Phát triển Đảng ở Sùng Đô
- Cập nhật: Thứ năm, 5/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sùng Đô là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái). Nơi đây là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Mông. Những năm qua, nhiều chính sách, nhiều chương trình kinh tế - xã hội của Trung ương, của tỉnh và huyện đã được triển khai ở Sùng Đô như: Chương trình 145; chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng tại xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn.
|
Sùng Đô đã có đường, ô tô, có trạm y tế, có chợ và tới đây là có điện lưới quốc gia. Nhiều dự án, nhiều chương trình được triển khai nhưng xã vùng cao Sùng Đô vẫn chưa thể phát triển, đời sống của đại bộ phận người Mông vẫn là đói nghèo và những hủ tục vẫn còn tồn tại trong nếp nghĩ và nét sinh hoạt hàng ngày của đồng bào. Nguyên nhân của tình trạng trên thì có nhiều và giải pháp tháo gỡ chính được xác định là phải đẩy mạnh công tác phát triển Đảng và công tác cán bộ.
Theo báo cáo của Đảng ủy xã Sùng Đô, kết thúc năm 2004, toàn xã mới có 36 đảng viên, sinh hoạt ở 4/5 thôn bản, trong đó có một chi bộ nhà trường. Thấm nhuần chủ trương đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, coi nhiệm vụ phát triển Đảng là nhiệm vụ then chốt và xuất phát từ thực tế ở đâu có chi bộ Đảng hoạt động trong sạch, vững mạnh, nề nếp thì ở đó mọi chủ trương chính sách, pháp luật đều được triển khai có hiệu quả và các đồng chí đảng viên với tinh thần tiên phong, gương mẫu luôn là hạt nhân tiêu biểu trong mọi phong trào, nhất là phong trào sản xuất giỏi, áp dụng tiến bộ KHKT và xây dựng đời sống văn hóa mới.
Từ nhận thức đó, bước sang khóa 18 (nhiệm kỳ 2005 - 2010), Đảng bộ Sùng Đô đã xây dựng nghị quyết phấn đấu cả nhiệm kỳ phát triển thêm trên 20% tổng số đảng viên và đảm bảo thôn bản nào cũng có chi bộ Đảng. Bắt tay vào thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ mới, được sự giúp đỡ, chỉ đạo tận tình của các ban xây dựng Đảng và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, trong quá trình triển khai, lãnh đạo Đảng bộ xã Sùng Đô nhận thấy nguồn đối tượng để xem xét, bồi dưỡng kết nạp Đảng trong xã là rất lớn. Ngoài con số gần hai nghìn người dân trong xã đều tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, chấp hành tốt pháp luật Nhà nước, trên địa bàn xã có khá đông đội ngũ cán bộ y tế, giáo dục và nhất là năm nào xã cũng tiếp nhận những thanh niên dân tộc, là con em đồng bào trong các thôn bản hoàn thành nghĩa vụ quân sự và tốt nghiệp phổ thông trung học ở các trường dân tộc nội trú trở về.
Đồng chí Hờ A Ký - Phó bí thư Đảng ủy xã Sùng Đô cho biết: "Thật vui vì qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, nhất là những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, ai ai cũng có nguyện vọng trở thành đảng viên và đáng tự hào hơn khi họ đều suy nghĩ rằng vào Đảng giúp cho mình tiến bộ hơn, để mình cùng với mọi người phấn đấu, xây dựng bản mình, xã mình phát triển".
Với nhận thức và hành động như vậy, năm 2005 đã có 5 quần chúng ưu tú ở Sùng Đô được đứng vào hàng ngũ của Đảng; năm 2006 có thêm 5 đồng chí nữa và năm 2007 vừa qua số đối tượng được kết nạp là 7 đồng chí. Chúng tôi đến Sùng Đô đúng vào hôm Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện và Đảng bộ xã tổ chức lễ bế giảng lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng cho 48 quần chúng ưu tú trong xã theo học. Điều đáng mừng là 100% đối tượng theo học là đoàn viên, thanh niên; 39 đồng chí là người dân tộc Mông còn lại là các y sỹ, y tá và các thầy cô giáo những cán bộ vùng thấp lên công tác và gắn bó với vùng núi cao Sùng Đô này.
Cô giáo Sổng Thị Ngân - một cán bộ Đoàn giỏi, một hạt nhân tiêu biểu trong phong trào văn hóa, văn nghệ; y sỹ Giàng A Sàng là những người con của bản sau khi học song trường dân tộc nội trú đã tiếp tục học trường y rồi về xã công tác; Giàng A Châu - một trưởng bản nhiệt tình công tác tập thể, một tấm gương sản xuất giỏi nay họ trở thành đảng viên, trở thành công dân tốt, cán bộ tốt, nhiệt tình và có thành tích trong nhiệm vụ của mình và mọi phong trào mà mình tham gia. Đó là cái hay, cái tốt của công tác phát triển Đảng ở Sùng Đô và với những cán bộ đảng viên như thế thì nghèo đói sẽ bớt dần, phong tục lạc hậu sẽ bị đẩy lùi và Sùng Đô sẽ vượt qua đói nghèo lạc hậu.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Xác định năm 2008 là năm quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2004 – 2009, ngay từ đầu năm Đảng ủy xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sát với thực tế địa phương và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong Ban chấp hành.
YBĐT - Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 14 đơn vị hành chính, trong đó 13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, với 112 thôn bản đa phần là đồng bào Mông. Mặt bằng dân trí thấp, tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu, nên việc lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo quần chúng ưu tú đủ tiêu chuẩn kết nạp vào Đảng ở các thôn, bản không nhiều, dẫn đến một số tổ chức cơ sở Đảng không đủ số lượng đảng viên theo quy định để sinh hoạt độc lập.
YBĐT - Đảng bộ xã Mông Sơn, huyện Yên Bình có 92 đảng viên, sinh hoạt tại 10 chi bộ. Thời gian qua, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, động viên cán bộ đảng viên và nhân dân đoàn kết, phát huy thế mạnh của địa phương hoàn thành toàn diện các mục tiêu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khoá XX đề ra. Đồng thời, góp phần tạo tiền đề vững chắc cho xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.
YBĐT - Trong 4 tháng đầu năm 2008, Đảng bộ huyện Yên Bình (Yên Bái) đã kết nạp được 78 đảng viên mới, bằng 45% kế hoạch năm mà Đảng bộ đã đề ra trong năm nay.