Thân dân - nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh
- Cập nhật: Thứ ba, 1/12/2015 | 10:41:36 AM
YBĐT- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Thân dân là gần gũi với dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, Nhà nước "của dân, do dân và vì nhân dân”.
Nhà nước mưu toan cho dân an cư lạc nghiệp, chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân, biết dựa vào sức mạnh của dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, khi nhà nước phong kiến coi thân dân là “Thượng sách giữ nước”, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” thì quốc thái dân an, đất nước phát triển, lưu danh sử sách muôn đời để con cháu noi theo. Nếu các vương quan trong triều “vinh thân phì gia”, củng cố vương quyền, nhân dân sẽ mất hết quyền làm chủ của mình, đất nước sẽ lâm nguy, ngay cả ngai vàng vua chúa cũng có nguy cơ rơi vào tay giặc.
Tận mắt chứng kiến nhân dân lầm than, nước nhà loạn lạc dưới ách đô hộ của kẻ xâm lược, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành không chỉ kế thừa tư tưởng thân dân của ông cha mà còn phát triển lên một tầm cao mới. Với lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga.
“Dân” trong tư tưởng của Người là nhân dân, là quần chúng lao động, là tất cả, “trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng giúp đỡ”. Vì vậy, thân dân - gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân là một tư tưởng lớn, mang tính nhân văn cao cả, tính nhân dân sâu sắc của Người. Người nhiều lần căn dặn và khẳng định: “Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân; mọi quyền hành và lực lượng đều ở dân”, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Thấy rõ sức mạnh từ nhân dân nên trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Người kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Thân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, đau với nỗi đau của nhân dân, sống gần gũi nhân dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, hết lòng phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân. Yêu thương dân nên cả cuộc đời bảy chín mùa xuân tươi sáng của Người đã cống hiến trọn vẹn cho dân, cho nước. Hoài bão lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Tổ quốc được giải phóng, nhân dân được hạnh phúc.
Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Khi bàn đến mục tiêu chủ nghĩa xã hội, Người khẳng định: Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bất công, làm cho mọi người có công ăn việc làm được ấm no và sống muôn đời hạnh phúc. Quan điểm thân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự kết tinh đậm nét giá trị truyền thống văn hoá phương Đông, đặc biệt là tinh hoa văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam và được soi sáng bằng Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Thân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện rõ trong thực hành dân chủ. Người cho rằng, dân là chủ và dân làm chủ: “Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân”.
Người nhấn mạnh vai trò làm chủ của nhân dân đối với đất nước - người chủ của đất nước trên tất cả các lĩnh vực cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, thực hiện tốt dân chủ chính là tôn trọng con người, coi con người là giá trị cao nhất, đồng thời phải tạo ra những điều kiện cần thiết để dân có thể phát huy quyền làm chủ của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người đưa ra quan điểm lấy dân làm chủ mà còn là người đi tiên phong, tấm gương sáng trong quá trình thực hiện dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Người đã coi thực hành dân chủ là chìa khoá vạn năng để có thể giải quyết mọi khó khăn. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân, để cách mạng tiến lên. Người xác định cơ chế, biện pháp, nguyên tắc thực hiện dân chủ là điều kiện tiên quyết để thực hành đại đoàn kết toàn dân thành một khối thống nhất về ý chí và hành động.
Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn kế thừa và phát huy dân chủ, làm cho việc thực hành dân chủ được thể hiện và thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây chính là cơ sở, tiền đề để ý Đảng hợp lòng dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, giành thắng lợi này đến thắng lợi khác, thực hiện thành công mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
B.T
Các tin khác
YBĐT - Đảng bộ xã Đại Đồng hiện có 197 đảng viên, sinh hoạt tại 14 chi bộ trực thuộc, trong đó có 3 chi bộ trường học.
YBĐT - Thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư Trung ương (khóa X) về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Thành ủy Yên Bái đã tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên giai đoạn 2011 - 2015. Các cấp ủy cơ sở đã có nhiều cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
YBĐT - Bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020 với những kỳ vọng mới, Đảng bộ thành phố Yên Bái đã tích cực chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc tổ chức quán triệt sâu sắc, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, sớm để Nghị quyết Đại hội được “thấm sâu” và nhanh chóng đi vào cuộc sống.
YBĐT - Đảng bộ xã Đại Phác, huyện Văn Yên (Yên Bái) có 187 đảng viên, sinh hoạt ở 13 chi bộ. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng bộ xã đã có những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng.