Chi bộ là nền móng, là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (SHCB) là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn, là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ). Từ thực tế SHCB cơ sở ở Văn Chấn, nhiều kinh nghiệm hay giải pháp mạnh đã triển khai được nhân rộng.
Đảng bộ thị trấn Sơn Thịnh có 21 chi bộ, với 450 đảng viên. Đồng chí Bùi Thị Doan - Bí thư Đảng ủy thị trấn cho rằng: "Trước đây, sự "độc diễn” của bí thư chi bộ chính là điều gây nhàm chán cho đảng viên. Vì vậy, việc SHCB trở nên hình thức, gượng ép, không phát huy được năng lực, sở trường, trách nhiệm của đảng viên trong công tác xây dựng Đảng. Để nâng cao chất lượng SHCB phải đổi mới hình thức SHCB sao cho thực sự dân chủ, bàn bạc, thảo luận sôi nổi để phát huy được trí tuệ tập thể đề ra được nghị quyết sát thực tế, được cán bộ và người dân đồng tình, đảm bảo đúng các bước và yêu cầu theo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh”.
Sùng Đô là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức, sự hiểu biết cũng như đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Từ thực tiễn ấy, Đảng bộ xã Sùng Đô đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục để cấp ủy, đảng viên thấm nhuần chủ trương, đường lối của Đảng, nắm vững chính sách, pháp luật của Nhà nước, chú trọng công tác cán bộ, nâng cao chất lượng chi ủy viên, đảng viên, bởi có đảng viên tốt mới có chi bộ tốt. Xã giao chỉ tiêu kết nạp Đảng cho các thôn nhưng quan điểm là không chạy theo thành tích, hạ thấp chất lượng, không để đảng viên vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng, kỹ năng tổ chức SHCB cho bí thư chi bộ…
Từ thực tiễn sinh hoạt đảng tại các chi bộ, đồng chí Hoàng Quốc Hương - Bí thư Đảng ủy xã Sùng Đô nhấn mạnh: cần lựa chọn những đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực tham gia chi ủy chi bộ; trong đó, chú ý khả năng tổng hợp, tóm tắt ý kiến phát biểu của đảng viên, biết kết luận những nội dung thảo luận trong chi bộ; có năng lực điều hành cuộc sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng và các hướng dẫn của cấp trên.
Sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy cấp trên về việc thực hiện đúng quy trình sinh hoạt Đảng theo Hướng dẫn số 12 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề nâng cao chất lượng SHCB; giúp cho đồng chí bí thư chi bộ nâng cao trình độ hiểu biết, năng lực điều hành trong sinh hoạt đảng thường kỳ, tránh dập khuôn hoặc theo ý cá nhân, tạo tinh thần đổi mới dân chủ trong mỗi kỳ sinh hoạt đảng, nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị; từ đó, các đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng và quy chế hoạt động của chi bộ.
Việc bố trí thời gian SHCB cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Đảng viên ở các khu dân cư, thôn vùng thấp, vùng cao có sự khác biệt về lao động sản xuất, đa dạng về thành phần và nhiều độ tuổi khác nhau nên việc bố trí thời gian để tổ chức SHCB cho phù hợp và hiệu quả là một nội dung quan trọng mà cấp ủy đảng cần quan tâm. Chi ủy căn cứ vào tình hình thực tế để bố trí thời gian tổ chức SHCB bảo đảm tỷ lệ đảng viên dự SHCB ở mức cao nhất. Đặc biệt, năng lực, sức chiến đấu của những chi bộ cơ sở mới là nền tảng để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Để khuyến khích các chi bộ đổi mới và nâng cao chất lượng SHCB, Đảng bộ huyện Văn Chấn có định hướng cụ thể, linh hoạt về thời gian tổ chức SHCB. Nhiều chi bộ từ 9 - 10 giờ tối mới tổ chức SHCB do công việc nương rẫy nên các đảng viên về muộn, khoảng cách địa lý, giao thông đi lại khó khăn. Theo lãnh đạo Huyện ủy Văn Chấn, công tác kiểm tra, giám sát cũng đóng một vai trò quan trọng nâng cao chất lượng của chi bộ.
