Yên Bái: Phát triển đảng viên và chi bộ thôn, bản
- Cập nhật: Thứ năm, 20/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tỉnh Yên Bái nhiều năm qua đã xác định phát triển đảng viên, xóa thôn bản "trắng" (thôn, bản chưa có đảng viên) và phát triển chi bộ thôn bản là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ. Do đó, những năm qua công tác phát triển đảng viên được các cấp ủy Đảng quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ và đã đạt được kết quả toàn diện, góp phần xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Đến tháng 6/2004, tất cả các thôn, bản đều có đảng viên lãnh đạo và về trước một năm rưỡi so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XV nhiệm kỳ 2000 – 2005 đề ra. Phát huy kết quả đã đạt được, đến Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI nhiệm kỳ 2005 – 2010 tiếp tục xác định: “Hàng năm kết nạp được 1500 đảng viên trở lên” và “phấn đấu các thôn, bản đều có chi bộ”.
Sau hai năm (2006 – 2007) thực hiện nghị quyết đại hội, công tác phát triển đảng viên và phát triển chi bộ thôn, bản có bước phát triển mới và đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng. Tổng số đảng viên kết nạp là 3.684 đồng chí, cơ cấu đảng viên tiếp tục chuyển biến tốt: phụ nữ 1539 đồng chí, chiếm 41,78% dân tộc ít người 1462 đồng chí, chiếm 39,69%; là đoàn viên thanh niên 2092 đồng chí, chiếm 56,79%; là nông dân 1510 đồng chí, chiếm 40,99%; tuổi bình quân 30,07 tuổi. Trình độ học vấn trung học phổ thông 2837 đồng chí, chiếm 77,01%; trung học cơ sở 737 đồng chí, chiếm 20,01%; tiểu học 110 đồng chí, chiếm 2,98%. Trình độ chuyên môn gồm: thạc sỹ, đai học, cao đẳng 1150 đồng chí, chiếm 31,22%; trung học chuyên nghiệp 778 đồng chí, chiếm 21,19%; công nhân kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ 175 đồng chí, chiếm 4,75%...
Do làm tốt công tác phát triển đảng viên và tích cực xây dựng chi bộ thôn bản, 2 năm qua Đảng bộ tỉnh đã chia, tách, thành lập mới được 398 chi bộ thôn bản, nâng tổng số thôn bản có chi bộ riêng lên 1412 chi bộ, chiếm 86,10% tổng số thôn bản toàn tỉnh. Toàn tỉnh chỉ còn 228 thôn, bản chưa có chi bộ riêng, với 1118 đảng viên sinh hoạt ở 106 chi bộ liên thôn, bản.
Kết quả phát triển đảng viên và phát triển chi bộ thôn, bản cho thấy, cấp ủy các cấp đã xác định nhiệm vụ phát triển đảng viên và phát triển củng cố chi bộ thôn, bản là nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng trước mắt và lâu dài. Cấp ủy các cấp đã chỉ đạo chặt chẽ việc khảo sát, xây dựng kế hoạch tạo nguồn và phát triển đảng viên; chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nên đã lựa chọn được nhiều quần chúng ưu tú trong các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, giới thiệu với tổ chức Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Phát triển đảng viên và phát triển chi bộ thôn bản đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, đúng nguyên tắc, thủ tục theo quy định của Điều lệ Đảng.
Phát triển đảng viên ở Đảng bộ xã đã tạo cơ sở và điều kiện để thành lập chi bộ thôn bản. Xây dựng và phát triển chi bộ thôn bản đã tạo điều kiện để đảng viên tham gia sinh hoạt được tốt hơn và góp phần tích cực vào việc rèn luyện, sàng lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên ở cơ sở xã, nhất là xây dựng đội ngũ chi ủy và bí thư chi bộ thôn bản ngày càng vững mạnh.
Đồng thời, khắc phục có hiệu quả tình trạng cán bộ, đảng viên quan liêu, xa thôn, bản, xa dân, thiếu trách nhiệm với công việc của dân. Do đó, đã phát huy được tính tiền phong gương mẫu của cấp ủy, đảng viên, vai trò lãnh đạo của chi bộ trong việc phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội ngay từ thôn bản và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng cường lòng tin của quần chúng với Đảng. Thông qua kết quả phát triển đảng viên và phát triển chi bộ thôn, bản từ năm 2006 đến nay có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu trong công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy các cấp:
Một là: Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị tư tưởng làm cho đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng ta và nghị quyết đại hội Đảng các cấp thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân. Quần chúng nhận thức sâu sắc về Đảng, về tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, có động cơ vào Đảng đúng đắn, tự nguyện thiết tha phấn đấu vào Đảng. Đồng thời, phải nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh để phát động được nhiều phong trào thi đua yêu nước, qua đó lựa chọn được nhiều quần chúng ưu tú giới thiệu với tổ chức Đảng xem xét bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.
Hai là: Cấp ủy các cấp phải chỉ đạo chặt chẽ việc phát triển, xây dựng, củng cố chi bộ thôn bản, vì đây chính là yếu tố rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thắng lợi mọi quyết sách ở cơ sở xã; nâng cao trình độ năng lực của cán bộ, đảng viên và chất lượng hoạt động của ban mặt trận, các chi hội, chi đoàn; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội ngay từ thôn bản và tăng cường lòng tin của quần chúng với Đảng.
Ba là: Các cơ quan tham mưu của cấp ủy phải phối hợp chặt chẽ để làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy trong việc hướng dẫn, kiểm tra và chỉ đạo thực hiện ở cơ sở; sơ kết rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương nơi làm tốt, uốn nắn nơi làm chưa tốt đảm bảo cho việc thực hiện thống nhất và nề nếp.
Phan Văn Nghị
Các tin khác
YBĐT - Tuy giáp với thị trấn huyện Trạm Tấu, nhưng vì là một xã có đông đồng bào Mông sinh sống nên trình độ dân trí ở xã Bản Công huyện Trạm Tấu (Yên Bái) không đồng đều, dân cư ở không tập trung, tập quán canh tác lạc hậu.
YBĐT - Cách đây chưa lâu, Đảng bộ xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình (Yên Bái) còn thôn bản trắng chưa có chi bộ. Nguyên nhân thì có nhiều, song cái khó của Ngọc Chấn là trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của 531 hộ dân trong xã còn nhiều khó khăn, vì vậy đã ảnh hưởng ít nhiều đến công tác xây dựng Đảng…
YBĐT - Điện lực Yên Bái là một doanh nghiệp làm nhiệm vụ cung ứng và kinh doanh điện năng trên địa bàn một tỉnh miền núi chiều dài hơn 200km, địa hình hiểm trở bị chia cắt bởi nhiều sông suối, giao thông đi lại rất khó khăn.
YBĐT - Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, đã được Đảng bộ tỉnh Yên Bái quán triệt sâu và triển khai rộng ở cơ sở.