Nêu cao trách nhiệm của đảng viên đương chức ở nơi cư trú
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/11/2007 | 12:00:00 AM
YBĐT - Việc quy định đảng viên đương chức về tham gia hoạt động ở nơi cư trú nhằm tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, khắc phục biểu hiện quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm trong công việc của dân nơi cư trú.
Ngày 15/6/2000, Bộ Chính Trị Trung ương Đảng, khoá VIII đã ban hành Quy định số 76-QĐ/TW về việc đảng viên công tác ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi uỷ, Đảng uỷ cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Yên Bái cũng đã ban hành Hướng dẫn số 06, ngày 1/11/2002 về việc giới thiệu, quản lý đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp uỷ nơi cư trú.
Đảng viên đương chức là những người trực tiếp tham mưu giúp tỉnh xây dựng chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây cũng là lực lượng đông đảo, có trí tuệ, nếu phối hợp, huy động tốt sẽ đóng góp nhiều kinh nghiệm, giúp cho công tác của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể ở địa phương đạt hiệu quả cao, nhất là ở thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ (đảng viên đương chức về tham gia hoạt động ở nơi cư trú trên địa bàn thành phố Yên bái hiện nay có trên 5.440 đảng viên, gấp 1,56 lần số đảng viên của 7 phường).
Thông qua hoạt động ở địa phương, đảng viên đương chức sẽ nắm bắt được tình hình thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phản ánh với tỉnh, để tỉnh kịp thời có chủ trương, giải pháp khắc phục thiếu sót, tồn tại, cũng như xử lý những vấn đề mới nảy sinh. Mặt khác, đảng viên đương chức giúp cho chi bộ, dân phố hiểu rõ thêm đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Sau 5 năm thực hiện Quy định 76 của BCT và Hướng dẫn số 06, đảng viên đương chức về tham gia hoạt động ở địa phương đã giữ mối liên hệ khá chặt chẽ với cấp uỷ cơ sở; tham gia vào các hoạt động ở địa phương, như vận động gia đình thực hiện tốt đường lối, chính sách, tham gia nhiều hơn các buổi họp tổ dân phố, hoạt động từ thiện, định kỳ nghe cấp uỷ cơ sở thông báo tình hình địa phương…
Tuy nhiên, đối chiếu với Quy định 76 và Hướng dẫn 06 cũng còn nhiều mặt chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Cấp uỷ cơ sở và ban liên lạc lúng túng về phương thức và cơ chế hoạt động. Một trong những nội dung quan trọng nhất của Quy định và Hướng dẫn là thông qua hoạt động cấp uỷ cơ sở và đảng viên đương chức trao đổi về những nhiệm vụ trọng tâm ở địa phương, như xoá đói giảm nghèo, chống tệ nạn xã hội,xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở… ít được bàn bạc.
Vì vậy, nội dung sinh hoạt giữa cấp uỷ và đảng viên đương chức nghèo nàn; từ định kỳ hàng quý sinh hoạt, sau thành nửa năm, rồi một năm họp một lần; cá biệt một số chi uỷ và đảng viên đương chức không họp được. Một số Đảng uỷ phường chưa thường xuyên nhắc nhở và kiểm tra các chi uỷ họp với các đảng viên đương chức về hoạt động ở nơi cư trú.
Theo quy định hàng năm đảng viên đương chức phải lấy nhận xét của chi uỷ nơi cư trú về việc thực hiện nghĩa vụ công dân, nhưng nhiều nơi không thực hiện và chi uỷ nơi đảng viên công tác cũng chưa quan tâm đến vấn đề này, nên việc quản lý, giám sát đảng viên mới thực hiện được ở nơi công tác. Từ đó cho thấy việc tổ chức thực hiện Quy định 76 và Hướng dẫn 06 hiệu quả thấp, còn mang tính hình thức.
Để thực hiện có hiệu quả Quy định 76 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 06 của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, cần thực hiện tốt một số nội dung:
Cần xác định thực hiện giới thiệu, quản lý đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp uỷ nơi cư trú là việc làm cần thiết, tuy nhiên cần nghiên cứu bổ sung cho phù hợp và có những quy định trách nhiệm cụ thể đối với cấp uỷ nơi đảng viên cư trú, cũng như nơi công tác và với đảng viên đương chức. Khi sinh hoạt, cấp uỷ cơ sở cần thông báo tình hình và chủ trương phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, những vấn đề khó khăn mà cơ sở đang tập trung giải quyết… để đảng viên đương chức góp ý kiến và biện pháp giải quyết để địa phương thực hiện được mục tiêu đề ra.
Đảng viên đương chức phải xác định tham gia đóng góp với cơ sở là trách nhiệm; đồng thời cấp uỷ nơi cư trú cần thiện chí tiếp thu để chọn lọc những ý kiến thiết thực, phù hợp khi vận dụng vào địa phương.
Các chi bộ khi triển khai học tập nghị quyết cần thiết có thể mời đảng viên đương chức am hiểu vấn đề giúp truyền đạt. Đảng viên đương chức cần tích cực tham gia họp và sinh hoạt tổ dân phố, đóng góp ý kiến cũng như giúp giải đáp các thắc mắc khi tổ dân phố học tập các quy định và chính sách mới.
Hàng năm, Đảng uỷ phường cần họp với các ban liên lạc để hai bên trao đổi công tác, tranh thủ sự đóng góp, tham mưu của các đảng viên đương chức về sự phát triển của địa phương. Hết năm công tác, đảng viên đương chức phải lấy ý kiến nhận xét về thực hiện nghĩa vụ công dân của cấp uỷ nơi cư trú và trong kiểm điểm năm công tác phải báo cáo chi bộ nơi công tác biết nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú.
Đối với đảng viên có vấn đề ở nơi cư trú, thì cấp uỷ nơi đảng viên công tác phải gặp gỡ, trao đổi với cấp uỷ nơi đảng viên cư trú để tìm hiểu rõ và có kết luận khách quan, có như vậy việc quản lý, giám sát đảng viên mới chặt chẽ.
Bảo Vân
Các tin khác
YBĐT - Đảng bộ hiện có 76 đảng viên sinh hoạt tại 9 chi bộ. Sau Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 19 nhiệm kỳ 2006-2010, Tân Phượng đã tập trung xây dựng Đảng, chú trọng công tác giáo dục chính trị cho đảng viên, từ đó củng cố chính quyền, đoàn thể.
YBĐT - Pá Lau – một trong những xã diện đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái với 100% là đồng bào Mông, trình độ dân trí thấp, nền kinh tế thuần nông còn mang nặng tính tự túc tự cấp do vậy tỷ lệ đói nghèo tính đến năm 2002 chiếm tới 80%.
YBĐT - Được thành lập từ tháng 7 năm 2005, đến nay, Đảng bộ xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 36 đảng viên sinh hoạt ở 5 chi bộ, chi bộ nhiều nhất có 12 đảng viên, chi bộ ít nhất có 5 đảng viên. Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ xã Pá Hu luôn quyết tâm hoàn thành vai trò xây dựng, củng cố chính quyền đồng thời lãnh đạo các hoạt động kinh tế xã hội ở địa phương.
YBĐT - Đảng bộ Trại tạm giam Công an tỉnh có 36 đảng viên, sinh hoạt ở 3 chi bộ, gồm: chi bộ quản chế, chi bộ hậu cần và chi bộ cảnh sát bảo vệ.