Hằng năm, Đảng bộ quan tâm, chú trọng chỉ đạo Đảng ủy, UBKT Đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra các chi bộ về việc thực hiện các quy định, hướng dẫn của cấp trên về nâng cao chất lượng SHCB; tổ chức giám sát việc thực hiện Điều lệ Đảng, chế độ sinh hoạt Đảng đối với đảng viên. Thông qua kiểm tra, giám sát, có kết luận và chỉ đạo chi bộ kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện chế độ và chất lượng sinh hoạt đảng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đối với chi ủy viên và bí thư chi bộ.
Đồng chí Hoàng Việt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Chấn cho biết: "Qua dự sinh hoạt ở các chi bộ cơ sở, các đảng viên rất tích cực trong việc nêu ý kiến, phê bình và tự phê bình. Đơn cử như việc phân công 2 - 3 đồng chí đảng viên phụ trách giúp đỡ một nhóm hộ thoát nghèo, nếu đồng chí đảng viên nào thiếu trách nhiệm, không có những hành động cụ thể thăm hỏi, giúp đỡ cũng sẽ thẳng thắn tự phê bình. Việc thực hiện nhiệm vụ của chi bộ đặt ra đối với mỗi đảng viên phụ trách giúp đỡ hộ nghèo có hiệu quả hay không thể hiện rõ sau đó từ 3 - 6 tháng. Khi thăm lại các hộ nghèo chúng thôi thấy có sự thay đổi rõ nét như: nền nhà được cứng hóa, gà, lợn có nhiều hơn trước, có thêm vườn rau, nhà chuẩn bị sửa đã có thêm gỗ… Điều đó cho thấy, những vấn đề đưa ra bàn bạc, thảo luận ở chi bộ đã từng bước đi vào cuộc sống và chuyển biến theo chiều hướng tích cực, chứ không phải bàn xong rồi để đó”.
Kinh nghiệm của Văn Chấn trong việc nâng cao chất lượng SHCB chính là cần có sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng SHCB. Đi liền với đó là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, sự cần thiết và cấp thiết của công tác đổi mới, nâng cao chất lượng SHCB ở mỗi TCCSĐ.
Xác định rõ công tác cán bộ là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt nên càng phải chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, bồi dưỡng kỹ năng để mỗi đồng chí bí thư chi bộ thực sự là người "nhạc trưởng” dẫn dắt mỗi kỳ SHCB. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tập huấn như tổ chức các cuộc thi bí thư chi bộ, báo cáo viên giỏi để nâng cao khả năng, trình độ của người đứng đầu chi bộ.
Ngoài việc bảo đảm quy trình, nội dung SHCB theo quy định và hướng dẫn, các chi bộ cần phải tăng cường sinh hoạt chuyên đề, lựa chọn được những vấn đề sát với thực tế cuộc sống, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, những vấn đề được người dân và dư luận xã hội quan tâm để tập trung bàn thảo, đưa ra giải pháp tháo gỡ, ban hành được những nghị quyết có chất lượng, mang tính khả thi cao.
Cùng đó, trong SHCB phải luôn nêu cao nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo không khí cởi mở, đoàn kết, thống nhất, gắn bó, tập hợp được trí tuệ của tập thể, sự đóng góp, hiến kế của mỗi cán bộ, đảng viên, tranh thủ được ý kiến, kinh nghiệm của các đồng chí đảng viên lão thành, kể cả kinh nghiệm của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ để làm giàu thêm kiến thức, kinh nghiệm, phục vụ cho các hoạt động chung và công tác lãnh, chỉ đạo của chi bộ những "tế bào” quan trọng tạo nền móng vững chắc cho tổ chức đảng cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu.
Anh Dũng