng. Dân là thế, họ chẳng nhớ ngày tiếp công dân của xã đâu, cứ có việc là lên, hỏi cho ra nhẽ mới về". Nói đến công tác phát triển đảng viên, đồng chí Bí thư Đảng bộ xã rất phấn khởi: "Gian nan có chứ nhưng đã qua rồi, chắc chắn sẽ vượt chỉ tiêu đại hội để nhiệm kỳ mới sẽ "sung sức" hơn".

Quay về “gian nan” ấy là những ngày tháng mà đảng viên vẫn nhớ tên được từng người. Đời sống khó khăn bởi cách sản xuất, tư duy lạc hậu, theo đó là trồng thuốc phiện, đẻ đông con, sản xuất manh mún, phần lớn là tự cung tự cấp, đói nghèo cứ quẩn quanh. Chả tính gì chuẩn nghèo mới với chuẩn nghèo cũ vì lúa gạo chưa đến vụ gặt đã nhẵn bồ; con trâu, con bò đếm trên đầu ngón tay; đám ma, đám cưới tổ chức linh đình, nợ nần truyền đời nọ sang đời kia.

Ông Mùa A Ly - đảng viên đã 40 năm tuổi Đảng chia sẻ : "Ngày ấy, ai cũng lo cơm áo gạo tiền, vận động vào Đảng cũng khó vì cái thẻ đảng viên không mang lại cơm áo. Đảng viên ít thì nghị quyết đến với cái đầu dân cũng chậm hơn. Đảng viên trình độ thấp thì nghị quyết cũng khó cụ thể cho dân hiểu, chưa kể người ta đi họp chỉ để ngủ gật, để nói chuyện, để uống rượu... Phụ nữ thì chỉ quanh quẩn với nương ruộng, với cơm nước, với con trâu, con lợn rồi đẻ thì thời gian đâu mà nghĩ đến vào Đảng để tuyên truyền, vận động người khác".

Tập tục là vậy nên muốn thay đổi thì phải cần đến sự kiên trì, nhẫn nại của cán bộ. Từ 1 rồi 2 đến 3 đảng viên được đào tạo bài bản về công tác ở xã, từ “chiến thuật” gần gũi với già làng, trưởng bản để họ thấm nhuần nghị quyết, vận động con cháu tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ để vào Đảng, để họ hiểu rằng vào Đảng là chứng minh mình là người ưu tú, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng và là cơ hội để rèn luyện, để sống có ích cho cộng đồng... Nói thì như vậy nhưng rồi thời gian cũng phải tính bằng năm với những tháng ngày đội mưa, đội nắng của những đảng viên kỳ cựu như: Giàng A Sinh, Giàng A Súa, Mùa A Ly... thì Đảng bộ xã mới dần dần có những đồng chí ưu tú, tâm huyết, trách nhiệm với công việc.

Ông Giàng A Sinh kể: "Ngày ấy được giao chỉ tiêu kết nạp 5 đảng viên mỗi năm đã thấy "lạnh" hết người và chỉ khi lễ kết nạp cuối cùng trong năm khép lại mới thở phào nhẹ nhõm. Là bởi vì ở nông thôn vùng cao, người dân trình độ thấp, chưa mấy ai tha thiết với hoạt động xã hội, đặc biệt là phụ nữ". Với tình yêu quê hương, làng bản, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, đội ngũ những "công bộc" ở Xà Hồ vừa phấn đấu hoàn thiện mình vừa nỗ lực tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú vào Đảng.

Đồng chí Chớ A Páo - Bí thư Đảng bộ xã cho biết: "Trước hết, xã ưu tiên cử những cán bộ, đảng viên tâm huyết với công việc đi đào tạo, bồi dưỡng theo kiểu vừa học vừa làm. Có những người học lại từ cấp II, cấp III, giờ đây đã có bằng đại học. Đội ngũ cán bộ của xã khi đã có trình độ thì việc chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ tương đối thuận lợi. Sau đó, Đảng bộ cử từng đồng chí trong Ban chấp hành phụ trách từng thôn bản, giao chỉ tiêu cho từng chi bộ trên cơ sở thực tế của thôn bản đó chứ không chạy theo số lượng, nhất định phải là người có phẩm chất tốt và có trình độ học vấn nhất định. Với cách làm như vậy, đến nay, Đảng bộ xã đã có một "đội quân" hùng hậu”.

