Do không tìm được công việc phù hợp ở gần nhà nên đảng viên Nguyễn Thùy Linh, 32 tuổi, thuộc Chi bộ 7, thị trấn Yên Bình phải đi làm ăn xa trong thời gian dài ngày, nên việc duy trì sinh hoạt hằng tháng đối với đảng viên Linh là không thể thực hiện được.
Trường hợp đảng viên Dương Văn Triệu, Chi bộ 13, thị trấn Yên Bình lại khác, đã bước sang tuổi 84, sức đã yếu nên ông Triệu theo con về thành phố để tiện chăm sóc thuốc thang và ông Triệu cũng không cắt khẩu, chuyển sinh hoạt đi vì muốn gắn bó với quê hương.
Căn cứ theo hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định hiện hành, đảng viên Nguyễn Thùy Linh và Dương Văn Triệu làm đơn báo cáo chi bộ Đảng. Tại kỳ sinh hoạt gần nhất, Chi bộ xin ý kiến biểu quyết; đồng thời, báo cáo Đảng ủy thị trấn và ra quyết định miễn sinh hoạt, thời hạn miễn là 12 tháng.
Đồng chí Phạm Ngọc Võ - Thủ trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ thành phố Yên Bái tâm sự: "Đại bộ phận các đồng chí đảng viên rất muốn gắn bó với địa phương, với tập thể, có ý thức trách nhiệm và tổ chức kỷ luật, lý tưởng chưa bao giờ phai nhạt. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, nên anh em buộc phải đi làm ăn xa; công việc thiếu ổn định, nơi làm việc không có tổ chức Đảng nên không thể chuyển sinh hoạt theo quy định”.
Thống kê cho thấy, trong tổng số 25 chi bộ của thị trấn Yên Bình hiện có 45 đảng viên đi làm ăn xa hoặc thường xuyên không có mặt tại địa phương. Đảng bộ thị trấn đã hướng dẫn các chi bộ miễn sinh hoạt cho các đảng viên đi làm ăn xa theo quy định.
Tại thành phố Yên Bái, từ đầu năm 2021 đến nay có 298 đảng viên đi làm ăn xa; số đảng viên đã thực hiện các thủ tục miễn sinh hoạt là 242 đồng chí. Như vậy, có thể thấy, số đảng viên không thường xuyên duy trì sinh hoạt trong toàn đảng bộ là khá lớn, ảnh hưởng đến công tác quản lý đảng viên cũng như xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của tổ chức cơ sở đảng.
Thực tế cho thấy ở đảng bộ các địa phương, đảng viên đi làm ăn xa chủ yếu là lao động tự do, việc làm không ổn định, không có địa chỉ về nơi ở cụ thể nên khó có xác nhận của chính quyền địa phương, tổ chức đảng nơi họ làm việc.
Nếu đảng viên đi làm ăn xa theo thời vụ, đến kỳ sinh hoạt họ vẫn về tham gia đầy đủ thì không phải làm đơn xin miễn sinh hoạt Đảng, nhưng như vậy việc theo dõi, giám sát đảng viên thực hiện nhiệm vụ cũng như xem xét, đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên sẽ thiếu khách quan và chính xác. Bên cạnh đó, đa số đảng viên đi làm ăn xa đang trong độ tuổi thanh niên, nên chi bộ thiếu đi cánh tay đắc lực đảm nhiệm công việc đòi hỏi sức trẻ.
Không thường xuyên có mặt tại địa phương, đồng nghĩa với việc không duy trì sinh hoạt Đảng thì sẽ được miễn theo quy định. Tuy nhiên, việc không tham gia sinh hoạt chi bộ trong thời gian dài, đảng viên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả tiếp thu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và gây khó khăn cho công tác giáo dục, quản lý và theo dõi việc đảng viên chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Một số cấp ủy cơ sở cũng thừa nhận, do bị ràng buộc bởi các mối quan hệ anh em, họ hàng, làng xóm nên việc xử lý các vi phạm, như: Không báo cáo, hoặc báo cáo miệng, "mất liên lạc” với chi bộ, chậm nộp đảng phí của đảng viên đi làm ăn xa, cũng chỉ dừng lại ở mức... "nhắc nhở”.
Đồng chí Phạm Xuân Sơn - Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Văn Yên cho biết: "Số đảng viên đi làm ăn xa trong toàn Đảng bộ không lớn. Nguyên nhân là bởi người lao động trên địa bàn có nhiều cơ hội tìm được việc làm ngay tại quê hương mình và đây cũng là yếu tố góp phần quan trọng để Đảng bộ luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển Đảng”.
Từ câu chuyện của huyện Văn Yên cho thấy, một trong những giải pháp căn cơ nhất nhằm hạn chế số đảng viên đi làm ăn xa chính là phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động để người nông dân có thể làm giàu ngay trên quê hương của mình. Tuy nhiên, việc đảng viên xa nhà, không duy trì sinh hoạt thường xuyên chắc chắn vẫn diễn ra.
Từ thực tiễn này, cấp ủy, chi bộ cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giữ mối liên hệ thường xuyên với đảng viên đi làm ăn xa; tuyên truyền, giáo dục để đồng chí mình giữ gìn phẩm chất đạo đức, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật, đề cao tinh thần gương mẫu tại nơi ở và nơi làm việc. Phải duy trì thường xuyên với tổ chức Đảng, đặc biệt là các đồng chí bí thư, phó bí thư chi bộ… mỗi khi trở về địa phương hoặc thông qua điện thoại và các ứng dụng như zalo, Facebook.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đang được triển khai mạnh trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, công tác Đảng là những ứng dụng như "Sổ tay đảng viên điện tử”, sinh hoạt chi bộ trực tuyến, chuyển tải, phát hành các văn bản của Đảng qua ứng dụng Internet, thành lập các nhóm Zalo… thực sự là cơ hội để cơ sở đảng thực hiện quản lý, giáo dục, đánh giá, phân xếp loại đảng viên.
Qua đó, người đảng viên cũng có cơ hội để liên hệ với tổ chức Đảng và tham gia đóng góp, xây dựng tổ chức Đảng nơi mình sinh hoạt mà không mất đi quyền lợi chính trị của mình.
Đồng thời, xử lý nghiêm những đảng viên đã phai nhạt lý tưởng, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, đi làm ăn xa nhưng không xin phép cấp ủy, chi bộ miễn sinh hoạt Đảng có thời hạn; không nộp đảng phí theo quy định...; dẫn đến, đảng viên mắc sai phạm theo tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21/1/2019 của Ban Bí thư về việc nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Lê Phiên