Đảm trách nhiều công việc trong thôn như cán bộ Hợp tác xã Nông nghiệp Thịnh Hưng, Trưởng ban công tác Mặt trận, rồi làm Bí thư Chi bộ, trưởng thôn nhưng ở cương vị nào bà Nguyễn Thị Nguyệt, ở thôn Hơn, xã Thịnh Hưng cũng đều làm tốt nhiệm vụ được giao, được nhân dân yêu quý.
Năm 2019, thôn Hơn và thôn Tân Thịnh sáp nhập đổi tên thành thôn Hơn, bà Nguyệt đảm trách vai trò Phó bí thư Chi bộ, Trưởng thôn. Địa bàn rộng, trải dài hơn 5 km, trên 200 hộ, người dân chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn thì trách nhiệm của những người như bà Nguyệt càng nặng nề. Đặc biệt năm 2022, thôn Hơn được chọn làm điểm xây dựng thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu của xã. Bà Nguyệt và Ban chi ủy xác định triển khai xây dựng NTM phải từ những tiêu chí khó khăn nhất như: thu nhập, môi trường và đường giao thông nông thôn.
Bà Nguyệt chia sẻ: "Để làm được điều đó, trước hết, tôi vận động bà con tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, phát triển kinh tế đồi rừng dựa theo điều kiện của từng hộ để nâng cao thu nhập. Nêu gương để bà con tin tưởng làm theo, gia đình tôi đã quy hoạch lại diện tích vườn, trồng các loại cây ăn quả, diện tích gò đồi, trồng cây lâm nghiệp, kết hợp với chăn nuôi gia cầm mỗi lứa trên 300 con, mạnh dạn nuôi ong mật. Mỗi năm tổng thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Thấy rõ hiệu quả từ mô hình kinh tế của gia đình bà Nguyệt, các hộ dân trong thôn tin tưởng làm theo. Ông Đỗ Khắc Cương cùng thôn Hơn cho biết: "Từ tấm gương tiêu biểu của bà Nguyệt, gia đình tôi cũng nỗ lực phát triển mô hình trồng rừng, nuôi ong lấy mật và làm dịch vụ cưới hỏi, cho tổng thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm”.
Trong việc vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để mở rộng các tuyến đường thôn, trên tinh thần phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”, bà Nguyệt cùng Ban chi ủy đã tổ chức họp để triển khai công việc. Đồng thời, bà cũng lấy ý kiến của các hộ về mức đóng góp, cách thức tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Các hộ thống nhất mức đóng góp 500.000 đồng/hộ để làm đường; 150.000 đồng/hộ để kéo điện thắp sáng đường làng; 150 ngàn đồng/hộ để xây dựng nhà văn hóa thôn.
Cùng với đó, nhân dân cũng tự nguyện tháo dỡ công trình trên đất ở, chặt bỏ cây cối, hoa màu, đóng góp ngày công để hiến đất mở rộng lòng, lề đường. Vì vậy, 5 km đường giao thông nông thôn của thôn Hơn đã hoàn thành, 100% đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa. Nhờ những nỗ lực của bà Nguyễn Thị Nguyệt, những người có uy tín trong thôn và sự đồng thuận cao của nhân dân, đời sống của bà con thôn Hơn không ngừng được nâng lên, bộ mặt NTM của thôn ngày càng khởi sắc, thôn Hơn đã đủ điều kiện trở thành thôn NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2023.
Cũng là một Bí thư Chi bộ luôn được "Đảng tín, dân tin”, bà Bùi Thị Lợi - Bí thư Chi bộ thôn Khe Gầy, xã Tân Hương cũng luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, tham gia xây dựng NTM, vệ sinh môi trường nông thôn. Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân thôn Khe Gầy đã đóng góp trên 500 triệu đồng, trên 400 ngày công lao động để bê tông hóa đường giao thông nông thôn và tu sửa nhà văn hóa thôn. Đã có 12 hộ dân hiến 1.000 m2 đất để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông.
Hiện tại, 100% đường ngõ xóm ở thôn Khe Gầy đã được cứng hóa; 80% tuyến đường trong thôn có điện thắp sáng đường quê. Thôn có nhà văn hóa với tổng diện tích 180 m2 và 2 sân chơi bóng chuyền hơi, 1 sân khấu có diện tích 120 m2 phục vụ sinh hoạt thể dục thể thao.
Cùng đó, Bí thư Chi bộ Bùi Thị Lợi vận động nhân dân xây dựng được các mô hình tổ tự quản về "Nhân khẩu, hộ khẩu”, "An ninh trật tự”. Qua đó, kịp thời ngăn ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và cảm hóa, giáo dục người sa ngã, lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư.
Với những nỗ lực, đóng góp của Bí thư Chi bộ Bùi Thị Lợi, năm 2022, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa” của thôn đạt 97%; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,7%... Bí thư Chi bộ Bùi Thị Lợi cho hay: "Công tác vận động quần chúng ở cơ sở muốn đạt hiệu quả cao, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến chính đáng của bà con, đúng như Bác Hồ đã căn dặn "Lấy dân làm gốc”.
Theo đồng chí Nguyễn Dũng Giang - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Bình, từ những bí thư chi bộ, trưởng thôn mẫn cán như bà Nguyệt, bà Lợi, đến nay, huyện Yên Bình có hàng trăm bí thư chi bộ, trưởng thôn đã và đang từng ngày đóng góp cho công tác xây dựng Đảng và thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Họ chính là những tấm gương sáng, là động lực lan tỏa tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, góp phần tích cực để Yên Bình về đích huyện nông thôn mới năm 2023 này.
Đảng bộ huyện Yên Bình hiện có 45 tổ chức cơ sở Đảng, 305 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và trên 6.600 đảng viên. Toàn huyện có 28/177 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; 144/177 bí thư chi bộ kiêm trưởng Ban Công tác mặt trận, 100% trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên.
|
Minh Huyền