“Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác”
- Cập nhật: Thứ bảy, 3/6/2017 | 8:37:12 AM
Đó là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về kỷ luật Đảng. Tư tưởng ấy đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị trong thực tiễn.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam. Suốt cả cuộc đời của mình, Bác luôn luôn kiên định quan điểm và lập trường xây dựng Đảng, rèn luyện Đảng trở thành một đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ đảng viên”. Người cho rằng, nếu kỷ luật của Đảng lỏng lẻo thì những kẻ cơ hội, những phần tử phản động dễ dàng chui vào hàng ngũ để phá hoại Đảng. Kỷ luật Đảng rõ ràng, chặt chẽ, nghiêm minh là điều kiện quan trọng bảo đảm cho Đảng thật sự là một khối đoàn kết, thống nhất trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh, thực hiện thắng lợi.
Kỷ luật của Đảng là kỷ luật dựa trên tình đồng chí, kỷ luật của những người cùng chung một lý tưởng, tự nguyện đứng trong hàng ngũ Đảng, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc. Mọi đảng viên và tổ chức đảng liên kết với nhau theo một kỷ luật chung dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, sự thống nhất chặt chẽ về chính trị, tư tưởng và tổ chức, được thể hiện tập trung trong các điều khoản của Điều lệ Đảng.
Kỷ luật đó xuất phát từ ý chí của toàn Đảng nhằm bảo đảm cho sự thống nhất, tập trung cao trong Đảng, đồng thời để phát huy dân chủ, phát huy tính tích cực và sáng tạo của toàn thể đảng viên và các tổ chức đảng. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Kỷ luật của Đảng là “kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên càng có công thì càng phải khiêm tốn, không được “tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật”. Người yêu cầu đảng viên chẳng những phải giữ gìn kỷ luật của Đảng mà còn “phải giữ gìn kỷ luật của chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân”; họ “tưởng là đảng viên thì muốn làm trời làm đất thì làm”. Các đảng viên, cán bộ đó “không biết kỷ luật của chính quyền, của đoàn thể, nhân dân và Đảng cũng là một”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với mọi đảng viên cộng sản, khi nào và ở đâu cũng phải chịu sự phân công, quản lý của tổ chức đảng, phải hành động theo phạm vi kỷ luật của tổ chức, phải báo cáo, phải chấp hành nghị quyết, chỉ thị một cách nghiêm túc, đúng đắn, sáng tạo. Đó là tính Đảng, không có ngoại lệ. Đây là điều cực kỳ quan trọng trong những bước ngoặt của cách mạng, khi những biến cố chính trị đang làm thay đổi tình hình một cách mau lẹ, khôn lường.
Người yêu cầu những đảng viên giữ vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu và nếu mắc sai phạm càng phải chịu kỷ luật nghiêm khắc, không được châm chước, bao che cho nhau. Trong bất kỳ trường hợp nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và bình đẳng về mặt công dân trước pháp luật.
Để bảo đảm kỷ luật được chặt chẽ, tự giác phải mở rộng, tăng cường dân chủ trong Đảng. Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc lịch sử và dành những lời căn dặn đầu tiên cho Đảng: “Trước hết nói về Đảng... Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Theo Người, tự phê bình và phê bình là phản ánh trung thực tinh thần dân chủ và sức chiến đấu của Đảng. Bởi vì: “... một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chân chính”.
Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên hằng ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình và khắc phục những yếu kém, khuyết điểm của mình. Thực hiện tự phê bình và phê bình chính là nội dung quan trọng được Đảng ta chỉ đạo thực hiện, là bước mở đầu cho cuộc tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Trong nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Một trong ba vấn đề cấp bách nhất được xác định trong nghị quyết là: “Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị...”. Đây có thể xem là một trong những nội dung cốt lõi nhất và cũng là vấn đề phức tạp nhất trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Qua những quyết định kỷ luật cán bộ của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong thời gian vừa qua cho thấy rõ sự nghiêm khắc của Đảng ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Rõ người, rõ trách nhiệm là kết quả của việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng ta. Trong điều kiện Đảng cầm quyền ở nước ta, biểu hiện cụ thể của nguyên tắc đó chính là nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Nhấn mạnh về nội dung này, người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các cuộc làm việc với các cấp ủy Đảng và trong các buổi tiếp xúc cử tri trong cả nước. Tại buổi họp báo sau khi bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư đã khẳng định với báo chí trong và ngoài nước: “Phát huy tính dân chủ nhưng mà đồng thời phải đề cao trách nhiệm của cá nhân, nếu không thì làm hay, làm tốt, có kết quả thì vơ vào là công lao của cá nhân mình, còn làm không tốt thì đổ tại tập thể, không quy được trách nhiệm, không thi hành kỷ luật được ai. Do đó, dân chủ và kỷ cương phải đi liền với nhau”.
Từ sự cố về môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, Ban Bí thư Trung ương Đảng xét nội dung, tính chất, mức độ vi phạm; căn cứ Quy định số 263-QĐ/TW và Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Ban Bí thư thống nhất 100% bằng phiếu kín, quyết định thi hành kỷ luật các tập thể, cá nhân có liên quan.
Hay từ vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bị khởi tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều tập thể, cá nhân lãnh đạo liên quan cũng đã bị kỷ luật với những hình thức khác nhau.
Dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ quyết định của Đảng thể hiện tính nghiêm minh, nghiêm trị, bên cạnh đó, cũng có nhiều cán bộ, đảng viên cảm thấy đau xót khi đồng chí mình bị kỷ luật. Bởi phải xem xét, xử lý kỷ luật một tổ chức hoặc cá nhân nào là việc làm không ai muốn, nhưng đó là việc làm cần thiết bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, tạo niềm tin, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói tại Hội nghị toàn quốc về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”.
Đây cũng là yêu cầu của Đảng ta trong mọi giai đoạn và trong hiện tại khi chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW . Với chuyên đề năm 2017 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” sẽ là đợt sinh hoạt chính trị nghiêm túc, nhằm kiên quyết khắc phục những yếu kém, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
(Theo dangcongsan.vn)
Các tin khác
YBĐT - Năm 2016, Huyện đoàn Lục Yên đã kết nạp mới 1.261 đoàn viên, đạt 105% chỉ tiêu kế hoạch, trong đó, bồi dưỡng hơn 200 ĐVTN cho tổ chức Đảng với 80% ĐVTN là người dân tộc.
YBĐT - Từ 11 chi, đảng bộ nay sắp xếp thành 9 chi, đảng bộ.
YBĐT - Thực hiện công tác phản biện xã hội, MTTQ tỉnh Yên Bái và các tổ chức chính trị - xã hội đã tiến hành phản biện xã hội theo quy định, trong đó, tập trung vào việc góp ý vào các dự thảo luật, pháp lệnh do các cơ quan chức năng chuẩn bị.
Ông Phạm Thế Duyệt: Vai trò của người đứng đầu, của cấp trên sẽ có tác động rất lớn đối với bên dưới, trên làm tốt sẽ là tấm gương cho dưới.