Yên Bái xây dựng hệ thống chính trị cơ sở
- Cập nhật: Thứ tư, 13/2/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, đã được Đảng bộ tỉnh Yên Bái quán triệt sâu và triển khai rộng ở cơ sở.
Trong đó, yêu cầu cấp ủy Đảng cơ sở trong điều hành, lãnh đạo phải theo quy chế, chương trình, kế hoạch; đề cao tính chủ động, quyết đoán, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp. Bước đầu, Yên Bái đạt được một số kết quả quan trọng: giữ được ổn định an ninh chính trị; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức hai con số; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,16% kiện toàn tổ chức Đảng cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Một thực tế đặt ra cho Yên Bái là có nơi xảy ra tình trạng chính quyền cơ sở yếu; cá biệt có xã để tình trạng mất đoàn kết nội bộ, để tệ nạn xã hội tăng nhưng không dám đấu tranh; việc quản lý các tiểu dự án theo phân cấp còn thiếu kinh nghiệm, dẫn tới sai phạm trong quản lý kinh tế... Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh đã xác định cán bộ là gốc của công việc. Cùng với hoàn thành quy hoạch cán bộ A1 nhiệm kỳ 2010 – 1015; ban hành quy chế về phân cấp quản lý cán bộ; các khâu trong công tác cán bộ như đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ đã có chuyển biến rõ nét.
Với việc triển khai 8 lớp của Đề án “Bồi dưỡng cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006 – 2008”, toàn tỉnh đã bồi dưỡng được 344 đồng chí bí thư, phó bí thư Đảng ủy cấp xã. Nội dung bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt cấp cơ sở bao gồm: nội dung cơ bản Nghị quyết Đại hội X của Đảng; Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh; quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực của chính quyền cấp xã; các chính sách xã hội; công tác vận động quần chúng; công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Nét mới là Yên Bái tổ chức 8 đoàn học viên đi tham quan nghiên cứu thực tế mô hình kinh tế, các vùng chuyên canh lớn, khu sản xuất chế biến công nghiệp nhà nước tại một số địa phương thuộc tỉnh Vân Nam. Qua đó, tạo cách nhìn mới về mô hình CNXH, cách thức quản lý xã hội và kinh nghiệm chuyển hướng cho kinh tế miền núi.
Đồng chí Bàn Kim Thanh – Bí thư Đảng ủy xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn sau khi được bồi dưỡng và đi thực tế về cho biết: “Mô hình quản lý cấp xã của địa phương bạn hợp lý; việc bố trí dân cư, khu canh tác, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật của người dân tốt. Đặc biệt, việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của bạn, đáng để chúng tôi học tập và áp dụng vào thực tế như xã vùng cao của huyện Văn Chấn chúng tôi”.
Chuyển biến rõ nét ở xã đặc biệt khó khăn Nậm Mười là đến nay cả 8 bản người dân tộc Dao có đường xe máy; cây chè Shan, cây quế đã có sản phẩm chế biến trên thị trường với giá cao; 100% số hộ được tiếp cận với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo năm 2000 là 85%, nay giảm còn 55%; cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trạm xá, công trình nước sạch sinh hoạt, trường THCS... được xây kiên cố và đưa vào sử dụng hiệu quả. Nhìn vào đội ngũ cán bộ trẻ người dân tộc Dao ở xã được đào tạo khá bài bản, tỷ lệ trẻ đến trường cao (có 180 em ở xã trung tâm được theo học bán trú) chắc chắn sẽ tạo nguồn nhân lực quý cho vùng cao phát triển.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hoạt chi bộ, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh là nội dung được Yên Bái thực hiện tốt. Sau khi triển khai Chỉ thị 10 của Ban Bí thư T.Ư, chất lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ sở đã chuyển biến, chấm dứt tình trạng sinh hoạt không định kỳ, nội dung sinh hoạt sát với hướng dẫn của tỉnh, huyện, sát nhiệm vụ của từng thôn, bản không lan man sang nội dung thông báo thời sự và đàm luận những vấn đề khác. Mọi chi bộ đều được Đảng ủy cấp trên cấp phát sổ ghi biên bản theo mẫu thống nhất và có đóng dấu giáp lai để dùng cho cả nhiệm kỳ; các đảng viên khi tham gia sinh hoạt đã có sổ ghi chép không còn tình trạng “nhập tâm” như trước. Khi cùng dự tham gia sinh hoạt ở chi bộ Trống Tông xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải), mọi đảng viên mộc mạc trao đổi bàn luận trọng tâm ba vấn đề đang nảy sinh ở bản vùng cao đặc biệt khó khăn là: tình trạng buôn bán trái phép thuốc phiện, thả rông gia súc và tình trạng học sinh bỏ học.
Đồng chí bí thư chi bộ đã kết luận rõ nét: phân công hai đảng viên cùng công an viên nắm chắc địa bàn, phát hiện người lạ mặt đến bản và bí mật theo dõi việc thuốc phiện xâm nhập trái phép vào bản, báo cho công an bắt giữ quả tang. Đối với học sinh bỏ học, qua thảo luận của đảng viên trong chi bộ là do đói phải lên nương giúp bố mẹ; chi bộ phân công đảng viên lên tận nương vận động gia đình và học sinh trở lại học. Đồng thời, yêu cầu các thầy cô giáo cùng bà con trong bản góp 8 kg gạo/tháng để các em có gạo ăn trong thời gian đi học. Riêng đối với việc thả rông gia súc, là tập tục lâu đời của người Mông, chi bộ yêu cầu từng đảng viên phải mẫu mực làm chuồng nuôi nhốt lợn trước, nếu tháng sau họp chi bộ mà còn đảng viên nào không thực hiện sẽ bị phê bình. Như vậy, chỉ qua một buổi sinh hoạt thường kỳ tại một chi bộ vùng cao đã thấy chất lượng thực chất ở cơ sở đã chuyển biến, tạo ra hiệu quả rõ nét cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở từng thôn, bản và góp phần ổn định an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc ít người.
Xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động và chế độ làm việc ở cấp cơ sở; tạo sự chuyển biến trong nhận thức của từng đảng viên về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở là trách nhiệm của từng người, trong từng lĩnh vực được phân công. Hiện tại, Yên Bái có Quyết định 636 ngày 25-12-2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành quy định phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ; là cơ sở để sắp xếp tổ chức, bộ máy, cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả; lấy việc để bố trí cán bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa Yên Bái thoát khỏi tỉnh nghèo vào năm 2010. Bằng nhiều cách làm có chọn lựa, phù hợp với điều kiện thực tế của một tỉnh miền núi, đưa các tổ chức quần chúng hoạt động hiệu quả hơn, sẽ tạo đà cho Đảng bộ tỉnh Yên Bái có bước khởi sắc trong năm Mậu Tý 2008.
Thanh Sơn
Các tin khác
YBĐT - Đã 12 năm liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, năm 2007 được đề nghị Huyện ủy Yên Bình công nhận là Đảng bộ vững mạnh toàn diện 3 năm (2004-2007).
YBĐT - Năm 2008, Đảng bộ huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái tiếp tục tổ chức mở các lớp học tập lý luận chính trị; phấn đấu kết nạp 200 đảng viên mới.
YBĐT - Văn Chấn (Yên Bái)là huyện có diện tích rộng, có 18 xã vùng cao, trong đó 10 xã đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhất là ở các xã vùng cao, vùng dân tộc ít người. Căn cứ vào tình hình địa phương, trên cơ sở tham mưu của cơ quan quân sự huyện, Huyện uỷ Văn Chấn ra chỉ thị lãnh đạo nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, trong đó xác định rõ nội dung, nhiệm vụ cơ bản của công tác xây dựng cơ sở chính trị địa bàn, đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cơ sở.
YBĐT - Xây dựng và phát triển chi bộ thôn, bản gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở xã, nhất là đội ngũ chi ủy, bí thư chi bộ thôn bản vững mạnh, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng giai đoạn hiện nay ở tỉnh Yên Bái.