Đảng bộ Sở Giáo dục - đào tạo Yên Bái: Lãnh đạo nâng cao chất lượng giáo dục
- Cập nhật: Thứ hai, 7/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Với 85 đảng viên, sinh hoạt ở 7 chi bộ, nhiều năm qua Đảng bộ Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Yên Bái luôn là một tập thể đoàn kết, phát huy dân chủ, chủ động sáng tạo trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành.
Xác định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đảng bộ đã xây dựng chương trình kế hoạch, không ngừng mở rộng hệ thống mạng lưới trường lớp, quy mô giáo dục, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân.
Năm học 2007 - 2008, toàn tỉnh có 580 trường, 6.963 lớp với trên 193.000 học sinh, học viên từ bậc học mầm non đến cao đẳng, đại học. Riêng giáo dục mầm non đã có trường ở 145 xã, đạt 80,56%; còn lại các xã đặc biệt khó khăn đều có lớp mầm non gắn với trường tiểu học. Gần đây, số lượng học sinh các cấp bỏ học bởi học lực yếu kém, không được lên lớp và một vài nguyên nhân khách quan. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Đảng bộ và lãnh đạo ngành kịp thời bàn bạc, tìm ra giải pháp nhằm vận động các em trở lại trường, duy trì số lượng.
Cùng với mở rộng quy mô, ngành cũng tập trung chỉ đạo đổi mới giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. đối với giáo dục mầm non thực hiện tốt các chuyên đề theo chỉ đạo của Bộ GD - ĐT, hàng năm tỷ lệ cháu suy dinh dưỡng ở các trường giảm từ 2,5 - 5,4%.
Giáo dục phổ thông tổ chức tốt việc thay sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 9, lớp 10 và lớp 11. Quá trình triển khai dạy học được gắn với thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác quản lý trong nhà trường. Chính vì vậy khi triển khai dạy học phân ban đại trà với lớp 10 và lớp 11, dù còn gặp nhiều khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác nhưng hoạt động dạy và học ở các nhà trường ổn định, học sinh nắm được chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình mới. đội ngũ các thầy, cô giáo cũng bảo đảm về số lượng, tỷ lệ đạt chuẩn trên 90% và có 24% giáo viên các ngành học đạt trên chuẩn.
Trong năm học, Công đoàn ngành phối hợp với chuyên môn và tổ chức đoàn thể trong các nhà trường phát động tiếp tục phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt", lồng ghép với cuộc vận động "Dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm". Thế nên quy chế dân chủ trong trường học được thực hiện tốt hơn, chất lượng đào tạo cũng được củng cố.
Từ năm 1997, tỉnh Yên Bái được công nhận đạt chuẩn quốc gia Chống mù chữ - Phổ cập giáo dục tiểu học. Đến nay tiếp tục thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng CMC - PCGDTH, thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh. Hết tháng 12 năm 2007, đã có 136 xã, 3 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 172 xã và 9/9 đơn vị đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở.
Công tác xã hội hoá giáo dục luôn được ngành triển khai nghiêm túc theo Đề án của tỉnh về "Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và dạy nghề tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010". Theo đó, có gần 50 cơ sở giáo dục, trường học công lập và dân lập được giao quyền tự chủ, chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Để tiến tới xây dựng một xã hội học tập, ngành đã tích cực xây dựng mô hình trung tâm học tập cộng đồng. Số lượng trung tâm học tập cộng đồng toàn tỉnh là 158/180 xã, phường, thị trấn, kể cả một số xã vùng cao.
Là tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc quan tâm phát triển giáo dục vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đặc biệt phải chú trọng. Trong những năm qua, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú dân nuôi luôn được duy trì, ổn định. Số lượng học sinh dân tộc thiểu số đến trường ngày càng đông và tỉnh còn có chế độ hỗ trợ học bổng cho học sinh trung học phổ thông người Mông tại 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Đồng thời, duy trì phân hiệu 2 của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đặt tại Trường Trung cấp sư phạm cho học sinh các dân tộc 4 huyện phía Tây có điều kiện theo học.
Gần đây, vấn đề chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đang đặt ra cho toàn ngành trách nhiệm nặng nề. Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ Sở GD - ĐT, lãnh đạo ngành kịp thời thành lập Ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch triển khai cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".
Ngành cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, học tập trong giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh cùng các tổ chức, đoàn thể xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm đầu tiên thực hiện đã khẳng định tác động tích cực của cuộc vận động đối với nâng cao chất lượng giáo dục và chống tiêu cực xã hội. Và năm học này, ngành còn đẩy mạnh thực hiện "4 không" gắn với cuộc vận động lớn "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Sự nghiệp trồng người đang đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ Sở Giáo dục - Đào tạo, cơ quan tham mưu cho ngành, phải cố gắng hết mình, phát huy năng lực trí tuệ để đóng góp nhiều nhất cho thành công của giáo dục, đào tạo Yên Bái.
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng được Đảng bộ xã Phúc An, huyện Yên Bình (Yên Bái) đặt lên hàng đầu, Đảng bộ chú trọng tổ chức cho cán bộ, đảng viên, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc thi “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái”; tìm hiểu về “Truyền thống xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ huyện Yên Bình”...; tổ chức bước 3 thực hiện khảo sát tình hình nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và triển khai một số nội dung học tập khác đạt chất lượng cao.
YBĐT - Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3 và Tháng Thanh niên năm 2008, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã mở lớp đối tượng phát triển Đảng cho 125 quần chúng ưu tú ở 28 cơ sở Đảng, trong đó đoàn viên thanh niên là 73 đồng chí.
YBĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI nhiệm kỳ 2005 – 2010 đã chỉ rõ: “Hàng năm kết nạp được 1.500 đảng viên trở lên”. Thực hiện nghị quyết, cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên mới.
YBĐT - Tỉnh Yên Bái nhiều năm qua đã xác định phát triển đảng viên, xóa thôn bản "trắng" (thôn, bản chưa có đảng viên) và phát triển chi bộ thôn bản là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ. Do đó, những năm qua công tác phát triển đảng viên được các cấp ủy Đảng quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ và đã đạt được kết quả toàn diện, góp phần xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.