Tiêu chí kết nạp Đảng cũng như phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thôn bản được gắn với trách nhiệm của từng đồng chí đảng viên. Đồng chí Giàng A Hành - Bí thư Chi bộ Sáng Pao chia sẻ: "Là đảng viên ở vùng cao thì phải quan tâm từ việc con gà chết dịch có được đem chôn đúng nơi quy định không hay nhà nào không cấy, nhà nào gặt đúng thời vụ. Thậm chí là xem con trẻ yêu ở tuổi nào để ngăn chặn tảo hôn, vận động chúng đi học, bồi dưỡng giáo dục để có những đảng viên nữ nông thôn có trách nhiệm với công việc. Chính bản thân đảng viên phải cho vợ mình, các con cháu mình tham gia nhiệt tình vào các phong trào của thôn, của xã để họ thoát ly cái bếp".

Bằng cách "can thiệp" vào cuộc sống nhân dân sâu sát như vậy mà ở Xà Hồ, từ đảng viên nữ đầu tiên là Giàng Thị Giầu đến nay đã có thêm 7 đảng viên nữ nông thôn và người trẻ nhất là Hờ Thị Giông vừa được kết nạp năm nay cho biết: "Trách nhiệm của tôi là tuyên tuyền chị em phụ nữ thực hiện tốt việc sinh đẻ có kế hoạch và vận động các bạn trẻ không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống mà phải đi học để nâng cao trình độ, sống có ích cho quê hương, làng bản".

Trách nhiệm của mỗi đảng viên được khơi dậy giúp Xà Hồ từ một địa phương “ì ạch” với công tác phát triển đảng viên cũng như phát triển kinh tế - xã hội đã khởi sắc. 4 năm, 40 đảng viên mới được kết nạp với trình độ từng bước được nâng cao. Năm 2014, diện tích gieo trồng cây lương thực là 814,4ha, tăng 145,4ha so với năm 2010; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.321,32 tấn, bằng đạt 140% so với nghị quyết đại hội, tăng trên 657 tấn so với năm 2010. Trong 4 năm, 70ha lúa nương, sắn kém hiệu quả được chuyển sang trồng ngô đồi. 4 năm, có 10 đám cưới, 8 đám tang thực hiện theo nếp sống văn hóa. Do đó 3 năm liền, Đảng bộ xã được đánh giá trong sạch, vững mạnh. Đồng chí Mùa A Đế - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Xà Hồ sẽ tiếp tục phát triển bởi nghị quyết của Đảng đã được cụ thể hóa từ lòng dân". Quyết tâm ấy chắc chắn sẽ thành hiện thực khi hôm nay, Đảng bộ xã có những tấm gương đảng viên nông thôn làm kinh tế giỏi như: Hờ A Sùng, Mùa A Ly, Thào Vàng Tủa, Sùng A Lù...

Năm nay, có những đảng viên nông thôn tự nguyện ký vào đơn thoát nghèo như: Hờ A Phổng, Hờ A Chơ ở Chi bộ Suối Giao; có những đảng viên gương mẫu đi đầu trong thực hiện nếp sống văn hóa như Chớ Thị Mỷ... Mỗi chi bộ đều có những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội, trong vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa. Chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ mới, Đảng bộ xã là một trong số ít những Đảng bộ xóa được nỗi lo "tre già, măng chưa mọc" bởi cán bộ kế cận đã được đào tạo bài bản và đội ngũ cán bộ, công chức xã có chuyên môn, nhiệt huyết với công việc.

 Phương Thùy

Các tin khác
Đảng viên trẻ Hoàng Văn Sách có thu nhập trên 90 triệu đồng/năm nhờ trồng rừng và cây ăn quả.

YBĐT - Đồng chí Hoàng Hữu Khanh - Bí thư Đảng bộ xã Đại Lịch (Văn Chấn) cho biết: "Từ năm 2010 trở về trước, công tác phát triển Đảng ở Đại Lịch gặp nhiều khó khăn bởi nhận thức của một bộ phận nhân dân và cán bộ hạn chế, lực lượng thanh niên là nguồn chủ yếu trong công tác phát triển Đảng thì đi làm kinh tế xa... đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển Đảng".

YBĐT - Sáng 19/8, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần 9 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Quỹ Tín dụng nhân dân phường Nguyễn Phúc tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn phát triển sản xuất.

YBĐT - Người dân phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) luôn tự hào địa phương mình được mang tên người cộng sản trung kiên, vị Phó chủ tịch đầu tiên của tỉnh Yên Bái sau Cách mạng tháng Tám. Phát huy truyền thống đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Nguyễn Phúc luôn đoàn kết, xây dựng phường phát triển toàn diện.

Lãnh đạo huyện Văn Yên tặng thưởng cho thí sinh đạt giải trong Hội thi.

YBĐT - Hội thi Bí thư chi bộ giỏi huyện Văn Yên (Yên Bái) năm 2014 là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng bộ, góp phần bồi dưỡng, nâng cao nhận thức lý luận, nghiệp vụ, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng ở cơ sở và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại đơn vị, địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục